Dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh trên đất Nông Sơn

TRẦN VŨ 07/03/2021 08:50

Tại một số địa điểm khảo cổ học ở Nông Sơn, các nhà nghiên cứu đã phát hiện nhiều di vật thuộc văn hóa Sa Huỳnh (niên đại 2.000 - 2.500 năm cách ngày nay) mà tiêu biểu là ở Quế Lộc, Bình Yên, Thạch Bích.  

Xử lý mộ chum tại địa điểm Vườn Đình năm 2010.
Xử lý mộ chum tại địa điểm Vườn Đình năm 2010.

Địa điểm phát hiện di chỉ nằm bên bờ hữu ngạn sông Thu Bồn, thuộc địa phận thôn Trung Phước 2, xã Quế Trung.  Sau đợt lũ lớn năm 1964, nhiều đoạn bờ sông sạt lở làm lộ ra các chum lớn, người dân nhặt được các đồ trang sức. Liên tiếp các năm 1977, 1980, 1997, 2009 các cơ quan chuyên môn tiến hành khảo sát, đào thám sát địa điểm này. Kết quả các đợt khảo sát và đào thám sát tìm thấy nhiều mộ chum, hạt cườm có nhiều màu sắc khác nhau, dọi xe sợi bằng đất nung và mũi giáo sắt, khuyên tai có mấu bằng đá, khuyên tai hình vuông bằng đá Nephrite, hạt mã não. Các nhà khảo cổ nhận định, đây là khu mộ táng thuộc giai đoạn cuối của văn hóa Sa Huỳnh, di tích thuộc văn hóa Sa Huỳnh đầu tiên được tìm thấy ở sâu trong vùng núi, góp phần củng cố nhận thức về yếu tố bản địa của văn hóa Sa Huỳnh.

Gương đồng phát hiện tại địa điểm Bình Yên.
Gương đồng phát hiện tại địa điểm Bình Yên.

Địa điểm Bình Yên thuộc thôn Bình Yên, xã Ninh Phước (Quế Phước cũ). Đây là vùng đất tương đối rộng, nhô ra sông tạo khúc quanh nhẹ. Các di tích mộ chum ở Bình Yên phân bố trên các doi đất dọc bờ tả ngạn sông Thu Bồn. Từ năm 1994, di tích đã bị đào phá nghiêm trọng. Năm 1997, 1998 cơ quan chuyên môn điều tra khảo sát và tiến hành khai quật 180m2 trên 3 khu vực. Qua đó tìm thấy mộ chum có nắp, mộ nồi, nồi, bình lớn nhỏ, chuỗi hạt lớn hình lục giác bằng thủy tinh màu xanh, rìu đồng, giáo đồng, dao sắt, bát gốm nông lòng, rựa, thuổng, khuyên tai ba mấu, hạt chuỗi hình ống bằng đá, hạt chuỗi hình quả nhót bằng đá, hạt chuỗi mã não hình lục giác dẹt, hạt chuỗi thủy tinh, gương đồng Tây Hán... Căn cứ trên bộ di vật cho thấy Bình Yên phát triển qua hai giai đoạn nối tiếp nhau, giai đoạn Phú Hòa có niên đại 3.000 - 2.500 BP và giai đoạn Đại Lãnh niên đại 2.500 - 2.000 BP.

Địa điểm Thạch Bích nằm bên bờ hữu ngạn sông Thu Bồn, thuộc thôn Thạch Bích, xã Quế Lâm, địa điểm này đã được điều tra, khảo sát năm 1997. Năm 2001 khai quật tại khu vực dốc Ghềnh Chùa thu được nhiều mộ chum và các hiện vật (khuyên tai, hạt cườm, mã não, rìu đá). Địa điểm thuộc văn hóa Sa Huỳnh có niên đại cách ngày nay 3.000 - 2.500 năm.

Địa điểm Gò Chùa nằm bên tả ngạn sông Thu Bồn, thuộc thôn Phước Hội, xã Quế Lâm. Thôn Phước Hội trước đây được gọi là làng Sé, thôn Sé, do vậy địa điểm này trong một số tài liệu được gọi là thôn Sé (Khe Sé). Từ những năm đầu thế kỷ 21, địa điểm này đã bị đào phá nghiêm trọng bởi người dân địa phương cũng như những người chuyên đào trộm đồ cổ. Theo lời kể của người dân ở đây đào được rất nhiều mộ chum với các đồ tùy táng như khuyên tai hai đầu thú, mã não… Năm 1997, 2009, 2010, 2011 cơ quan chuyên môn điều tra, khảo sát và khai quật địa điểm này và tìm thấy mộ chum, hạt cườm, nồi… Dựa trên kết quả khai quật cũng như thông tin từ địa phương, những người khai quật cho rằng địa điểm này thuộc giai đoạn muộn của văn hóa Sa Huỳnh, niên đại cách ngày nay 2.500 năm.

Địa điểm Vườn Đình (xã Quế Lộc), đầu năm 2009, Trường THCS Quế Lộc trong lúc đào móng xây trường đã phát hiện một số hũ trong đó có mã não, đồ sắt, xương cốt… Năm 2010, Bảo tàng Quảng Nam phối hợp với Khoa Lịch sử (Đại học KHXH&NV Hà Nội) tiến hành khai quật Vườn Đình với tổng diện tích 65m2 ở ngay tại sân trường đã phát lộ 2 mộ chum, 1 mộ đất cùng một số cụm di tích khác. Di vật tìm thấy là dọi xe chỉ, dao sắt, hạt cườm thủy tinh, một vài hòn đá (có thể là đá đánh dấu mộ). Chum được đặt trên một lớp đá vụn, đá bị phong hóa nặng cùng nhiều sỏi. Mộ đất chỉ là một cụm hiện vật trong đó có một nồi gốm nằm ngang, miệng quay về phía tây bắc. Với những di vật như trên, có thể Vườn Đình là một khu mộ táng gồm cả mộ quan tài gốm và mộ đất thuộc văn hóa Sa Huỳnh.

Địa điểm Phú Gia là một gò đất cao nằm bên bờ hữu ngạn sông Thu Bồn, thuộc thôn Phú Gia 2, xã Ninh Phước (Quế Phước cũ). Theo thông tin người dân địa phương cung cấp, địa điểm này cũng từng bị người dân đào phá, họ tìm thấy nhiều chum, trong có các đồ trang sức mã não. Chúng tôi đến khảo sát địa điểm này, hiện nay chủ đất trồng keo, sắn, trong vườn có vài ngôi mộ hiện đại. Quan sát chân gò cho thấy khu vực này cũng từng bị sạt lở.

Có thể nói, từ những di vật văn hóa Sa Huỳnh phát hiện trên đất Nông Sơn đã giúp chúng ta hiểu thêm về mảnh đất mang dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ấn văn hóa Sa Huỳnh trên đất Nông Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO