Tuy số người sáng tác và số lượng tác phẩm không nhiều, song tranh khắc gỗ của Quảng Nam cũng đã góp tiếng nói khá ấn tượng trên sân chơi mỹ thuật cấp tỉnh, cấp khu vực và cả trên quy mô quốc gia.
Hiếm người theo đuổi
Theo học chuyên ngành khắc gỗ, từng có tác phẩm được triển lãm khi còn là sinh viên, nhưng sau khi ra trường, họa sĩ trẻ Hà Châu lại chuyển sang vẽ tranh màu nước và sơn dầu. Lý do: tranh khắc gỗ ít người chơi khiến cho không gian để sáng tạo và giao lưu bị thu hẹp, nên anh thử chuyển hướng để “dò đường”.
Cho đến khi được kết nạp vào Hội VH-NT tỉnh và được dự phần các sân chơi mỹ thuật chuyên nghiệp, anh phát hiện rằng tranh khắc gỗ vẫn có người chơi, vẫn có vị thế nhất định. Và Hà Châu đã từng bước trở lại với tranh khắc gỗ...
Gần như cùng lúc với sự trở lại của Hà Châu, mỹ thuật Quảng Nam còn phát hiện thêm một gương mặt chuyên về tranh khắc gỗ nữa, đó là Ngô Văn Phúc. Ngô Văn Phúc sáng tác khá chậm, nhưng mỗi khi có sự kiện mỹ thuật là anh lại góp mặt bằng một tác phẩm mới và luôn là tranh khắc gỗ màu.
Trong những năm đầu vừa tách lập, Hội VH-NT Quảng Nam từng có một tác giả chuyên về tranh khắc gỗ khá ấn tượng là họa sĩ Nguyễn Văn Tin. Tuy nhiên, chỉ được mấy năm, họa sĩ Nguyễn Văn Tin giảm dần rồi ngưng hẳn việc công bố tác phẩm.
Suốt nhiều năm sau đó, tranh khắc gỗ ở Quảng Nam gần như chỉ còn một người theo đuổi là họa sĩ Trần Công Thiệm. Dù đơn độc nhưng anh vẫn kiên trì nuôi dưỡng đam mê và bền bỉ sáng tạo, để rồi gần như năm nào anh cũng có tác phẩm trình làng.
Họa sĩ Trần Công Thiệm từng tuyên bố, rằng anh sẽ không từ bỏ loại tranh này, luôn chờ đợi và tin rằng đến một lúc nào đó sẽ xuất hiện thêm những gương mặt mới. Và sự xuất hiện của hai họa sĩ trẻ Hà Châu, Ngô Văn Phúc chính là một đáp số đẹp mà anh chờ đợi, để từ đó tranh khắc gỗ ở Quảng Nam - nơi mà hội họa có lực lượng vừa đông vừa mạnh - từng bước khởi sắc, dần dần có được vị thế rõ ràng hơn.
Hơn thế, những chuyển dịch này còn kích thích và chiêu dụ được một số tác giả khác cùng tham gia. Những năm gần đây, ngoài 3 họa sĩ chuyên về tranh khắc gỗ này, ở Quảng Nam thỉnh thoảng cũng có vài họa sĩ khác dự phần vào mảng tranh này, như Võ Như Diệu, Nguyễn Danh, Đoan Trang...
Thành quả ấn tượng
Dù cộng đồng những người chuyên sáng tác tranh khắc gỗ ở Quảng Nam vẫn còn rất nhỏ bé, nhưng với nghệ thuật, sự thành bại nhiều khi không phụ thuộc lực lượng đông hay ít.
Từ nhiều năm nay, tại sân chơi mỹ thuật thường niên lớn nhất khu vực Nam miền Trung và Tây Nguyên là Triển lãm Mỹ thuật khu vực V, hầu như lần nào Quảng Nam cũng góp ít nhất một tác phẩm tranh khắc gỗ. Mới đây nhất, tại Triển lãm Mỹ thuật khu vực V lần thứ 27 - năm 2022, diễn ra tại Đà Nẵng từ ngày 12.8 đến ngày 5.9, Quảng Nam lại có 3 bức tranh khắc gỗ được trưng bày...
Không chỉ góp mặt, điều quan trọng tại sân chơi mỹ thuật khu vực và một số sân chơi tầm cỡ khác, tranh khắc gỗ Quảng Nam đã nhiều lần được vinh danh. Trong đó, họa sĩ Trần Công Thiệm từng 7 lần có tác phẩm lọt vào vòng trưng bày của Triển lãm Mỹ thuật khu vực V, một lần được Hội đồng nghệ thuật triển lãm khu vực đề cử dự giải thưởng của Liên hiệp các hội VH-NT Việt Nam.
Trong số những bức tranh khắc gỗ mà họa sĩ Trần Công Thiệm đã công bố, tác phẩm “Giọt hồng yêu thương” từng giành được giải C Tặng thưởng VH-NT Quảng Nam và giải khuyến khích Giải thưởng VH-NT đất Quảng lần thứ 3 (2014 - 2018).
Chuyên tâm đầu tư vào loại tranh đòi hỏi kỹ thuật cao là khắc gỗ màu, Ngô Văn Phúc cũng nhanh chóng khẳng định được mình. Năm 2016, lần đầu tiên tham gia Triển lãm Mỹ thuật khu vực V, tác phẩm “Trên công trường cầu Giao Thủy” của anh - bức tranh có đề tài rất “thời sự” lúc bấy giờ, được hội đồng nghệ thuật triển lãm đề cử dự giải thưởng của Liên hiệp các hội VH-NT Việt Nam và đoạt giải khuyến khích.
Cũng trong năm 2016, tác phẩm này còn được trao giải khuyến khích Tặng thưởng VH-NT Quảng Nam. Sau thành công này, Ngô Văn Phúc thêm vài lần có tác phẩm được trưng bày tại các triển lãm cấp tỉnh và khu vực và đỉnh cao sau đó là giải C Giải thưởng VH-NT đất Quảng lần thứ 3 với tác phẩm “Nhịp điệu vùng cao”.
Có những bước đi mang tính đột phá bằng nghệ thuật khắc gỗ liên hoàn, họa sĩ trẻ Hà Châu sớm được xướng danh. Năm 2015, lần đầu tiên bước chân vào sân chơi chuyên nghiệp, Hà Châu đã giành dược giải nhì Triển lãm Mỹ thuật tỉnh Quảng Nam với tác phẩm “Miền ký ức”.
Hai năm sau đó - năm 2017, Hà Châu lại có một bước đi dài hơn, xa hơn khi một tác phẩm khác của anh là “Ngày mới” được chọn trưng bày tại Triển lãm Mỹ thuật trẻ toàn quốc và sau đó lại được trao giải A Giải thưởng VH-NT đất Quảng lần thứ 3. “Từ chỗ bất ngờ, tôi dần cảm thấy tự tin hơn và hiểu rằng mình hoàn toàn có thêm những cơ hội khác nữa nếu tiếp tục dành tâm sức cho sáng tạo với tranh khắc gỗ” - Hà Châu cho biết.