Nhân kỷ niệm 80 năm thành lập Đảng bộ huyện, Bí thư Huyện ủy Đại Lộc - Phan Xuân Quang có cuộc trao đổi với Báo Quảng Nam, về những nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đại Lộc trong chặng đường mới, cũng là tiếp nối truyền thống quê hương.
- Thưa ông, tính từ Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay đã đi qua gần nửa nhiệm kỳ. Ông có thể chia sẻ những dấu ấn trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng bộ huyện để đưa Đại Lộc từng bước phát triển vững mạnh, toàn diện?
“Đảng thực sự vững mạnh, tạo niềm tin trong nhân dân khi năng lực lãnh đạo của mỗi cấp ủy được nâng cao để từ đó những chủ trương, nghị quyết ban hành mang tính cụ thể, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương, thực sự đi vào đời sống, tạo động lực thúc đẩy phát triển. Chúng ta vẫn biết cán bộ là cái gốc của mọi công việc; do đó, Đảng phải tạo điều kiện cho mỗi cán bộ phát huy tính chủ động, sáng tạo; dám làm, dám chịu trách nhiệm trên cơ sở giữ vững nguyên tắc, nhất là với người đứng đầu”. (Bí thư Huyện ủy Đại Lộc - Phan Xuân Quang) |
- Ông Phan Xuân Quang: Ngay sau Đại hội, Huyện ủy Đại Lộc đã ban hành Chương trình thực hiện Nghị quyết giai đoạn 2015-2020, với 3 mục tiêu trọng tâm. Trong đó, công tác xây dựng Đảng được xác định là yếu tố then chốt; phát triển kinh tế là yếu tố trung tâm; lấy văn hóa làm nền tảng của sự phát triển. Căn cứ vào tình hình thực tiễn, huyện ủy đề ra nhiều mục tiêu phù hợp nhằm cụ thể hóa nghị quyết. Trọng tâm là tạo đột phá về phát triển hạ tầng; tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về xây dựng nông thôn mới; thực hiện tốt các quy định về bảo vệ môi trường, quản lý đất đai, tài nguyên khoáng sản, đáp ứng nhu cầu phát triển chung.
Huyện ủy cũng đã ban hành 4 nghị quyết chuyên đề, gồm Nghị quyết về lãnh đạo xây dựng đô thị Ái Nghĩa đạt tiêu chuẩn đô thị loại IV vào năm 2020; Nghị quyết về tăng cường công tác lãnh đạo, quản lý, khai thác và sử dụng nguồn tài nguyên đất, khoáng sản trên địa bàn huyện từ nay đến năm 2020 và những năm tiếp theo; Nghị quyết về đẩy mạnh phát triển thương mại, dịch vụ và du lịch trên địa bàn huyện đến năm 2020, định hướng đến năm 2025; Nghị quyết về chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển nông nghiệp giai đoạn 2016-2020. Bên cạnh đó, trong 2 năm 2016 và 2017, huyện ủy ban hành nghị quyết về các mục tiêu, chỉ tiêu, giải pháp phát triển toàn diện cho từng năm. Thời gian qua huyện ủy đã bám sát, tập trung thực hiện tốt 4 nghị quyết chuyên đề; chú trọng công tác sơ kết, tổng kết việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương, của Tỉnh ủy, qua đó rút kinh nghiệm thực tiễn trong chỉ đạo, điều hành cũng như đánh giá việc thực hiện các chỉ tiêu.
- Ông có thể đánh giá sơ bộ kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện sau hơn 2 năm triển khai?
- Ông Phan Xuân Quang: Hơn 2 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện, nhìn chung các chỉ tiêu cơ bản đều đạt. Kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực, giá trị và tỷ trọng của ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, thương mại - dịch vụ đều tăng so với cùng kỳ. Giá trị ngành nông nghiệp nói chung, sản xuất nông nghiệp trên một đơn vị diện tích nói riêng, đều tăng nhờ triển khai nhiều mô hình kinh tế có giá trị và phù hợp. Trên lĩnh vực giáo dục, hiện 100% trường học các cấp đều đạt chuẩn; nghị quyết đề ra mục tiêu có 2 - 3 trường tiếp tục nâng mức chuẩn trong 5 năm, song chưa đến nửa nhiệm kỳ, mục tiêu này đã đạt. Các chỉ tiêu về xây dựng tổ chức cơ sở đảng vững mạnh; xây dựng cơ sở vững mạnh toàn diện gắn với nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương đều đạt. Việc chuẩn hóa đội ngũ cán bộ từng bước được thực hiện. Với đà này, hy vọng đến năm 2020 Đại Lộc sẽ thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Về mục tiêu đến năm 2020 đạt chuẩn huyện nông thôn mới, Đại Lộc sẽ phấn đấu hoàn thành theo tiêu chí cũ, nghĩa là có 75% số xã về đích, số xã còn lại đạt 14 tiêu chí, tỷ lệ hộ nghèo còn dưới 2%.
Nhân tố quyết định mọi thắng lợi Cách đây 80 năm, tại nhà ông Trương Ngọc Cầu (tức ông Phó Liên) thuộc làng Bàng Trạch, tổng Đại An, nay là thôn Hòa Thạch, xã Đại Quang, diễn ra hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc, dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Đức Thiệu. Hội nghị đã bầu Ban Chấp hành lâm thời gồm 7 người, đồng chí Nguyễn Đức Thiệu làm Bí thư Huyện ủy. Hội nghị thành lập Đảng bộ huyện Đại Lộc là tất yếu lịch sử, một sự kiện chính trị có ý nghĩa lớn, là kết quả của quá trình đấu tranh cách mạng bền bỉ và được chuẩn bị chu đáo về mặt tổ chức. Đảng bộ huyện Đại Lộc ra đời là nhân tố quyết định mọi sự thắng lợi của phong trào cách mạng địa phương trong các giai đoạn lịch sử sau này. |
Tuy nhiên, địa phương cũng nhìn nhận sẽ có một số nhiệm vụ liên quan đến nguồn lực ngân sách sẽ khó đạt nếu thiếu sự hỗ trợ của tỉnh. Chẳng hạn nhiệm vụ xây dựng các cây cầu Ba Khe 1, 2, 3 (xã Đại Lãnh), hay mục tiêu xây dựng Ái Nghĩa đạt chuẩn đô thị loại IV đòi hỏi nguồn lực rất lớn, nếu thiếu sự đầu tư, hỗ trợ của tỉnh sẽ khó đạt.
- Qua thực tiễn, ông rút ra điều gì khi đúc kết những bài học kinh nghiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác của Đảng bộ huyện?
- Ông Phan Xuân Quang: Điều đầu tiên, phải tạo được sự đoàn kết, thống nhất chung. Đoàn kết từ trong nội bộ Đảng, giữa Đảng với dân, giữa đảng viên với đảng viên, giữa đảng viên với nhân dân, giữa nhân dân với nhau. Thứ hai, cần đổi mới và nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục chính trị - tư tưởng. Tập trung đổi mới phương thức lãnh đạo, tổ chức quán triệt các chỉ thị, nghị quyết, làm tốt công tác bồi dưỡng lý luận chính trị, cập nhật kiến thức mới cho cán bộ, đảng viên. Thứ ba, phải tạo bước chuyển biến tích cực trong công tác xây dựng Đảng về tổ chức; quan trọng là đánh giá đúng đội ngũ cán bộ, người đứng đầu và người làm tham mưu về công tác cán bộ phải có tâm và tầm. Đồng thời kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước…
- Xin cảm ơn ông!
HOÀNG LIÊN - NGUYỄN TUYẾT (thực hiện)