Xem gian khó là thử thách để vượt qua và tiến lên cùng thời cuộc, họ - những chiến sĩ lực lượng vũ trang đóng quân trên địa bàn tỉnh luôn giữ trong mình niềm tin ngời sáng, cùng phẩm chất “Bộ đội cụ Hồ”, góp nên công sức cho sự nghiệp phát triển chung của tỉnh, của quê hương xứ Quảng…
Dấu ấn chiến sĩ biên phòng
Trong ký ức của Đại tá Nguyễn Hữu Thắng - Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh, những ngày đầu tái lập tỉnh, vùng cao gian khó trăm bề. Nhiều địa phương biên giới như A Xan, Ga Ry, Ch’Ơm (Tây Giang); Đắc Pre, Đắc Pring, La Êê, La Dêê (Nam Giang) đều chung cảnh “sống không điện - đường - trường - trạm, với những hủ tục và nghèo đói”.
Đẹp tình quân dân xứ Quảng. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC |
Thời đó, cái ăn được tính từng ngày, vì thế mùa giáp hạt luôn trở thành nỗi ám ảnh với đồng bào vùng cao. “Xác định nhiệm vụ vừa quản lý bảo vệ tốt chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia vừa chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào miền núi, cán bộ - chiến sĩ BĐBP tỉnh đóng chân trên địa bàn đã ra sức cùng nhân dân xây dựng các mô hình phát triển kinh tế. Bắt đầu từ việc khai hoang ruộng lúa nước, xây dựng hệ thống điện thủy luân thắp sáng, dạy chữ, vận động đồng bào thực hiện chủ trương kế hoạch hóa gia đình, xóa bỏ dần những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan… giúp đời sống của người dân nâng lên đáng kể” - Đại tá Nguyễn Hữu Thắng chia sẻ.
Dấu ấn của BĐBP với đồng bào miền núi còn là những đợt hành quân khắp các tuyến biên giới, cùng các địa phương xây dựng nhiều phòng học để vận động con em đến trường; là những lần đến tận nhà để thăm khám sức khỏe cho đồng bào, tổ chức các chương trình vui xuân đón tết,… càng đong đầy thêm tình quân dân biên giới suốt hành trình 20 năm qua. Theo Đại tá Văn Ngọc Quế - Chính ủy BĐBP tỉnh, với 60 mốc quốc giới, cùng 7 cọc dấu đường biên giới tuyến Việt Nam - Lào được xây dựng là thành quả lớn lao của những năm tháng băng rừng, cắt suối, nhằm tạo cơ sở pháp lý và thực tiễn để khẳng định chủ quyền lãnh thổ.
Cán bộ, chiến sĩ thuộc Bộ CHQS tỉnh tham gia đắp kè bờ biển, ứng phó với bão lũ. |
Cũng từ đó hình thành nên phong trào “Toàn dân tham gia bảo vệ chủ quyền lãnh thổ, an ninh biên giới quốc gia trong tình hình mới” ở nhiều bản làng vùng cao sau này. Và minh chứng cụ thể, ngoài xây dựng nhiều tổ tự quản đường biên giới tại một số địa phương, với sự tham gia từ phía cộng đồng làng, là những chuyến tuần tra cột mốc. Đó là những căn nhà được xây nên từ các chương trình nghĩa tình Trường Sơn, mái ấm chiến sĩ, mái ấm biên cương,… mà không ít kinh phí thực hiện có được từ nguồn vận động của các chiến sĩ biên phòng, đã và đang đem lại nhiều hiệu quả thiết thực, giúp chiến sĩ có hoàn cảnh khó khăn, đồng bào miền núi ổn định cuộc sống. “Cùng với thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về biên giới quốc gia, tích cực cải cách hành chính quân sự trong kiểm soát xuất nhập cảnh tại các cửa khẩu, đảm bảo chặt chẽ, đúng pháp luật,… lực lượng BĐBP tỉnh còn tạo điều kiện thông thoáng trong lưu thông biên giới, đáp ứng yêu cầu mở cửa hội nhập quốc tế và phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên triển khai các biện pháp nghiệp vụ, đối sách đấu tranh phòng chống có hiệu quả các hoạt động xâm phạm chủ quyền, vi phạm quy chế khu vực biên giới và các hành vi lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo chống phá Đảng, Nhà nước - Đại tá Văn Ngọc Quế nói.
Tinh thần người lính
“Kế thừa và tiếp nối truyền thống mà các thế hệ cha anh đi trước đã dày công vun đắp, lực lượng vũ trang tỉnh ngày nay sẽ không ngừng nỗ lực hơn nữa, nâng cao chất lượng tổng hợp và sức mạnh chiến đấu, xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có lập trường tư tưởng vững vàng, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Gắn đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng với thực Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chú trọng đến công tác huấn luyện, nâng cao trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu cho các lực lượng; nắm chắc tình hình địa bàn, tham mưu tích cực cho cấp ủy, chính quyền địa phương giải quyết kịp thời, hiệu quả các tình huống xảy ra, không để bị động, bất ngờ; xây dựng các tiềm lực trong khu vực phòng thủ ngày càng vững chắc…, góp phần xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân và biên phòng toàn dân vững mạnh”. (Thượng tá Lê Ngọc Hải - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh) |
Sau 20 năm tái lập, Quảng Nam đã có bước phát triển nhảy vọt cả về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng - an ninh. Góp công vào những đổi thay đó, là không ít công sức của lực lượng vũ trang tỉnh, trong đó có Bộ Chỉ huy Quân sự (CHQS) tỉnh. Theo Thượng tá Lê Ngọc Hải - Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh, bên cạnh tập trung xây dựng lực lượng vững mạnh, củng cố tiềm lực về quốc phòng - an ninh,… công tác chính sách hậu phương quân đội và phong trào “Ðền ơn đáp nghĩa” luôn được lực lượng vũ trang tỉnh chú trọng, với hơn 1.000 ngôi nhà tình nghĩa, nhà có công được thực hiện, cùng hàng trăm ngôi nhà tạm bợ được xóa dần và giải quyết chế độ chính sách cho gần 40 nghìn trường hợp theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ. Bên cạnh đó, để hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao, Đảng ủy Bộ CHQS tỉnh cũng thường xuyên chú trọng công tác giáo dục chính trị tư tưởng cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ, coi đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, là nền tảng trong quá trình triển khai thực hiện nhiệm vụ quốc phòng, quân sự địa phương. Vì thế, cùng với đẩy mạnh phong trào thi đua quyết thắng trong từng cơ quan, đơn vị gắn với thực hiện có hiệu quả việc học tập và làm theo gương Bác Hồ, cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh Bộ đội Cụ Hồ” do Quân ủy Trung ương phát động, tạo sự chuyển biến sâu sắc về nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật Nhà nước, kỷ luật quân đội.
Nhớ lại những tháng ngày đầy gian khó khi mới tái lập tỉnh, Đại tá Nguyễn Văn Tâm - nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh không khỏi xúc động kể về giây phút cùng đồng đội rời TP.Đà Nẵng nhận nhiệm vụ mới tại Quảng Nam. Thời đó, những người lính như ông chỉ mang theo hành trang là chiếc ba lô, cùng hoài bão, quyết tâm xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh ngày càng vững mạnh. Gian khó ngày đầu dường như trở thành nỗi ám ảnh khi cơ sở vật chất, doanh trại hầu như chưa có, điều kiện ăn ở đều tạm bợ, thiếu thốn… “Nhưng với trách nhiệm của người lính và được sự quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện thuận lợi của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, Bộ CHQS tỉnh đã phát huy tinh thần tự lực tự cường, từng bước vượt qua thử thách để dần trưởng thành, lớn mạnh. Trải qua 20 năm xây dựng với nhiều thế hệ lãnh đạo, chỉ huy và cán bộ, chiến sĩ, lực lượng vũ trang tỉnh đã thật sự là chỗ dựa vững chắc, là lực lượng nòng cốt, tin cậy của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân trong tỉnh” - Đại tá Nguyễn Văn Tâm nói.
Những năm gần đây, khi tình hình mưa lũ ngày càng phức tạp, hình ảnh các chiến sĩ quân đội cùng nhau giúp nhân dân chằng chống nhà cửa, gặt lúa, sửa sang đường sá, khắc phục hậu quả sau bão lũ,… đã trở nên quen thuộc với người dân xứ Quảng, tạo nên sức lan tỏa và niềm tin vững chắc với nhân dân. Vượt qua gian khó, các chiến sĩ luôn bám sát cùng nhân dân trong xây dựng nông thôn mới, nhất là phát triển có hiệu quả các mô hình kinh tế ở miền núi. Thông qua nhiều chương trình ý nghĩa của Đoàn Kinh tế - quốc phòng 207, đã giúp hàng nghìn đồng bào vươn lên thoát nghèo, góp sức xây dựng đời sống mới ấm no, hạnh phúc trên khắp các bản làng. Hay các đợt lặn lội hành quân vào tận vùng sâu để tìm kiếm, cất bốc và cải táng hơn 4.000 hài cốt liệt sĩ vào nghĩa trang; tổ chức thăm tặng quà, khám bệnh, cấp thuốc cho đồng bào các xã biên giới nước bạn Lào… Những đóng góp ấy của lực lượng vũ trang tỉnh, trở thành dấu ấn đặc biệt trong lòng nhân dân.
ALĂNG NGƯỚC - PHƯƠNG GIANG