Dấu chấm hết cho thời kỳ bùng nổ của Zoom

AN TRƯƠNG 10/02/2023 15:05

(QNO) - Ngày 8/2/2023, Zoom cắt giảm 15% nhân viên, tương đương khoảng 1.300 người.

Zoom dường như nhận thức được rằng công ty cần cung cấp nhiều dịch vụ hơn, không chỉ có cuộc gọi video. Ảnh: Getty Images.
Zoom vừa cắt giảm 15% nhân viên. Ảnh: Getty Images

Điều này khiến không ít người bất ngờ khi chỉ 2 năm trước đó trong thời điểm bùng phát dịch COVID-19, công ty này đã tăng số lượng nhân sự lên gấp 3 lần.

Chia sẻ với Wired, Eric Yuan - Giám đốc điều hành của Zoom nhìn nhận: “Chúng tôi đã bất cẩn trong việc phân tích kỹ lưỡng các nhóm hoạt động cũng như đánh giá không chính xác tốc độ tăng trưởng và phát triển của công ty”.

Eric Yuan cho biết sẽ “chịu trách nhiệm về những sai lầm trên” bằng cách giảm 98% lương và không nhận tiền thưởng vào năm 2023. Theo hồ sơ của Ủy ban Chứng khoán và giao dịch Mỹ, tổng mức bồi thường của Yuan cho Zoom lên tới 10 nghìn USD.

Thực tế, Zoom không đơn độc trong làn sóng thừa nhân sự này. Khi đại dịch COVID-19 bùng phát, các ông lớn công nghệ cần nguồn nhân lực khổng lồ để đáp ứng nhu cầu trực tuyến của người dùng. Điển hình như Amazon đã bổ sung hơn 400 nghìn nhân viên vào năm 2020 và Meta đã thuê gần 13 nghìn người. 

Zoom - từ một nền tảng hội nghị ít người biết cho đến cái tên quen thuộc cho các cuộc họp trực tuyến, đã ghi nhận được gần 300 triệu lượt tham gia mỗi ngày. Thậm chí Zoom còn nằm trong top ứng dụng được tải xuống nhiều nhất trên các thiết bị của Apple vào năm 2020. Trong báo cáo doanh thu tài chính tháng 1/2021, Zoom thu về 2,6 tỷ USD lợi nhuận, tăng gần 326% so với năm trước.

Sau hơn 3 năm, sự thống trị của Zoom đã không còn như trước vì công ty đang chứng kiến sự bão hòa của thị trường. Các đối thủ cạnh tranh, đặc biệt là Microsoft và Slack, đã kết hợp cuộc gọi với email để nâng cao hiệu suất.

Với 40 phút miễn phí cho mọi cuộc họp trực tiếp, gần 100 người có thể tham gia Zoom cùng một lúc. Tuy nhiên, các dịch vụ gọi điện video khác, như Google Meet và Skype, cũng cung cấp dịch vụ tương tự nhưng với lượng thời gian dài hơn.

Thời kỳ đỉnh cao của Zoom là vào tháng 10/2020 khi ứng dụng này được định giá thị trường là 139 tỷ USD. Tuy nhiên, đến tháng 2/2023, vốn hóa thị trường đã giảm xuống còn 23,4 tỷ USD.

Will McKeon-White - nhà phân tích cơ sở hạ tầng và hoạt động tại công ty nghiên cứu Forrester nhận xét: “Zoom đã không lường trước được sự biến chuyển mạnh mẽ của thị trường trực tuyến, dẫn đến khó thích ứng và cạnh tranh với các đối thủ cùng lĩnh vực”.

Zoom dường như nhận thức được rằng công ty cần cung cấp nhiều dịch vụ hơn, không chỉ có cuộc gọi video. Vào cuối năm 2022, Zoom công bố kế hoạch tích hợp tính năng lịch biểu và email vào nền tảng, đồng thời triển khai một chatbot do AI điều khiển để khắc phục sự cố của khách hàng. Thậm chí, công ty đã thêm một số bộ nhãn dán hoạt hình và cung cấp đa dạng các biên bản cuộc họp cho người dùng.

Tương lai của Zoom có thể không mấy khả quan vì phải cạnh tranh với nhiều nền tảng gọi điện video vào thời điểm có ngày càng ít người ngồi trước máy tính. Dù vậy, Zoom vẫn chưa mất hết hy vọng khi người dùng vẫn ưu ái bởi sự tiện lợi khi thao tác, cũng như xu hướng làm việc hybrid (kết hợp trực tiếp và trực tuyến) đang trở thành xu hướng. Nhưng công ty sẽ cần phải chứng minh thêm về tiềm năng của mình để cạnh tranh lại với Google và Microsoft. 

Việc sa thải nhân viên tại Zoom và các công ty công nghệ khác là dấu hiệu cho thấy công chúng đang điều chỉnh lại cách sống và làm việc hậu đại dịch. Theo Layoffs.fyi - một trang web theo dõi tình trạng mất việc làm trong ngành công nghệ, gần 100 nghìn nhân viên đã mất việc làm vào năm 2023.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu chấm hết cho thời kỳ bùng nổ của Zoom
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO