(QNO) – Đồng Hóc Lách (xã Bình Lâm, huyện Hiệp Đức) giờ đã xanh rì, đối lập với cảnh khoảng 5 năm trước, mùa nắng dân nơi này đứng ngó cánh đồng trơ vết nứt chân chim mà trong lòng ngổn ngang vì nghĩ đến cảnh có ruộng mà phải chạy ăn từng bữa.
Trước khi đập Ông Lương được bê tông, dẫu làm nông nhưng người dân Ngọc Lâm, Lộc An phải... chạy ăn từng bữa. Ảnh: ĐÔNG YÊN |
Ngược con đồi đưa chúng tôi lên đập Ông Lương, dưới cái nắng gay gắt ông Trương Văn Đăng - nguyên trưởng thôn Ngọc Lâm (Bình Lâm, Hiệp Đức) nói: “Đồng Hóc Lách nuôi dân 2 thôn Ngọc Lâm, Lộc An từ sau giải phóng đến chừ, ruộng bậc thang nên phụ thuộc nước trời. Năm nào mưa thuận gió hòa thì có chút lúa gạo dự trữ, còn nắng hạn thì... ra chợ mua gạo về ăn. Chuyện nông dân mà đi mua gạo nói như chuyện tiếu lâm vậy”.
Nguồn nước từ khe ở Núi Ngang chảy ra, người dân đắp cái đập bổi bằng đất để trữ nước hằng năm. Do thân đập bằng đất nên cứ qua mùa mưa bão thì sạt lở nên công năng không phát huy được bao nhiêu. “Năm nào người dân có ruộng ở đồng Hóc Lách đều phải bỏ công sức ra nạo vét lại nhưng cũng không đủ nước để tưới cho mấy ruộng xa dưới chân núi. Vụ hè thu coi như bỏ, chỉ làm vụ đông xuân mà nhiều ruộng cạn cháy lúa rồi bỏ hoang” – ông Đăng kể. “Nhà có 10 mảnh ruộng khoảng 5 sào mà phân nửa số ruộng đó năm nào cũng bỏ chứ gieo giống xuống cũng cháy khô hết. Ngó cỏ mọc trên ruộng lúa thấy tiếc lắm nhưng cũng chịu vì không tìm đâu ra nước tưới” – ông Phạm Bá góp chuyện. Đằng đẵng 20 năm như vậy, nông dân hai thôn Lộc An, Ngọc Lâm làm lúa một vụ và chịu cảnh phụ thuộc vào trời.
Công trình đập Ông Lương hoàn thành chỉ trong vòng hai ngày bằng sức mạnh của tuổi trẻ. Ảnh: ĐÔNG YÊN |
Năm 2013, sau nhiều lần cử tri Bình Lâm phản ánh, Huyện đoàn Hiệp Đức, Đoàn xã Bình Lâm đã tổ chức đợt tình nguyện về xây dựng lại con đập cho nhân dân. Việc làm đúng với ý nguyện người dân nên không chỉ có 100 đoàn viên, thanh niên mà tất cả người dân ở Ngọc Lâm, Lộc An đã cùng chung tay xây đập. “Đập ở vị trí lưng chừng núi, không có đường lớn để vận chuyển vật liệu nên anh em và bà con hợp sức gùi xi măng, cát và đá lên. Vất vả nhưng thấy bà con vui cùng làm chung với thanh niên nên ai cũng quên mệt mỏi để hoàn thành bằng được công trình” – Bí thư Đoàn xã Bình Lâm Huỳnh Đức Tú kể chuyện.
Không ai tin chỉ trong vòng hai ngày, công trình đập bê tông với thân đập cao gần 4 mét, rộng 2 mét và dài 10 mét cùng hồ chứa đã hoàn thành. Cùng với đó, các kênh dẫn từ hồ chứa ra các kênh nhánh cũng được các đoàn viên, thanh niên xây dựng hoàn chỉnh.
Nhắc chuyện về công trình thanh niên, ông Trương Văn Đăng khá vui: “Ngày con đập hoàn thành, bà con mừng rớt nước mắt, dẫu chỉ là một con đập nhỏ nhưng với người dân thôn Ngọc Lâm thì đó là một công trình làm thay đổi cuộc sống. Không có các cháu thanh niên tình nguyện thì không biết đến bao giờ đồng Hóc Lách mới xanh tốt quanh năm”.
Bây giờ đồng Hóc Lách xanh tốt hai vụ lúa với năng suất 50 tạ/ha. Ảnh: ĐÔNG YÊN |
Những ngày này, lúa trên cánh đồng Hóc Lách đã trĩu bông. Đứng từ trên đỉnh núi Ngang nhìn xuống, màu xanh trải dài xuống tận chân núi. Vụ Đông Xuân này, ông Trương Văn Đăng ước tính mỗi sào lúa cũng thu được gần 3 tạ lúa. “Với chân ruộng bậc thang ở đất trung du này thì vậy đã xem là trúng mùa rồi. Người dân ở đây không phải phụ thuộc hoàn toàn vào cây lúa để sống nhưng có đủ lúa gạo ăn thì bớt phần khó khăn, rồi làm thêm các nghề khác nên đời sống cũng đã phần nào thảnh thơi” – ông Đăng với tay vuốt những bông lúa đang ngả màu vàng ươm như nâng niu một thứ gì vô cùng quý giá...
ĐÔNG YÊN