Thông đường bằng mọi giá; quyết tâm giải phóng quê hương; tổng lực đóng góp sức người, sức của cho kháng chiến…, quân và dân Quảng Nam, Quảng Đà đã góp phần cùng cả nước đưa chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đi đến toàn thắng, thống nhất non sông.
Khai thông bế tắc
Hiệp định Pa-ri được ký kết (27.1.1973) là thắng lợi to lớn của cách mạng Việt Nam, tạo ra tiền đề vững chắc để quân và dân ta tiến lên thực hiện di nguyện của Bác Hồ “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”. Tuy nhiên, với âm mưu phá hoại Hiệp định Pa-ri, quân ngụy đưa lực lượng cơ động vào thực hiện âm mưu lấn chiếm, “tràn ngập lãnh thổ”, phân tuyến, chia vùng, giành dân, lấn đất, xóa thế “da báo”, đẩy lực lượng cách mạng, nhất là lực lượng chủ lực quân giải phóng ra khỏi vùng đồng bằng và đô thị. Ở Quảng Đà, Mỹ - ngụy từng bước lấn chiếm lại vùng giải phóng ở phía tây và ra sức củng cố Chi khu quân sự Thượng Đức (huyện Đại Lộc) trở thành tiền đồn vững chắc để bảo vệ căn cứ liên hợp quân sự Đà Nẵng và khống chế tuyến đường 14 của ta ở phía Tây Quảng Đà.
Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng, hiểm yếu của Chi khu quân sự Thượng Đức, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã quyết định mở Chiến dịch Thượng Đức (mật danh K711). Một trong những khó khăn của ta khi mở chiến dịch Thượng Đức là việc mở đường từ tuyến đường Hồ Chí Minh xuống Thượng Đức để vận chuyển lương thực, vũ khí, đạn dược. Chấp hành sự chỉ đạo của Đặc khu ủy, Huyện ủy các huyện Hiên (nay là huyện Đông Giang, Tây Giang), Giằng (nay là huyện Nam Giang) đã huy động hơn 1.500 dân công, chủ yếu là đồng bào các dân tộc thiểu số sẵn sàng cùng lực lượng công binh Quân đoàn 2, Sư đoàn 304 ngày đêm phá đá, mở đường phục vụ chiến dịch. Trong quá trình mở đường, chuyển quân, dù đã tuyệt đối giữ bí mật nhưng địch vẫn đánh hơi được hoạt động của ta, chúng cho thám báo, biệt kích len lỏi vào trong dân đi đốn củi đốt than để thăm dò. Trước tình hình đó, Ban An ninh Đặc khu đã quyết định bắt giữ một số người để đảm bảo yếu tố bí mật cho toàn bộ chiến dịch. Sau hơn một tháng phá đá, mở đường, với tinh thần khẩn trương, không kể ngày đêm. Đến ngày 20.7.1974, ta đã mở được một hệ thống dài hơn 100km đường mới, từ T’rao về Bến Hiên, từ Thạnh Mỹ đi cầu Hội Khách, từ Bến Hiên đi An Điềm tỏa ra xung quanh đưa lực lượng vào bao vây Thượng Đức. Đây là bước thành công lớn, là điều kiện quan trọng đảm bảo cho chiến dịch giành thắng lợi, thể hiện sự cố gắng vượt bậc của các lực lượng công binh, trong đó có phần đóng góp không nhỏ của quân, dân Quảng Đà.
Tổng kết năm 1972, toàn huyện Giằng (Nam Giang) đã huy động 43.097 ngày công vận chuyển vũ khí, hàng hóa, lương thực, thực phẩm; đóng góp 12.418 ang lúa, 3.322 ang bắp, 8.859 ang sắn khô, 207 tấn sắn tươi. Ngoài ra, còn bán đổi cho mậu dịch 800 ang gạo, 733 ang bắp, 4.190 ang sắn khô. Đóng góp nuôi dân công của huyện 516 ang gạo, 470 ang bắp, 123 ang muối, 30 tấn sắn tươi. Các xã đóng góp nhiều nhất là Coong Năng, Chà Vàl, Ta Bhưra, La Êê, Tà Pơơ. Các xã này sau khi thu hoạch mùa màng đã giành 50% tổng sản lượng lương thực gửi ra tiền tuyến. Riêng thôn Côông Dồn, xã Ta Bhưra thu 1 rẫy bắp 300 ang đã giao hết cho cách mạng.
Sau chiến thắng Thượng Đức (7.8.1974), Quốc lộ 14 giáp với đường Hồ Chí Minh được khai thông. Từ căn cứ miền núi các huyện Hiên, Giằng đã thông xuống Đại Lộc, Điện Bàn, Hòa Vang về Đà Nẵng, tạo thế liên hoàn vùng giải phóng ở đồng bằng và căn cứ địa miền núi rộng lớn. Sự khai thông này tạo điều kiện để quân ta triển khai các mũi tiến công vào Đà Nẵng trong tình thế quân Mỹ đã rút hết và không thể trở lại, các hoạt động phi pháo giảm hẳn, quân ngụy đang lúng túng đối phó ở khắp các chiến trường Khu 5, Tây Nguyên cũng như Nam Bộ. Rõ ràng, chiến thắng Thượng Đức đã tạo cho quân ta một bàn đạp tấn công mới, tuyến phòng thủ ngoài cùng của Đà Nẵng bị xóa bỏ, TP.Đà Nẵng - căn cứ quân sự liên hợp mạnh nhất của quân ngụy bị uy hiếp từ phía tây nam.
Từng bước đến ngày toàn thắng
Tại chiến trường Quảng Nam, Quảng Đà, những ngày cuối năm 1974 đầu năm 1975, trong không khí chuẩn bị cho cuộc Tổng tiến công nổi dậy, nhiều con đường nối giữa đường Trường Sơn tỏa về các huyện đồng bằng và TP.Đà Nẵng được xây dựng và hoàn thiện. Những ngày này, ở núi rừng các huyện miền núi Quảng Nam, Quảng Đà lại bùng lên sinh khí mới, nhộn nhịp khác thường. Trên các trục đường chiến lược, đặc biệt là đường Trường Sơn và các đoạn đường từ Thạnh Mỹ về Đại Lộc, Hòa Vang (mang tên đường Thắng Lợi) về Đà Nẵng, rồi đường Quyết Thắng chạy từ P’rao (nối với đường Hồ Chí Minh) xuống đến Dốc Kiền tiến về Đà Nẵng… người người qua lại, xe cộ tấp nập. Tham gia cuộc tổng tiến công và nổi dậy mà trực tiếp là giải phóng Đà Nẵng, quân và dân các huyện miền núi Quảng Nam, Quảng Đà có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí, đạn dược, lương thực, thực phẩm cho chiến trường.
Với những đóng góp của mình, lực lượng thanh niên xung phong Quảng Nam được Đảng và Nhà nước trao tặng nhiều huân, huy chương và danh hiệu cao quý. Đặc biệt, đến nay, tuyến đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh huyền thoại đi qua các huyện miền núi của Quảng Nam đã có 3 địa điểm được công nhận Di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt, đó là: Di tích Bến Giằng (huyện Nam Giang), Di tích Khâm Đức - Chỉ huy sở tiền phương Bộ Tư lệnh Trường Sơn (huyện Phước Sơn) và đèo Bù Lạch, thuộc xã A Nông, huyện Tây Giang.
Suốt đợt tấn công và nổi dậy, hầu hết cán bộ, nhân dân trên địa bàn các huyện đều sẵn sàng đội ngũ chờ Đảng gọi lên đường. Lực lượng vũ trang huyện và du kích các xã, thôn theo chỉ thị trực chiến 24/24 giờ ở các điểm quan trọng; chủ yếu là vùng Thạnh Mỹ nơi quân ta đang trú, có nhiều kho tàng; đầu mối đường Trường Sơn chiến lược; đề phòng địch có thể phản ứng đánh vào căn cứ của ta khi ta tấn công vào Đà Nẵng. Không khí rầm rộ sôi nổi, nhất là hàng trăm thanh niên nam nữ đồng bào các dân tộc đi dân công vận chuyển vũ khí, lương thực, từ binh trạm trên đường dây 559 về các chiến trường, túc trực ngày đêm ở những địa bàn cần thiết và khi cần thiết có lệnh gọi lên đường làm bất cứ việc gì cách mạng cần.
Ngày 24.3.1975, thị xã Tam Kỳ được giải phóng. Ngày 29.3.1975, TP.Đà Nẵng được giải phóng. Theo sự chỉ đạo của Ban Thường vụ Khu ủy 5, quân và dân tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà một mặt ổn định tình hình, mặt khác ra sức chi viện sức người, sức của cho chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Với khẩu hiệu “Sài Gòn chưa giải phóng, Đà Nẵng chưa yên”, TP.Đà Nẵng huy động 300 xe các loại để đưa bộ đội vượt Trường Sơn chuyển vũ khí vào Nam phục vụ cho chiến dịch. Những binh đoàn từ miền Bắc ngày đêm qua địa bàn Đà Nẵng, Quảng Nam để đi về phía Nam đã được chính quyền và nhân dân tiếp thêm lương thực, thực phẩm. Với sự đóng góp sức người, sức của, quân và dân Quảng Nam, Quảng Đà đã cùng cả nước đưa chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử toàn thắng, quân và dân ta đã giải phóng hoàn toàn miền Nam, kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc.