Dấu Ấn ở Quảng

VĨNH LỘC - MINH KHÔI - GIA KHANG - LÊ QUÂN - KHÁNH LINH 03/04/2022 07:21

Hành trình 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Ấn Độ (1972 - 2022) với nhiều dấu ấn quý giá trên các lĩnh vực. Đây là mối quan hệ truyền thống và đặc biệt vì phát triển trên nền tảng hơn 2.000 năm giao thương... Riêng với Quảng Nam, mối quan hệ hợp tác đó đã đem lại những kết quả đặc sắc và tiếp tục mở ra những kỳ vọng mới.

Hiện vật quốc gia Đài thờ A10 được phát hiện tại cuộc trùng tu trong các năm 2018 - 2020 tại dự án do các chuyên gia Ấn Độ phụ trách. Ảnh: X.H
Hiện vật quốc gia Đài thờ A10 được phát hiện tại cuộc trùng tu trong các năm 2018 - 2020 tại dự án do các chuyên gia Ấn Độ phụ trách. Ảnh: X.H

ĐIỂM NHẤN MỸ SƠN

Với sự hỗ trợ kinh phí và kỹ thuật từ phía Ấn Độ, nhiều công trình đền tháp Mỹ Sơn đã được trùng tu, mở cửa đón khách tham quan. Đây là điểm nhấn nổi bật trong quan hệ hợp tác giữa hai nước.

BA nhóm tháp K, H, A đã mở cửa đón khách tham quan sau quá trình trùng tu, tôn tạo. Đây là kết quả hợp tác, làm việc miệt mài của các chuyên gia đến từ Cơ quan Khảo cổ học Ấn Độ (ASI) với các đối tác Quảng Nam suốt 5 năm qua (2017 - 2021) trong khuôn khổ dự án Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn với kinh phí khoảng 52 tỷ đồng.

Với phương pháp chủ yếu gia cố, bảo tồn các yếu tố gốc, đảm bảo tính chân xác của di tích, dự án đã khai quật, phát lộ hơn 1.500m2 đất tại 3 nhóm tháp K, H, A, thu nhặt 734 hiện vật, thành phần kiến trúc, trang trí bằng đá và đất nung các loại. Nổi bật là đài thờ Linga - Yoni liền khối đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận Bảo vật quốc gia cuối năm 2021…

Các chuyên gia Ấn Độ cũng xây dựng dữ liệu các bộ phận kiến trúc nóc tháp, thân tháp, đế tháp bằng phương pháp đo vẽ và chụp hình. Riêng tại tháp A1 - công trình kỳ vĩ nhất của Mỹ Sơn, dự án đã phục dựng toàn bộ nền móng bằng gạch và bó vỉa chung quanh đế tháp; khôi phục thành công khung cửa phía tây và 2 trụ cửa phía đông; hình thành bậc cấp cho lối đi chính vào gian thờ A1; tái định vị một phần trụ giả tại góc tây bắc; sắp xếp lại đài thờ A1 làm cơ sở cho việc lập hồ sơ khoa học đề nghị công nhận Bảo vật quốc gia.

Sau 5 năm, dự án Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu đền tháp Mỹ Sơn đã hoàn thành cơ bản các nội dung chính, đảm bảo đúng các nguyên tắc về bảo tồn di tích, được Cục Di sản văn hóa và các chuyên gia của Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá cao.

Ông Phan Văn Cẩm - Giám đốc Trung tâm Quản lý di tích danh thắng Quảng Nam cho rằng: “Kết quả tốt đẹp của dự án là bằng chứng sinh động về tình đoàn kết, hữu nghị và sự hợp tác đầy hiệu quả của chính phủ, nhân dân 2 nước Việt Nam - Ấn Độ nói chung, Quảng Nam và Ấn Độ nói riêng.

Quá trình thực hiện dự án đã góp phần nâng cao năng lực về quản lý và chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, tạo điều kiện xây dựng và hình thành lực lượng công nhân lành nghề về bảo tồn di tích cho Quảng Nam”.

Ông Cẩm cho biết thêm, việc hoàn thành công tác tu bổ, tôn tạo tại 2 khu tháp H, K và một phần cơ bản tại khu A không những đã khắc phục được tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các di tích, mà còn góp phần phục hồi, hoàn thiện không gian kiến trúc Khu đền tháp Mỹ Sơn.

 

Để có kết quả như ngày hôm nay là cả quá trình làm việc, nghiên cứu lâu dài từ nhiều năm trước. GS-TS. Trương Quốc Bình - Ủy viên Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia cho biết, chỉ riêng giai đoạn 2011 - 2016, các cơ quan chuyên môn phía Ấn Độ đã thực hiện gần chục đợt khảo sát thực địa và làm việc tại Mỹ Sơn, vừa lấy ý kiến góp ý, vừa xây dựng kế hoạch bảo tồn theo tiến độ 5 năm và từng năm một.

“Với tư cách là cán bộ chuyên môn có quá trình theo dõi việc bảo tồn Khu đền tháp Mỹ Sơn từ vài chục năm nay, tôi hoan nghênh và đánh giá cao những thành tựu của dự án hợp tác tu bổ của Việt Nam và Ấn Độ trong những năm qua.

Dự án đảm bảo các nguyên tắc về bảo tồn di tích, không những khắc phục tình trạng hư hỏng, xuống cấp của các di tích mà còn góp phần phục hồi, hoàn thiện không gian kiến trúc Khu đền tháp Mỹ Sơn” - ông Bình nói.

Cũng theo GS-TS. Trương Quốc Bình, để tiếp tục khai thác có hiệu quả những thế mạnh về chuyên môn của Ấn Độ, Chính phủ Ấn Độ cần giúp đỡ nhiều hơn cho Quảng Nam - nơi còn nhiều di tích ảnh hưởng văn hóa Ấn Độ, đặc biệt tại Mỹ Sơn, đồng thời xem xét tiếp tục bảo tồn phục hồi Khu di tích Phật viện Đồng Dương (Thăng Bình) - một trung tâm Phật giáo lớn nhất Đông Nam Á từ thế kỷ thứ 10.

Hướng đến Ngày hội văn hóa Ấn Độ tại Quảng Nam

Trong buổi làm việc với Đoàn công tác Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam hôm 28.3, Bí thư Tỉnh ủy Phan Việt Cường đã đề xuất ngài Đại sứ Pranay Verma tác động để có thể tổ chức lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ hằng năm tại Khu đền tháp Mỹ Sơn.

Việc tổ chức lễ hội giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ nếu diễn ra sẽ là một sự kiện hết sức đặc biệt, không chỉ giúp nâng tầm hơn mối quan hệ hợp tác hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam - Ấn Độ mà còn góp phần quan trọng quảng bá hình ảnh, văn hóa, du lịch Quảng Nam đến với Ấn Độ.

Theo ông Nguyễn Thanh Hồng - Giám đốc Sở VH-TT&DL: “Đây là ý tưởng rất hay, bởi nếu nói về giao lưu văn hóa thì Quảng Nam là đậm nét nhất. Nếu thực hiện được, lễ hội này sẽ là một sản phẩm nổi bật về quan hệ quốc tế, văn hóa, du lịch… độc đáo.

Tuy nhiên, để sự kiện được tổ chức mang tầm quốc gia phải cần ý kiến từ các bộ, ngành. Dù vậy tôi vẫn tin tưởng tương lai không xa sự kiện này sẽ được diễn ra tại Quảng Nam như gợi ý của Bí thư Tỉnh ủy trong buổi làm việc với ngài Đại sứ Ấn Độ vừa qua”.

Với những tương đồng về văn hóa, kiến trúc, tâm linh, khu đền tháp Chăm Mỹ Sơn sẽ rất phù hợp để tổ chức sự kiện giao lưu văn hóa Việt Nam - Ấn Độ.

KỲ VỌNG ĐIỂM ĐẾN CỦA KHÁCH ẤN

Quảng Nam đang ấp ủ hy vọng sẽ là điểm đến hấp dẫn của du khách Ấn trong tương lai. Điều này hoàn toàn khả thi khi câu chuyện kích cầu du lịch đang được chính quyền các cấp ở hai quốc gia hướng đến.

