Chợ Củi (Sài Thị), ngôi chợ sầm uất bậc nhất xứ Quảng và dòng Sài Thị Giang (Sài Giang) từng gắn liền với sự tồn vong của dinh trấn Thanh Chiêm (nay thuộc xã Điện Phương, Điện Bàn) trải bao biến thiên, dâu bể giờ chỉ còn là huyền thoại.
Người bình dân xứ Quảng còn nhớ những câu ca như: “Hòn Tàu, Hòn Kẽm, Hòn Vung/Ba hòm xúm lại đỡ vùng Quảng Nam/Non sông ai dựng ai làm/Sông Sài Giang lượn khúc, Cù Lao Chàm xanh um”… Và những câu hát đó mãi theo tôi đến tận bây giờ, để rồi cứ đau đáu kiếm tìm lời giải. Hòn Tàu là hòn núi thuộc huyện Nông Sơn, Hòn Kẽm nằm giữa vùng Nông Sơn - Hiệp Đức, Hòn Vung thuộc huyện Đại Lộc, ba hòn núi ở thế chân vạc, tạo nên địa thế vững chãi cho vùng đất Quảng Nam. Còn Sài Giang, vì lý do gì lại không được nhắc tới trên bản đồ hệ thống sông ngòi? Niềm băn khoăn đó cứ lớn dần khi bắt gặp những câu ví: “Hành Sơn - Sài Thủy”, hay một câu ca vang vọng: “Quảng Nam có núi Ngũ Hành/Có sông Chợ Củi, có thành Đồng Dương”. Sài Giang là tên của một con sông chảy qua Chợ Củi sầm uất rồi chảy qua những bến nước Câu Lâu, Vạn Đông… kéo dài mãi tới Gò Sài của xã Điện Phương (Điện Bàn) ngày nay. Sông xưa có thể đã đổi dòng hòa với con sông Thu Bồn trong xanh, dằng dặc, hoặc cũng có thể đã bị bồi lấp bởi một cuộc biến thiên trời biển nào, chẳng rõ. Song rõ ràng, danh tiếng và thanh thế của nó đã vượt ngoài xứ Quảng, được dân gian sánh với Ngũ Hành - ngọn núi, kỳ quan nổi tiếng của đất nước và còn được sánh với thành Đồng Dương, một cái nôi văn hóa - lịch sử của vùng đất Thuận - Quảng. Thư tịch cổ, sử sách nghiên cứu về vùng đất Quảng Nam kể từ thời mở cõi của chúa Tiên Nguyễn Hoàng nhắc tới con sông Chợ Củi gắn liền với sự hình thành và phát triển của dinh trấn, thủ phủ của xứ Đàng Trong, một vùng rộng lớn bắt nguồn từ đèo Hải Vân này.
Sông Thu Bồn, đoạn qua bến Câu Lâu gợi nhắc về con sông Chợ Củi trong lịch sử. Ảnh: Bích Liên |
Chỉ xoay quanh sông Chợ Củi này thôi cũng có nhiều tranh cãi. Có người cho rằng, dòng sông rộng lớn này đã bị xóa dấu tích, tương tự như sông Cổ Cò; song nhiều ý kiến đồng ý sông Chợ Củi chính là một đoạn sông Thu Bồn đi qua cái chợ Củi (thuộc thôn Đông Khương, xã Điện Phương nay), nơi tập trung thuyền bè đông đúc để được tiếp củi - nhiên liệu chất đốt cần thiết, nước ngọt, lâm hải sản cho những chuyến đi xa. Từ sông Chợ Củi, tàu thuyền có thể dọc theo hạ nguồn sông Thu, xuống Cửa Đại hoặc ra Cửa Hàn. Chợ Củi thời này chẳng khác gì một thị tứ, tấp nập kẻ bán người mua, cảnh “trên bến dưới thuyền” dập dìu thuyền bè qua lại. Củi được khai thác từ trên thượng nguồn để cung cấp cho toàn bộ vùng dinh trấn, các lò gạch và gốm nung Thanh Hà, lò đúc đồng Phước Kiều và thuyền bè trong nước và tàu buôn ngoại quốc từ cảng Hội An, Trà Nhiêu lên. Và đoạn sông từ cầu Câu Lâu ngày nay kéo dài mãi xuống khoảng 4 - 5 cây số có Gò Sài (gần chợ La Nghi) là một gò cao chất đầy củi, muối, nước mắm để dễ tiếp ứng cho ghe thuyền. Sông Chợ Củi còn là nơi neo đậu tàu thuyền, đóng quân của đại thủy quân chúa Nguyễn. Sau, sông Chợ Củi được gọi phiên qua chữ Hán là Sài Thị Giang, được ghi vào sử sách cuối thế kỷ 18.
Nhà thờ đức bà Hiếu Chiêu hoàng hậu ở làng Đông Khương. |
Người xưa cũng kể rằng, sát bến sông Chợ Củi, cách dinh trấn Thanh Chiêm chừng 800m, chúa Hiền Nguyễn Phúc Tần đã xây dựng nhà thờ đức bà Hiếu Chiêu hoàng hậu, tức Đoàn Quý Phi, mẹ Dũng Lễ hầu Nguyễn Phước Tần. Song, đến năm Canh Thìn 1680 thời vua Chánh Hòa Lê Hy Tông (1676 - 1705) tức năm chúa Nguyễn Phúc Tần thứ 32, trận lũ lớn đã gây xói lở ngay giữa làng, cắt đôi làng Đông Yên (Đông Khương nay) thành Đông Yên Đông và Đông Yên Tây, và sau trận đại hồng thủy này nhà thờ đức bà Hiếu Chiêu hoàng hậu đã bị hủy hoại. Đến thời chúa Ninh Vương Nguyễn Phúc Thụ (1725 - 1738), nhà thờ đức bà Hiếu Chiêu hoàng hậu được xây dựng lại lần thứ hai trên đất Đông Yên Đông và lùi xa bờ Sài Thị Giang. Về sau, sông tiếp tục đổi dòng chảy, nhà thờ đức bà Hiếu Chiêu bị nước xoáy cuốn trôi phần tiền sảnh, các vua nhà Nguyễn lại nối tiếp nhau phục dựng, trùng tu. Từ sau giải phóng, nhà thờ được con cháu tộc Đoàn Công trùng tu khang trang tới nay. Ngôi Chợ Củi bên sông này cũng trải bao bận bể dâu, dời đổi. Kể từ thuở dinh trấn Thanh Chiêm dời về thành tỉnh La Qua, vai trò chợ Củi bị mờ dần bởi các quan hệ giao thương đã chuyển về chợ Vĩnh Điện và bến Điện. Chợ xưa giờ đã theo sông, xóa nhòa dấu vết.
Các cụ cao niên ở làng Đông Khương kể rằng, thời Pháp, nhân dân trong vùng vẫn lưu giữ tục danh Chợ Củi và dựng lại chợ nghèo bên sông, chợ bán tôm cá đánh bắt dưới sông, lâm sản từ đầu nguồn về, song củi vẫn là chính. Chợ bị giải tỏa vào năm 1945 để lập ra chợ Tổng (tức Tổng An Nhơn, gần Văn thánh) rồi chợ Tổng cũng bị giải tỏa, thay vào đó là chợ Cầu Mống. Và chợ Cầu Mống cũng trải qua nhiều lần sửa sang từ bấy đến nay. Song, nhiều người già vẫn không quên được chợ Củi với những bến sông mà thời rất xa, họ đã nghe ông bà của mình kể lại với dấu vết dinh trấn xưa. Văn bia dinh trấn Thanh Chiêm, tọa lạc trước Trường Nguyễn Du (thôn Thanh Chiêm, xã Điện Phương) có khắc: “Đặt Quảng Nam dinh/Chọn Thanh Chiêm làm trấn/Từ đây/Phố Hội An thạnh mậu, tấp nập người buôn kẻ bán/Sông Chợ Củi phồn vinh, dập dìu thuyền lại, ghe qua/Đường, lụa Quảng Nam bán ra tứ xứ/Trầm hương, gỗ quý tỏa khắp năm châu/Mấy thuở/Hành cung, Kho muối, Mô súng, Tàu voi… Bến Văn Đông, Hiền Vương giong thuyền, tàu Hà Lan tan xác/Chợ Sài Thị, Nguyễn Huệ tuyển quân, giặc Mãn Thanh phơi thây”… Ngôi chợ một thời vang bóng còn được khắc vào văn bia làng Đông Khương. Câu ca của một bậc cao niên sống nơi vùng dinh trấn: “Sông Thu còn gọi sông Sài…/Phía trên cồn chài có miếu Ông Thu…/Từ chợ Củi đến Vạn Đông/Hỏi ai còn biết bến sông chỗ nào?... như gợi nhắc về lịch sử - văn hóa một thời.
Dù “biển xanh đã hóa nương dâu”, song, cùng với dấu xưa dinh trấn, thanh thế của Chợ Củi và huyền thoại về một bến sông từng là cảng thị sầm uất còn vang vọng trong lịch sử đất và người xứ Quảng.
BÍCH LIÊN