“Sau 58 năm cắm dùi trên đất Cà Mau, người Quảng Nam đã tạo ra những xóm Huế đầy chất Quảng, giàu có, tiếng lành đồn xa” - anh Lâm Trí Trường, Trưởng ấp Tân Hồng (xã Tạ An Khương Nam, huyện Đầm Dơi) nói vậy trước khi đưa chúng tôi vào thăm xóm Huế của người Quảng.
Thật khó hiểu! Người Quảng thì mắc mớ chi làm nên những xóm Huế? Cho đến khi được những người trong xóm Huế kể chuyện cuộc di cư cách đây 58 năm của mình, chúng tôi mới thán phục anh Trường có tài đúc kết. Nó rất chuẩn, rất chính xác. Nó phản ánh được một quá trình gay go, phức tạp để người Quảng hòa nhập với cư dân miền Nam, thành anh em một nhà, đoàn kết, chia sẻ, học hỏi với nhau, cùng làm ăn sinh sống.
Hiểu nhau phải mất 1/3 thế kỷ
Ông Nguyễn Minh Thắng mà bà con hay gọi là ông Ba Phấn, không giấu được vẻ ân hận khi kể đến đoạn hục hặc với ông Tám Chánh ở xóm trong. Đó là vào khoảng năm 1993, trong công chuyện làm ruộng hay nuôi tôm, ông Ba Phấn nghịch ý với ông Tám Chánh. Cãi lý với nhau một lúc thì ông Tám Chánh nổi quạu, chửi: “Đ.M… thằng Huế”. Ông Ba Phấn lập tức tung cho một “cước” khiến ông Tám Chánh té đùng xuống đìa. “Hồi đó, tôi đánh không biết bao nhiêu người vì gọi tôi bằng cái thằng Huế. Bây giờ nghĩ lại thấy buồn cười. Ở trường hợp ông Tám Chánh, mỗi lần nhớ đến là thấy hối hận trong lòng. Cứ tự an ủi do lúc đó trẻ, nóng nảy, bồng bột” - ông Ba Phấn nói.
Xóm Huế của người Quảng ở ấp Tân Hồng hôm nay có nhiều biệt thự tiền tỷ. |
Thật ra, không riêng gì ông Ba Phấn, người Quảng Nam ở Cà Mau lúc bấy giờ rất khó chịu khi bị ai đó gọi là “thằng Huế”, “con Huế”. Trong khi người Cà Mau lại có cái tính không thích người nói tiếng miền ngoài. Chỉ vì không thích nhau có bấy nhiêu mà những hơn 1/3 thế kỷ, giữa người Quảng và người Cà Mau cứ hục hặc với nhau. Anh Tô Phương Hùng - cán bộ tư pháp xã Tạ An Khương Nam nhớ lại: “Thời điểm những năm 1980 đến đầu những năm 1990, việc mất an ninh trật tự ở xã Tạ An Khương Nam này chủ yếu là giữa dân xóm Huế ấp Tân Hồng với người địa phương. Những lấn cấn thường có nguyên nhân rất đơn giản. Ai đó trong xóm Huế bị kêu là Huế, là É, là Bắc Kỳ ăn cá rô cây. Lập tức đánh nhau liền”. Anh Trường trưởng ấp tiếp lời: “Có trận hai xóm hoánh nhau vì chuyện đó”. Ông Ba Phấn cười bảo: “Trận đó tao dẫn đầu chứ ai. Hình như hồi năm 1993”.
Đó là một trận đánh để đời, giữa dân xóm Huế và dân xóm Kinh Tư. Chuyện bắt đầu từ mấy đứa con nít ở hai xóm ganh nhau. Con nít xóm Kinh Tư lôi “hết bài” ra trêu chọc con nít bên xóm Huế nên bị rượt đánh. Người lớn hai xóm tham gia hòa giải thì xuất hiện một ông say rượu mạnh miệng đuổi rằng: “Tụi bay ở nước Huế thì về Huế chơi, đừng có mà lộn xộn ở đây”. Vốn đã căm cái từ Huế, dân xóm Huế nổi giận đùng đùng, kéo nguyên xóm đi đánh xóm Kinh Tư. “Đánh tưng bừng. Do bên đây đoàn kết hơn nên xóm Kinh Tư bỏ chạy không còn một người” - ông Ba Phấn phì cười kể. Anh Hùng quay sang ông Ba Phấn hỏi: “Chuyện hục hặc với nhau hình như cũng hết hơn 30 năm rồi hả chú Ba?”. Ông Ba Phấn tính: “Từ năm 1957 đến đầu những năm 1990, gần 40 năm. Chuyện có tí xíu vậy mà phải hục hặc nhau suốt 1/3 thế kỷ mới hòa đồng, hiểu nhau được”.
Điểm giao nhau kỳ diệu
Người Quảng nhưng xóm Huế “Người Cà Mau vốn phóng khoáng nên không thích dân xóm Huế ở cái tính hà tiện (thực ra là tính tiết kiệm của người Quảng - NV) và ở cái tiếng nói mà họ cho rằng eo éo khó nghe. Còn cái danh xóm Huế cũng do người Cà Mau khi đó hầu hết không rõ vị trí địa lý Quảng Nam, Hà Nội, Huế… ra sao, cứ nghe cái giọng nói eo éo là bảo É, bảo Huế, rồi gộp chung là dân “nước Huế”. Họ gọi riết rồi xóm này chết danh xóm Huế, dù xóm không có người Huế nào, toàn người Quảng Nam. Chỉ có vậy thôi mà hục hặc với nhau hết mấy chục năm”. (Anh Tô Phương Hùng - cán bộ Tư pháp xã Tạ An Khương Nam) |
Với tính cần cù, siêng năng lao động và giỏi tích lũy nên từ những năm 1990, nhiều người Quảng Nam ở xóm Huế (ấp Tân Hồng) đã xây nhà cửa khang trang. Những ngôi nhà xây mới, vôi màu sáng láng khiến diện mạo trên vùng quê này đổi thay rất nhiều. Những hộ dân “bản địa” cũng phải ganh tị nói: “Nhìn cái nhà to tướng là biết người Quảng rồi”. Và, bao nhiêu năm sống cùng nhau, hục hặc nhau bởi cái giọng nói đậm chất xứ Quảng, người Cà Mau cũng nhận ra rằng, người Quảng cần cù làm ăn, cùng với cái tính tiết kiệm vậy mà hay, ai cũng có nhà bự (to, lớn), con cái học hành đường hoàng. Người Quảng cũng làm ruộng, làm đìa, trồng rau, nuôi tôm cá như dân Cà Mau nhưng làm được nhà xây sớm hơn nhiều. Còn người dân “nước Huế” cũng bắt đầu nhận ra cái tính tình phóng khoáng, khẳng khái và chí tự do công bằng của người Cà Mau cũng thật đáng học hỏi. Chính ông Ba Phấn là người thời trẻ đã đánh không biết bao nhiêu người gọi mình là “thằng Huế”, nay lại học nhiều thứ từ tính cách của người Cà Mau.
Đó là vào năm 1999, ông về quê Quảng Nam họp thân tộc như thường niên. Học cách thẳng thắn của người Cà Mau, ông mạnh dạn bàn luận với ông Nguyễn Ngọc Tùng - Trưởng phái về trường hợp của người cháu họ là Nguyễn Ngọc Lộc. Lúc bấy giờ, ông Lộc đã 74 tuổi nhưng mỗi khi họp tộc vẫn phải ngồi dưới đất mà nghe, không được ngồi ghế vì cái tội vợ chồng không có con. Ông Ba Phấn đã lấy những câu chuyện bình đẳng của người Cà Mau mà thuyết phục ông Trưởng phái chấp nhận cho ông Lộc được ngồi ghế. “Tôi đã thuyết phục ba đêm liền mới được, nhờ những câu chuyện từ người Cà Mau. Ở Cà Mau, những cặp vợ chồng không sanh được con đâu bị xem là có tội. Trái lại còn được dòng họ an ủi, động viên rồi xúm nhau chỉ dẫn uống thuốc này, thuốc nọ… Bây giờ, mỗi lần về họp tộc, đã thấy ông Lộc ngồi trên ghế đường hoàng” - ông Ba Phấn tự hào.
Xóm Huế ở ấp Tân Hồng hiện có 46 gia đình gốc Quảng Nam, đều thuộc hộ khá và giàu. Nơi đây luôn được chính quyền đánh giá là đi đầu trong làm kinh tế hộ gia đình, phát triển các mô hình kinh tế mới, xây dựng nông thôn mới... Nhờ tính cần cù, sáng tạo, chịu khó, đoàn kết, xóm Huế được chọn làm thí điểm, tiên phong trong hầu hết phong trào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương. Tân Hồng cũng là ấp đầu tiên có đường bê tông, có cánh đồng 50 triệu đồng/ha/năm, có hợp tác xã nông nghiệp; có nhiều nhân lực trí thức nhất huyện với hơn 60 cử nhân, 3 thạc sĩ và 1 tiến sĩ. |
Ngược lại, người Cà Mau ở quanh các xóm Huế cũng học tập rất nhiều tính cách ưu việt của những người “nước Huế”. Anh Trường kể: “Dân bản xứ hồi trước ít ai chịu trồng trái cà, trái ớt, luống rau xanh, dù đất đai mênh mông. Cứ là ra chợ mua về dùng hết. Nay, bắt chước (học theo, làm theo) người Quảng, trồng rau màu không bỏ khoảnh đất trống nào. Họ cũng học cách tiết kiệm, tính toán kỹ lưỡng trong làm ăn… Từ đó mà các hộ dân Tân Hồng khá lên gần hết. Hiện có khoảng 5 hộ tài sản hàng chục tỷ đồng. Còn những nhà có tài sản bạc tỷ khá nhiều. Tân Hồng trở thành ấp giàu nhất xã. Trong những gia đình xếp vào hàng giàu có, phần nhiều là người Quảng Nam”.
Bất chợt, anh Hùng tư pháp cười hỏi ông Ba Phấn: “Bây giờ có người gọi chú là Huế, chú có đánh người ta nữa không?”. Ông Ba Phấn cười: “Bây giờ đi xa, người ta hỏi tôi ở đâu tôi cũng nói ở xóm Huế. Nghĩ dân ở đây cắc cớ thật. Họ cứ nói chúng tôi là người “nước Huế” suốt mấy chục năm. Thành ra tất cả xóm người Quảng Nam bây giờ toàn là xóm Huế. Xóm Huế ở Tân Hồng này, xóm Huế ở Tân Dân, xóm Huế ở Phú Tân, xóm Huế ở Khánh Bình Tây Bắc huyện Trần Văn Thời… Chết danh!”.
NAM GIAO - TRẦN VŨ