Các nhóm tháp ở Mỹ Sơn thông qua dự án hợp tác trùng tu giữa Ấn Độ - Việt Nam hoàn thành cơ bản. Ảnh: L.H
Các nhóm tháp ở Mỹ Sơn thông qua dự án hợp tác trùng tu giữa Ấn Độ - Việt Nam hoàn thành cơ bản. Ảnh: L.H

Thông tin từ Tổng cục Du lịch, những năm gần đây, Ấn Độ và Việt Nam đã tăng cường nhiều hoạt động xúc tiến du lịch và trao đổi hợp tác phát triển du lịch, qua đó góp phần gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch giữa hai bên.

Các chương trình phát động thị trường, giới thiệu du lịch Việt Nam tại Ấn Độ đã bắt đầu được triển khai cùng sự tham gia của các địa phương, doanh nghiệp du lịch.

Theo đại diện Hãng hàng không Vietjet Air: “Dù tháng 5.2020 đường bay Đà Nẵng - New Delhi đã mở nhưng chủ yếu chỉ bay theo thuê bao chuyến (charter), dự kiến tháng 6 hoặc tháng 9.2022 đường bay Đà Nẵng - New Dehli mới có thể bay thường xuyên (khoảng 3 chuyến/tuần). Theo định hướng của thị trường hàng không, chúng tôi sẽ tìm thị trường khách thay thế cho 2 thị trường khách lâu nay của miền Trung là Trung Quốc và Hàn Quốc, bởi tất cả thị trường khách đều có chu kỳ, trong khi theo dự báo chu kỳ của thị trường khách Hàn Quốc sẽ giảm dần, muốn thay thế phải có một thị trường mới, và Ấn Độ là thị trường chúng tôi đang hướng đến”. 

Đại diện Sở Du lịch TP.Đà Nẵng cho biết, địa phương này đã từng tổ chức đưa các doanh nghiệp lữ hành tham gia các hội chợ du lịch ở Ấn Độ như Hội chợ thương mại và dịch vụ GES, Hội chợ PATA Travel Mart, Hội chợ triển lãm du lịch quốc tế SATTE, tổ chức các đoàn famtrip sang Ấn Độ.

Ngoài ra, TP.Đà Nẵng cũng đã tổ chức các hoạt động đón đoàn báo chí và doanh nghiệp Ấn Độ, đoàn làm phim Ấn Độ khảo sát tại Việt Nam...

Cùng với đó, cộng đồng du lịch Ấn Độ cũng rất quan tâm đến việc tăng cường trao đổi khách giữa hai nước, thông qua các hoạt động hỗ trợ lẫn nhau trong thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch, thường xuyên tổ chức các chương trình giới thiệu, xúc tiến du lịch tại các thành phố lớn của hai nước đến việc tổ chức các đoàn famtrip và presstrip để khảo sát sản phẩm, dịch vụ du lịch và tìm kiếm đối tác...

Trong vòng 5 năm trở lại đây, Ấn Độ đã trở thành thị trường được các doanh nghiệp du lịch Đà Nẵng quan tâm với các tour hành hương. Đặc biệt, từ tháng 5.2020 khi hãng hàng không Vietjet mở 3 đường bay thẳng kết nối Đà Nẵng, TP.Hồ Chí Minh, Hà Nội với hai trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa lớn của Ấn Độ là New Delhi và Mumbai đã mở ra cơ hội cho du lịch Việt Nam cũng như miền Trung kết nối với thị trường 1,3 tỷ dân này.

Ngoài Phú Quốc, Đà Nẵng, Quảng Nam là một trong những nơi thích hợp với khách Ấn Độ vì có biển đẹp, quy hoạch tương đối ngăn nắp, ít tắc nghẽn giao thông, có nhiều khách sạn cao cấp, cơ sở hạ tầng tốt. Riêng Quảng Nam còn có 2 di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn và Hội An, trong đó Mỹ Sơn là thánh tích liên quan đến Hindu giáo nên người Ấn Độ có sự gần gũi nhất định.

 

Ông Lê Ngọc Tường - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL cho biết, ngoài những nét tương đồng về văn hóa truyền thống, Quảng Nam còn có lợi thế cảnh quan về biển đa dạng, có khả năng tổ chức các hoạt động ngoài trời mang tính chất sang trọng, cũng như hiện tại Quảng Nam có một số khu nghỉ dưỡng, khách sạn cao cấp hoàn toàn đáp ứng được nhu cầu của du khách Ấn. 

Ông Phạm Vũ Dũng - Giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ du lịch Hoa Hồng cho biết, dù đây là thị trường khó tính và có nét đặc thù, nhất là về ăn uống, tôn giáo, nhưng với những lợi thế về thiên nhiên, văn hóa, nhất là di sản Mỹ Sơn, Quảng Nam có cơ hội tốt để đón thị trường khách này.

“Tôi nghĩ sau những thành công của các dự án bảo tồn Mỹ Sơn do Chính phủ Ấn Độ tài trợ, điểm đến Mỹ Sơn, Quảng Nam sẽ được người dân và du khách Ấn Độ biết đến nhiều hơn. Đây chính là cơ hội cho việc quảng bá, xúc tiến thị trường này thuận lợi” - ông Dũng nhìn nhận.

Hướng đến thị trường Ấn Độ không chỉ giúp đa dạng hóa dòng khách, mà còn góp phần thúc đẩy phát triển các dịch vụ, sản phẩm tương xứng.

Ông Pranay Verma - Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam cho rằng, ngay khi tình hình đại dịch hoàn toàn bình thường trở lại và các chuyến bay được khôi phục như trước thời kỳ đại dịch, du khách Ấn Độ chắc chắn sẽ chọn Quảng Nam là một trong những điểm đến trong hành trình du lịch tới Việt Nam...

MỐI QUAN HỆ HỢP TÁC ĐẶC BIỆT

Tại Quảng Nam, cùng với lĩnh vực trùng tu di sản, nhiều hoạt động mang đậm dấu ấn ngoại giao, góp phần mở ra chặng đường phát triển cho quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa hai quốc gia.

Một số hình ảnh trưng bày tại Lễ kỷ niệm thiết lập quan hệ 50 năm ngoại giao Việt - Ấn.
Một số hình ảnh trưng bày tại Lễ kỷ niệm thiết lập quan hệ 50 năm ngoại giao Việt - Ấn.

Ông Pranay Verma - Đại sứ Đặc mệnh  toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam: Chặng đường đáng nhớ

Năm mươi năm qua là chặng đường đồng hành đáng nhớ của cả Ấn Độ và Việt Nam, vì cả hai nước chúng ta không chỉ vượt qua nghịch cảnh mà còn hỗ trợ và truyền cảm hứng cho nhau trong quá trình dựng xây đất nước.

Cả hai dân tộc đều vươn lên mạnh mẽ, thoát khỏi những khốn cùng do chế độ thuộc địa gây ra, thông qua những quyết tâm và cam kết mạnh mẽ của các nhà lãnh đạo để nâng cao vị thế quốc gia trên toàn cầu.

Các con đường phát triển mà chúng ta chọn lựa đã đơm hoa kết trái. Tiềm lực phát triển kinh tế xã hội mạnh mẽ của cả Ấn Độ và Việt Nam ngày nay là điều đang được đề cập ở cấp độ toàn cầu.

Đây là cơ hội cho chúng tôi hân hoan nhìn lại những thành tựu đã đạt được và tái khẳng định cam kết đưa mối quan hệ đặc biệt, là “đối tác chiến lược toàn diện” với Việt Nam lên một tầm cao mới. 

Tôi rất vui mừng chứng kiến chương trình Văn hóa Ấn Độ - Việt Nam được tổ chức tại Khu đền tháp Mỹ Sơn - nơi đại diện cho sự kết nối văn minh bền chặt giữa hai nền văn minh cổ đại trong khu vực.

Khu đền tháp Mỹ Sơn, di sản thế giới được UNESCO công nhận, được các chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam coi là di sản văn hóa chung. Nhận thức được nhu cầu bảo tồn và trùng tu di tích khảo cổ học quốc gia Việt Nam cho thế hệ mai sau, Chính phủ Ấn Độ thể theo yêu cầu đặc biệt của Chính phủ Việt Nam và chính quyền tỉnh Quảng Nam, đã triển khai dự án trùng tu đặc biệt này.

Tôi cảm thấy rất hài lòng khi phần lớn dự án đã được hoàn thành, theo như kế hoạch làm việc đã thống nhất ban đầu. Một số phát hiện trong quá trình trùng tu đã nhận được sự chú ý rộng rãi và được hàng triệu người Ấn Độ biết đến, có thể kể đến việc trùng tu một biểu tượng Shivalinga bằng đá sa thạch nguyên khối có từ thế kỷ thứ 9. Các phương tiện truyền thông Ấn Độ đã đưa tin rộng rãi về phát hiện này.

Quá trình phục hồi di tích tại Mỹ Sơn là thành tựu to lớn trong việc mang lại sức sống cho mối quan hệ cổ xưa giữa chúng ta, truyền đạt những kiến thức về nền văn minh cổ đại cho thế hệ trẻ ngày nay. Vì vậy, tôi nghĩ thành tựu lớn nhất của quá trình phục hồi này là tái tạo mối quan hệ văn hóa cổ đại cho thế hệ ngày nay chiêm ngưỡng.

Chúng tôi cũng tin rằng, cùng với danh hiệu Di sản văn hóa thế giới do UNESCO trao tặng, việc phục hồi di tích này sẽ giúp Mỹ Sơn thu hút thêm nhiều khách du lịch hơn và chúng tôi mong rằng khu di tích cổ đại này tại Việt Nam sẽ trở thành điểm thu hút khách du lịch khắp thế giới.

Trong thời gian tới, chúng tôi muốn triển khai thêm các dự án bảo tồn di tích, tôi tin rằng đây là một phần quan trọng trong mối quan hệ văn hóa Ấn Độ - Việt Nam.

Tại Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến song phương giữa Thủ tướng Ấn Độ và Thủ tướng Việt Nam vào tháng 12.2020, các chuyên gia của ASI sẽ sớm bắt đầu công việc trùng tu và bảo tồn tại ba địa điểm mới được xác định, bao gồm tháp Nhạn ở Phú Yên, Phật viện Đồng Dương và nhóm đền tháp F tại Mỹ Sơn.

Tôi hy vọng rằng sự hợp tác kỹ thuật trong quá trình phục hồi các khu di tích ở Việt Nam sẽ tiếp tục là một mắt xích quan trọng trong quan hệ văn hóa giữa 2 nước.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Văn Tân: Tăng cường hợp tác nhiều lĩnh vực

Với sự tài trợ của Chính phủ Ấn Độ, sự hợp tác tích cực của Đại sứ quán, các đối tác, nhà khoa học, chuyên gia Ấn Độ và Việt Nam, dự án “Bảo tồn, tôn tạo Di sản văn hóa thế giới Khu di tích Mỹ Sơn” đã đạt được nhiều thành tựu. Thành công nhất của dự án là chúng ta đã phục hồi, hồi sinh toàn bộ các nhóm tháp K, H, A.

Qua trùng tu phục hồi các nhóm tháp này cũng đã tái hiện cảnh quan, không gian toàn bộ khu đền tháp Mỹ Sơn uy nghi nhưng vẫn đảm bảo được độ chân xác của di tích. Thành công của dự án góp phần thắt chặt thêm quan hệ đoàn kết, hợp tác, thống nhất rất tốt đẹp của Việt Nam và Ấn Độ nói chung cũng như tỉnh Quảng Nam với Đại sứ quán Ấn Độ và các đối tác Ấn Độ nói riêng.

Mối quan hệ giữa Ấn Độ và Việt Nam được nâng tầm thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện trên tất cả lĩnh vực. Góp phần phát huy mối quan hệ tốt đẹp ấy, thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã tích cực đẩy mạnh quan hệ hợp tác với các đối tác của Ấn Độ, đặc biệt trong lĩnh vực trùng tu bảo tồn di sản.

Chính phủ Ấn Độ thông qua Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam đã dành cho tỉnh Quảng Nam các suất học bổng ngắn hạn, dài hạn, giúp nâng cao năng lực quản lý cho đội ngũ cán bộ, công chức. Mối quan hệ hữu nghị giữa các vị đại sứ, Đại sứ quán Ấn Độ với lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cũng rất gắn bó và vô cùng thân thiện. 

Trong thời gian đến, chúng tôi mong sẽ tiếp tục nhận được sự quan tâm giúp đỡ của Chính phủ Ấn Độ, Đại sứ quán Ấn Độ tại Việt Nam và cá nhân ngài đại sứ; hy vọng rằng mối quan hệ hợp tác sẽ tiếp tục được mở rộng và tăng cường về chiều sâu trên các lĩnh vực hợp tác đầu tư như: dược phẩm, y tế, công nghệ, du lịch; tiếp tục hợp tác nghiên cứu và hỗ trợ phục dựng các di tích Chămpa, đặc biệt là Phật viện Đồng Dương và Khu đền tháp Mỹ Sơn.

 

Ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL: Cơ hội mới thu hút khách Ấn

Khách Ấn Độ là một trong những thị trường mục tiêu không chỉ của Quảng Nam mà của cả Việt Nam hướng đến, tuy nhiên khó nhất hiện nay là các chuyến bay trực tiếp từ Ấn Độ sang.

Chưa kể, việc xúc tiến, quảng bá thì một địa phương khó có thể làm hiệu quả mà cần sự vào cuộc của Bộ VH-TT&DL và Tổng cục Du lịch, bởi vì để mở rộng một thị trường với vai trò một tỉnh sẽ không mạnh mà phải có sự tham gia của các bộ, ngành như Bộ VH-TT&DL, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Y tế, Bộ GTVT…

Rồi sự tham gia của các hãng hàng không vì điều này còn liên quan đến hiệu quả kinh doanh (khai thác, lời lỗ…) của doanh nghiệp. Do đó, nếu thuận lợi về đường bay thì thị trường Ấn Độ sẽ là một trong những thị trường mục tiêu Quảng Nam tính tới.

Các sản phẩm du lịch Quảng Nam cơ bản phù hợp với tâm lý du khách Ấn Độ, trong đó Khu đền tháp Mỹ Sơn rất được du khách quan tâm, kể cả ăn uống cũng không phải là vấn đề lớn (chỉ trừ một số món ăn liên quan tín ngưỡng tôn giáo) nên chúng ta có thể kỳ vọng về thị trường khách Ấn Độ thời gian tới khi các yếu tố trên được giải quyết.

Thật ra, trước đây Quảng Nam cũng đã từng tổ chức xúc tiến, quảng bá sản phẩm du lịch đến thị trường Ấn Độ nhưng do 2 năm qua dịch bệnh nên việc quảng bá, xúc tiến bị ngưng lại. Với điều kiện dịch bệnh dần được kiểm soát, Quảng Nam cũng đã bắt đầu xúc tiến lại thị trường khách này như gửi thông tin cho đại sứ, tuyên truyền thông qua nền tảng số và các công ty lữ hành, đồng thời cũng đề xuất với các cơ quan trung ương cùng tham gia.

Với việc kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa 2 nước, đặc biệt buổi làm việc giữa đồng chí Bí thư Tình ủy Phan Việt Cường với ngài Đại sứ Ấn Độ mới đây cũng đã thống nhất tăng cường các hoạt động xúc tiến đầu tư trên các lĩnh vực và quảng bá du lịch trao đổi khách, qua đó mở ra những cơ hội mới cho việc thu hút khách đến từ thị trường Ấn Độ.

Tiến sĩ Lê Đình Phụng - Viện Khảo cổ học: Phục hồi kiến trúc của Mỹ Sơn

Nằm trong truyền thống kiến trúc tháp Chămpa, các kiến trúc của những nhóm tháp K, H, A được xây dựng chủ yếu từ vật liệu gạch. Đây là loại vật liệu xây dựng có kích thước khối nhỏ.

Việc xây dựng đòi hỏi phải tỉ mỉ, kỹ thuật cao, đặc biệt là chất kết dính để dựng lên một kiến trúc có quy mô lớn về khối kiến trúc, cả chiều cao và khối lớn tham gia tạo nên hình ảnh kiến trúc hài hòa. Vật liệu đá góp vào các thành phần chịu lực của kiến trúc (cột cửa, mi cửa) hay tham gia trang trí tháp (đá điểm góc). Đặc biệt là bộ ngẫu tượng thờ trong lòng tháp.

Ba nhóm kiến trúc được trùng tu thuộc hai giai đoạn nghệ thuật khác nhau, mang đặc trưng riêng: phong cách kiến trúc Mỹ Sơn A1 và phong cách kiến trúc tháp Bình Định. Giai đoạn Mỹ Sơn A1 chú trọng nghệ thuật điêu khắc trên gạch, giai đoạn Bình Định chú trọng khối xây. Dựa vào những đặc trưng, quá trình trùng tu phải đưa ra sự lựa chọn phù hợp cho mỗi kiến trúc cụ thể, những ứng xử phù hợp về vật liệu, kỹ thuật trong quá trình trùng tu.

Trong quá trình thực hiện dự án, chúng tôi phải thực thi theo đúng quy trình đề ra; đảm bảo những quy định đối với việc trùng tu tôn tạo các di tích văn hóa, tuân thủ nguyên tắc khi thực hiện trùng tu tại các di sản văn hóa thế giới. Dự án có những thuận lợi như được kế thừa nguồn tài liệu của các nhà nghiên cứu đi trước, đặc biệt là tư liệu bản vẽ kiến trúc của H. Parmentier (1909 - 1918).

Các chuyên gia Ấn Độ  nắm vững những giáo lý, quy tắc tôn giáo Ấn Độ giáo, có kinh nghiệm trùng tu các công trình kiến trúc Ấn Độ giáo. Các chuyên gia Việt Nam có quá trình nghiên cứu lâu dài về các kiến trúc, có kinh nghiệm thực tế tham gia các công trình trùng tu tháp giai đoạn trước khi cộng tác với các nhà trùng tu Ba Lan, Italia, hay các cơ quan trùng tu trong nước.

Các nhóm trùng tu đã tập hợp, hệ thống hóa, nghiên cứu nguồn tài liệu về các kiến trúc Chămpa nói chung và các kiến trúc trùng tu ở Mỹ Sơn (nhóm K, H, A). Tiến hành tổ chức khai quật khảo cổ học đi trước một bước theo Luật Di sản văn hóa nhằm làm rõ những khối kiến trúc hiện còn, mặt bằng kiến trúc, hệ thống móng, thân, cấu trúc lòng kiến trúc.

Gia cố bảo quản tại chỗ các thành phần khối kiến trúc tìm được. Tiến hành gia cố các khối xây phát hiện được, hệ thống móng, khối kiến trúc hiện còn theo kỹ thuật truyền thống, xây mài chập không dùng chất kết dính, định vị các thành phần kiến trúc đá theo đúng công năng, vị trí đảm nhận trong kiến trúc.

Phục dựng chân xác nhất những thành phần kiến trúc được biết trên cơ sở khoa học có độ tin cậy cao. Hệ thống hóa, tổ chức trưng bày các thành phần kiến trúc không đủ điều kiện tái định vị một cách khoa học, phù hợp và liên quan với kiến trúc được trùng tu.

Cho đến nay, mục tiêu trùng tu các kiến trúc tại Mỹ Sơn đã đạt được thành quả đáng ghi nhận như hoàn thành việc trùng tu tôn tạo nhóm tháp H với mức độ tốt nhất; tháp K hoàn thành phục dựng thành phần kiến trúc hiện còn, gia cố vững chắc; tháp Mỹ Sơn A10 phục dựng một phần khối thân kiến trúc một cách khoa học, dựng lại hai cột cửa.

Thu gom, sắp xếp các mảnh bệ thờ  một cách khoa học, đúng vị trí được đảm nhận. Từ những kết quả trên, hoàn toàn đủ khả năng làm tiền đề cơ sở khoa học để tiếp tục trùng tu, tôn tạo các kiến trúc thuộc nhóm A tiếp theo...

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu Ấn ở Quảng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO