Với phương châm hướng về cơ sở, trong nửa nhiệm kỳ qua, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Quế Sơn đã xây dựng được nhiều mô hình hiệu quả, thu hút đông đảo hội viên tham gia. Từ đó, đưa phong trào hoạt động của hội đi vào chiều sâu và mang tính thiết thực.
Hỗ trợ phụ nữ khó khăn
Bà Nguyễn Thị Mỹ Nhân - Chủ tịch Hội LHPN xã Quế Thuận cho biết, năm 2015 đơn vị tiến hành xây dựng mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm”. Năm 2016, hội triển khai mô hình “hũ gạo nghĩa tình”. Năm 2017, phát động mô hình cửa hàng quần áo “ai thừa đến cho, ai thiếu đến lấy”. Năm 2018, hội tiếp tục thực hiện thêm mô hình “thu gom ve chai giúp phụ nữ nghèo”. Theo bà Nhân, thời gian qua các mô hình nêu trên vẫn duy trì hoạt động và ngày càng phát triển mạnh. Đặc biệt, mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm” được thực hiện ở 45 tổ phụ nữ trên địa bàn xã. 2 năm gần đây, mô hình này thu được 189 triệu đồng. Từ số tiền đó, các chi hội đã trao quà cho những phụ nữ khó khăn và cho 17 hội viên mượn không lấy lãi để có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế hộ. Ngoài ra, Hội LHPN xã Quế Thuận cũng nỗ lực vận động hội viên và các nhà hảo tâm ủng hộ kinh phí trao sinh kế cho phụ nữ nghèo. Thống kê cho thấy, từ năm 2018 đến nay hội đã trao 36 con heo giống, 200 con gà mái, 3 con bò giống và 1 tủ nhôm kính cho những phụ nữ nghèo.
Bà Trần Thị Trinh - Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Quế Sơn cho biết, trong nửa nhiệm kỳ 2016 - 2021, Hội LHPN huyện đã tập trung rà soát kỹ tình hình thực tế, từ đó duy trì các mô hình mang lại hiệu quả cao và loại bỏ những mô hình không hoạt động tốt. Theo bà Trinh, đối với các mô hình phụ nữ thực hành tiết kiệm, hiện nay các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện phát triển mạnh nhất là mô hình “nuôi heo đất tiết kiệm” và “hũ gạo nghĩa tình”. Ngoài ra, từ năm 2016 đến nay, các cấp hội phụ nữ của Quế Sơn đã xây mới được 7 mô hình sinh kế từ rác thải tái chế ở các xã Quế Xuân 1, Quế Xuân 2, Quế Phú, Quế Cường, Quế Thuận, Quế Long, Quế Phong; 2 mô hình cửa hàng quần áo “ai thừa đến cho, ai thiếu đến lấy” ở xã Quế Thuận và Quế Cường; 1 mô hình “bát cháo tình thương” trong Ban Chấp hành Hội LHPN huyện. “Trong 3 năm qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn Quế Sơn đã huy động được hơn 2,7 tỷ đồng và hơn 1,3 tấn gạo. Qua đó, hỗ trợ xây dựng 23 “mái ấm tình thương” và trao tặng 80 sổ tiết kiệm, 195 suất học bổng, 19 xe đạp, 2.853 suất quà, 35 con bò, 444 con heo, 4.411 con gà, 6 máy ấp trứng cho những phụ nữ nghèo và trẻ em có hoàn cảnh khó khăn. Ngoài ra, các cấp hội phụ nữ của huyện còn phối hợp mở một số lớp đào tạo nghề may mặc, chế biến món ăn, chăn nuôi gia súc - gia cầm cho 1.120 hội viên. Đồng thời hỗ trợ 30 phương tiện sinh kế như xe nước mía, tủ bán bánh mỳ, máy vắt sổ và đăng ký giúp được 283 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ thoát nghèo bền vững” - bà Trần Thị Trinh nói.
Bảo vệ môi trường
Theo bà Trần Thị Trinh, ngoài nhiệm vụ hỗ trợ, giúp đỡ phụ nữ nghèo, những năm qua Hội LHPN huyện còn tích cực tham gia bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới. Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các hội phụ nữ cơ sở đăng ký với Ban Chỉ đạo Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của các xã thực hiện tuyến đường tự quản và trồng hoa dọc theo hai bên lề đường. Đến nay, tất cả 14 xã, thị trấn đều có đoạn đường hoa với tổng chiều dài hơn 8km do phụ nữ quản lý, chăm sóc. Trước hiệu quả những tuyến đường hoa mang lại, năm 2019 này Hội LHPN Quế Sơn phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện tổ chức phát động cuộc thi “Xây dựng tuyến đường sáng - xanh - sạch - đẹp” tại 14 xã, thị trấn nhằm tạo dấu ấn của phụ nữ trong việc xây dựng mô hình nông thôn mới.
Thời gian qua, Hội LHPN từ huyện đến cơ sở của Quế Sơn đã tích cực triển khai thực hiện nhiều mô hình phù hợp với tình hình thực tế ở địa phương như “sọt rác bên nhà ta”, “túi rác tiết kiệm”, “thu gom rác thải tái chế”, “nhà sạch - vườn đẹp” và chi hội phụ nữ “5 không, 3 sạch” kiểu mẫu xây dựng nông thôn mới… Theo bà Trần Thị Trinh, các mô hình trên đã đem lại hiệu quả không nhỏ, hội viên phụ nữ tự phân loại rác tại nhà và cam kết không vứt rác thải gây ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, để khuyến khích hội viên phụ nữ thực hiện tiêu chí “sạch” trong sản xuất - chế biến - kinh doanh thực phẩm an toàn, từ năm 2016 đến nay các cấp hội phụ nữ đã tập trung tuyên truyền bằng nhiều hình thức như tổ chức truyền thông an toàn vệ sinh thực phẩm tại 236 điểm với gần 17 nghìn cán bộ và hội viên tham dự. Đồng thời tổ chức tọa đàm về “người nội trợ thông thái”, tham quan học hỏi kinh nghiệm các vườn trồng rau an toàn để sản xuất và tổ chức 13 hội thi phụ nữ với vệ sinh an toàn thực phẩm…