Là một trong 5 huyện điểm của cả nước về xây dựng nông thôn mới (NTM), đến nay diện mạo nông thôn và đời sống người dân Phú Ninh đã đổi thay rõ rệt sau gần một thập kỷ triển khai.
Cuối năm 2007, đề án quy hoạch xây dựng huyện NTM Phú Ninh được UBND tỉnh phê duyệt, làm cơ sở định hướng tổng thể, chiến lược cho việc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội của huyện. Đến năm 2009, Ban Bí thư Trung ương Đảng chọn xã Tam Phước (xã đại diện khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ) là một trong 11 xã của cả nước xây dựng mô hình thí điểm xã NTM giai đoạn 2009 - 2011. Ngày 20.9.2010, Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM Trung ương chọn Phú Ninh là một trong 5 huyện điểm của cả nước để chỉ đạo điểm xây dựng NTM.
Qua 10 năm triển khai xây dựng, đến nay diện mạo nông thôn của Phú Ninh có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân ngày càng nâng cao. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, giảm tỷ trọng ngành nông nghiệp, tăng tỷ trọng công nghiệp - xây dựng và thương mại - dịch vụ với tỷ lệ lần lượt là 17,3% - 46,3 - 36,4%. Hiện nay, thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt hơn 36,5 triệu đồng/năm, tăng 25,12 triệu đồng so với năm 2010. Đặc biệt, môi trường đầu tư được cải thiện, không ngừng nâng cao năng lực và chất lượng phục vụ. Đến nay, toàn huyện đã có 31 nhà đầu tư đăng ký với tổng số vốn hơn 1.184 tỷ đồng, dự kiến giải quyết việc làm mới cho hơn 4.500 lao động. Tính đến thời điểm này, đã có 17 doanh nghiệp hoạt động sản xuất trong các cụm công nghiệp và 5 doanh nghiệp đang triển khai xây dựng.
Ông Võ Thanh Anh - Trưởng phòng NN&PTNT Phú Ninh cho biết, sản xuất nông nghiệp của huyện đang phát triển theo phương thức hàng hóa tập trung. Cơ cấu nội bộ ngành dần chuyển dịch theo hướng tích cực với giá trị đóng góp của lĩnh vực chăn nuôi và thủy sản chiếm hơn 52,4%. Hiện nay, giá trị trên đơn vị diện tích canh tác đạt 66,2 triệu đồng/ha/năm, tăng 21,2 triệu đồng so với năm 2010. Các mô hình chăn nuôi heo siêu nạc, gà thịt từng bước được nhân ra diện rộng, đến nay có 25 trang trại chăn nuôi đạt doanh thu hơn 1 tỷ đồng/mô hình/năm. Ngoài ra, các gia trại chăn nuôi heo nái ngoại, gà thịt, gà lấy trứng... có doanh thu từ 300 triệu đồng đến gần 1 tỷ đồng/mô hình/năm cũng khá phổ biến ở hầu hết địa phương.
Nhờ kinh tế phát triển mạnh, những năm qua tốc độ giảm hộ nghèo và hộ cận nghèo ở Phú Ninh tương đối tốt và bền vững. Toàn huyện hiện chỉ còn 546 hộ nghèo, giảm 2.127 hộ so với năm 2010; số hộ cận nghèo còn 432 hộ, giảm 1.785 hộ so với cách đây 9 năm. Mạng lưới trường lớp tiếp tục được đầu tư hoàn thiện và đến nay 100% trường mầm non, tiểu học, THCS đã đạt chuẩn quốc gia. Hệ thống y tế được quy hoạch bố trí phù hợp, chất lượng phục vụ ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám chữa bệnh của người dân...
Hướng đến bền vững
Phú Ninh đặt mục tiêu đến năm 2020 cả 7 xã còn lại được công nhận đạt chuẩn NTM; huyện đạt tiêu chí huyện NTM theo quy định của Trung ương; có ít nhất 13 thôn đạt chuẩn bộ tiêu chí khu dân cư NTM kiểu mẫu (riêng xã Tam Phước đạt 2 khu, xã Tam Thái đạt 3 khu); phấn đấu xã Tam Thái đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, xã Tam Phước đạt chuẩn NTM nâng cao. Về các mục tiêu cụ thể, huyện phấn đấu thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 42 triệu đồng/năm; cơ bản không còn hộ nghèo thuộc chính sách giảm nghèo; giảm tỷ lệ hộ cận nghèo còn dưới 3%; tỷ lệ đường ĐH cứng hóa đạt 100% và giao thông nông thôn được bê tông hóa 90%; cơ cấu lao động phi nông nghiệp chiếm hơn 60%…
Ông Nguyễn Đạo - Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Ninh cho biết, xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục và không có điểm kết thúc. Vì vậy, nhiệm vụ sau năm 2020 là tập trung mọi nguồn lực để duy trì, giữ vững, nâng cao chất lượng hướng đến bền vững đối với các tiêu chí xã NTM, khu dân cư NTM kiểu mẫu; tiếp tục triển khai xây dựng xã NTM nâng cao, xã NTM kiểu mẫu ở các địa phương còn lại. Theo ông Đạo, huyện sẽ tập trung tuyên truyền để mỗi cấp ủy, chính quyền, cán bộ và toàn thể nhân dân nhận thức đầy đủ, cụ thể những quan điểm, định hướng và nội dung xây dựng NTM trong tình hình mới, nhất là việc nâng cao chất lượng các tiêu chí, phát huy vai trò chủ thể của nhân dân, đấu tranh với các tư tưởng trông chờ, ỷ lại và bằng lòng. Đồng thời phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống người dân.
Theo lãnh đạo huyện Phú Ninh, để đạt mục tiêu đề ra, thời gian tới ngành liên quan và chính quyền các địa phương của huyện tập trung xây dựng bài bản những giải pháp, kế hoạch thực hiện quy hoạch các vùng sản xuất gắn với định hướng phát triển chung của tỉnh và lợi thế về vị trí, tiềm năng của địa phương. Tạo điều kiện thuận lợi nhất về quy trình giải quyết hồ sơ, hỗ trợ trong công tác giải phóng mặt bằng, xây dựng cơ sở hạ tầng... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào địa bàn. Thực sự chuyển nhận thức từ vai trò quản lý sang phục vụ đối với doanh nghiệp bằng những hành động, việc làm cụ thể. Đặc biệt, phải có các cơ chế hỗ trợ phù hợp, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp, để khuyến khích doanh nghiệp và người dân đầu tư sản xuất. Cùng với đó, rà soát, đánh giá thực chất để có hướng hỗ trợ phù hợp cho các hợp tác xã, tổ hợp tác phát triển mạnh. Tập trung đào tạo nghề và giải quyết việc làm cho người lao động trên cơ sở phối hợp với doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động...