Thời gian qua, hoạt động tín dụng chính sách xã hội trên địa bàn huyện Duy Xuyên cơ bản đáp ứng kịp thời nhu cầu về nguồn vốn vay ưu đãi cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Từ đó, góp phần quan trọng trong công tác giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội và xây dựng thành công mô hình nông thôn mới ở địa phương.
Phát huy hiệu quả nguồn vốn ưu đãi
Cách đây 3 năm, nắm bắt nhu cầu của thị trường, bà Trần Thị Kiều Diễm (xã Duy Hòa, Duy Xuyên) mạnh dạn đầu tư xây dựng mô hình nuôi cá Koi giống - một loại cá cảnh có xuất xứ từ Nhật Bản.
Bên cạnh số tiền tích lũy, vợ chồng bà Diễm được Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) huyện Duy Xuyên cho vay 100 triệu đồng từ nguồn vốn ưu đãi giải quyết việc làm. Nhờ đó, gia đình bà Diễm có điều kiện xây dựng ao nuôi, nhập cá giống, mua thức ăn...
Ông Nguyễn Thế Đức - Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên nhìn nhận, thời gian qua, chương trình tín dụng chính sách xã hội để lại nhiều dấu ấn, khi nguồn vốn được chuyển tải kịp thời đến đúng đối tượng thụ hưởng, tạo thêm việc làm, tăng thu nhập… Qua đó, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 22,48% năm 2003 xuống còn 2,72% vào cuối năm 2021 theo chuẩn đa chiều.
Lấy ngắn nuôi dài, đến nay bà Trần Thị Kiều Diễm đã tạo dựng được 4 cơ sở nuôi cá (tổng cộng 30 hồ) với hơn 10.000 con cá Koi. “Hiện nay, mỗi tháng tôi cung cấp hơn 500 con cá Koi các loại ra thị trường, mang về doanh thu hơn 90 triệu đồng. Mô hình này tạo công ăn việc làm ổn định cho 6 lao động tại địa phương với mức thu nhập bình quân mỗi tháng 5 triệu đồng/người.
Thời gian tới, tôi sẽ tiếp tục mở rộng diện tích ao nuôi, đầu tư lắp đặt hệ thống máy móc, trang thiết bị và du nhập thêm nhiều loại giống cá Koi mới đảm bảo chất lượng, mẫu mã cao cấp hơn” - bà Diễm nói.
Thời gian qua, rất nhiều hộ dân vay vốn từ Ngân hàng CSXH Duy Xuyên để đầu tư xây dựng các mô hình kinh tế mang lại hiệu quả cao. Bà Trần Thị Minh Yến - Chủ tịch Hội LHPN huyện Duy Xuyên cho hay, thực hiện nhiệm vụ ủy thác, đơn vị chủ động phối hợp triển khai chương trình vay vốn tín dụng của Ngân hàng CSXH huyện, đảm bảo kịp thời, đúng đối tượng và mang lại hiệu quả.
Theo bà Yến, đến nay Hội LHPN huyện đang quản lý nguồn vốn ủy thác hơn 230 tỷ đồng, với 5.869 hộ vay. Từ nguồn vốn này, nhiều hội viên phụ nữ phát triển mô hình trồng trọt, chăn nuôi bò thâm canh và sản xuất - kinh doanh trên nhiều lĩnh vực.
“Trong 20 năm qua, thông qua nguồn vốn tín dụng ưu đãi này, hội phụ nữ từ huyện đến cơ sở đã giúp cho 1.247 hộ vươn lên thoát khỏi hộ nghèo, cận nghèo. Đồng thời tạo đòn bẩy cho hội viên phụ nữ mạnh dạn xây dựng mô hình khởi nghiệp sáng tạo ở lĩnh vực nông nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ gắn với xây dựng sản phẩm OCOP, từng bước nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống” - bà Yến chia sẻ.
Ông Nguyễn Bá Tùng - Phó Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Duy Xuyên cho biết, khi mới thành lập vào năm 2003, đơn vị triển khai cho vay 2 chương trình tín dụng là hộ nghèo và giải quyết việc làm. Đến nay, đơn vị đang cho vay 16 chương trình với tổng dư nợ đạt hơn 407 tỷ đồng, gấp 15,13 lần so với cách đây 20 năm.
“Nguồn vốn tín dụng đã tạo điều kiện cho 72.670 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được tiếp cận vay vốn đầu tư phát triển trồng trọt, chăn nuôi, giải quyết bài toán việc làm. Không chỉ vậy, nguồn vốn còn giúp người dân xây dựng và cải tạo hơn 41 nghìn công trình nước sạch - vệ sinh môi trường nông thôn, hỗ trợ xây mới 1.600 nhà ở cho hộ nghèo… góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống người dân” - ông Tùng nói.
Vì an sinh xã hội
Những năm qua, cuộc sống gia đình ông Nguyễn Trãi ở thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) gặp nhiều khó khăn, bởi chỉ bám víu với nghề nông, thu nhập khá bấp bênh.
Thế rồi, lần lượt 4 đứa con thi đỗ vào các trường trung cấp và đại học, ông Trãi vừa mừng vừa lo khi không biết lấy đâu ra tiền đóng học phí cho con. Song, nỗi lo ấy sớm tan biến khi gia đình ông được cán bộ Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Duy Xuyên hướng dẫn làm thủ tục vay vốn chương trình tín dụng học sinh, sinh viên.
“Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi 95 triệu đồng, những đứa con của tôi đều hoàn thành chương trình đại học và trung cấp, sau khi ra trường có công ăn việc làm ổn định và phụ giúp gia đình hoàn trả toàn bộ số vốn vay. Cuộc sống của gia đình tôi giờ đã cải thiện đáng kể” - ông Trãi nói.
Về chương trình tín dụng học sinh, sinh viên, ông Nguyễn Bá Tùng cho biết, trong 20 năm qua, đơn vị tạo điều kiện cho 14.597 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn trang trải chi phí học tập.
Đặc biệt, thực hiện chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội sau dịch Covid-19 theo Nghị quyết số 11 của Chính phủ, đơn vị tích cực tuyên truyền, tạo điều kiện cho 50 học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn mua sắm máy tính, thiết bị học trực tuyến với tổng số tiền giải ngân 500 triệu đồng. Đồng thời triển khai chương trình cho vay vốn ưu đãi đối với 9 cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập với lãi suất 3,3%/năm.
“Thực hiện Nghị quyết số 68 ngày 1.7.2021 của Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH Duy Xuyên đã giải ngân 75 tỷ đồng vốn tín dụng để giúp hơn 1.500 lao động tự tạo công ăn việc làm, phục hồi sản xuất - kinh doanh” - ông Tùng nói thêm.