Cầm bức thư của Nhung trên tay, tôi lao nhanh về phía biển An Bàng với hy vọng có thể tìm thấy bạn ấy. Bên tai tôi như văng vẳng lời cuối cùng của Nhung để lại trong thư: “Mình muốn được sống bình thường như các bạn, tại sao lại không được? Tại sao? Tại sao?”. Trong đầu tôi lúc này mọi ký ức về Nhung chợt ùa về…
“Ai mua bánh tráng, trứng cút không? Trứng cút nóng đây cô ơi. Chú ơi mua giùm con gói trứng cút đi chú!”. Chính tiếng rao này đã tạo được ấn tượng với tôi ngay lần gặp gỡ đầu tiên ở biển An Bàng. Một cô bé khoảng 13 - 14 tuổi, trạc bằng tôi, làn da nâu bánh mật, đi chân đất, khuôn mặt dễ mến bởi chiếc răng khểnh khá duyên. Cô bé chìa ngay gói trứng cút về phía gia đình tôi và mời: “Cô ơi, mua giùm con gói trứng cút”. Mẹ tôi mua giúp hai gói và cô bé không ngừng cảm ơn rối rít. Những lần sau đó, khi nào gia đình tôi ra biển An Bàng đều mua giùm cô bé khi thì gói trứng cút, khi thì vài cái bánh tráng. Tình bạn của tôi và cô bé cũng bắt đầu từ đó.
Tôi vốn con nhà khá giả, ba mẹ đều là cán bộ nhà nước, tuổi thơ tôi lớn lên trong nhung lụa, trong sự bao bọc che chở của gia đình nên tôi chưa bao giờ hiểu được cuộc sống của những người nghèo khổ. Đầu óc ngây thơ của tôi cứ nghĩ rằng ai cũng đi làm để đến tháng nhận lương như bố mẹ tôi. Ai cũng có những kỳ nghỉ để đi du lịch, ai cũng có những ngày thứ Bảy, chủ nhật cuối tuần để đi dạo phố, đi ăn nhà hàng.
Tay mân mê từng nắm cát ướt mèm, tôi hỏi Nhung:
- Ba bạn làm gì?
- Mình không có ba… Nhung trả lời tôi với ánh mắt buồn rười rượi.
- Mình xin lỗi, chắc mẹ bạn…
Tôi chưa kịp nói hết câu thì đã bị ngắt ngang bởi giọng nói oang oang của bà chủ quán: “Ê, con đĩ con kia, đi chỗ khác bán mày, mày ám quán tao miết khách nào dám vô, xui bỏ mẹ”. Bà ta đon đả mời khách nhưng không được rồi quay lại nhìn Nhung như trút tất cả tức giận vào bạn ấy, như thể bạn ấy chính là lý do khiến quán bà vắng khách: “Ê, con đĩ con kia…”, vẫn cái giọng khinh bỉ: “Sao mày cứ ám quán bà miết rứa hỉ? Mẹ mày không dạy mày hả? À, mẹ mày là con đĩ mà, hạng cave, gái điếm, bia ôm như mẹ mày chỉ biết bám vào đàn ông để sống… Đồ đĩ con, đồ con không cha, cút đi mày!”.
Hình như đã quá quen với những lời nhục mạ thế này, Nhung nắm lấy tay tôi và kéo đi, không nói một lời.
- Bà ta nói gì vậy Nhung? Tôi hỏi.
- Không có gì, kệ bà đi. Có đoàn khách Tây ra, mình đi bán đây, chiều giờ chưa bán mở hàng luôn. Nói rồi Nhung vụt đi, nỗi buồn vẫn còn đọng trong đôi mắt. Tôi nói với theo: “Tí nữa bạn ghé quán “Cánh buồm trắng” nhé, mình đợi bạn ở đó”.
Và tôi đã bắt đầu hiểu hơn về cuộc sống của Nhung. Nhung không phải người địa phương ở đây. Mẹ bạn ấy là người Quảng Bình vào Sài Gòn sinh sống. Bà đã làm đủ mọi việc, từ phụ quán ăn, quét dọn, chạy bàn, giúp việc… cho tới làm gái điếm. Cuối năm 2010, mẹ Nhung đưa Nhung từ Sài Gòn về Hội An và thuê căn phòng nhỏ của nhà bà Tư ở An Bàng để sinh sống. Mẹ Nhung xin đi rửa bát ở một quán cơm, còn Nhung thì mỗi ngày bưng rổ trứng cút, bánh tráng tương ra biển An Bàng để bán.
Tôi nhiều lần gặng hỏi: “Sao mọi người lại hắt hủi bạn vậy?”.
Nhung hướng ánh mắt nhìn ra biển khơi xa xăm, nơi có những chiếc thuyền neo đậu và trả lời tôi: “Vì mình là con không cha, vì mình là con của cave, con của gái điếm”. Ban đầu tôi không hiểu gì cả, hình như đầu óc non nớt của tôi không thể cắt nghĩa được thế nào là con của cave, con của gái điếm. Mãi sao này tôi mới hiểu. Trong thời gian hành nghề làm gái điếm, mẹ Nhung có thai ngoài ý muốn và không biết được ai là cha của Nhung. Nhung cứ thế ra đời và lớn lên mà không được khai sinh, không có hộ khẩu nên không được đi học. Mãi đến khi về Hội An, bà Tư thương tình mới giúp mẹ Nhung đi làm khai sinh, rồi nhập hộ khẩu vào nhà bà để Nhung được đi học. Cử tưởng rằng tương lai đã mở ra với hai mẹ con nghèo khó nhưng chính dư luận xã hội mới là sợi dây vô hình cột chặt tất cả. Nhung đi học nhưng bị bạn bè trêu chọc là con không cha, con của cave, con đĩ con…
Vài ngày sau đó, Nhung nói với tôi: “Chắc mình phải nghỉ học thôi Yến ơi”. Đang nhặt vỏ sò huyết, tôi dừng ngay lại, ánh mắt nghiêm nghị thay cho câu trả lời. Nhung nói tiếp: “Mấy bạn trong lớp gọi mình là cave, là đĩ con, là con không cha. Giờ tan học các bạn ấy còn xúm lại đánh mình nữa”. Vừa nói Nhung vừa vén tấm lưng áo lên, tôi thấy toàn là vết đánh bầm tím.
- Sao bạn không báo cô giáo?
- Mình sợ báo cô giáo rồi bị đánh thêm nữa.
- Thôi bạn đừng buồn nữa, mình sẽ về nói chuyện này với ba, ba mình là cán bộ to lắm, ba sẽ giúp bạn. Tôi an ủi.
Tôi định chủ nhật sẽ ra báo tin mừng cho Nhung rằng ba mẹ tôi đã đồng ý xin cho Nhung về trường tôi học. Tôi còn chưa kịp chờ đến chủ nhật thì nhận được thư của Nhung.
“Yến thân mến, cảm ơn bạn thời gian qua đã luôn ở bên mình, động viên mình rất nhiều. Từ nhỏ mình đã sống trong sự khinh bỉ của mọi người, ai cũng gọi mình là con không cha, là đĩ con, nhưng chỉ có bạn là không gọi vậy. Điều này khiến mình rất hạnh phúc bạn biết không?. Giá như... giá như ai cũng được như bạn, ai cũng hiểu cho mẹ con mình thì tốt biết mấy”.
Linh cảm được chuyện không hay, tôi tức tốc đạp xe thật nhanh ra hướng biển An Bàng. Tay tôi vẫn cầm bức thư, nước mắt tôi cứ chảy dài.
“Yến à, mình thật xin lỗi vì đã thất hứa với bạn. Mình đã hứa là sẽ cố gắng, sẽ vươn lên… Nhưng không được rồi Yến ơi. Cả tuần nay mẹ mình bị đau, không ăn uống gì được, mình nói mẹ đi bác sĩ khám nhưng mẹ không chịu. Rồi mẹ bị ngất xỉu ngay chỗ làm, người ta đưa mẹ về nhà. Mình nghe người ta bảo nhau: “Con Hoa bị bệnh gì kinh rứa mi, phải bị si-đa không rứa? Tao nghi lắm, dễ lắm chứ, làm đĩ mà sao không dính bệnh đó được”. Rồi họ đưa mắt nhìn mình với cặp mắt ái ngại. Nhưng mình đã hỏi mẹ, mẹ nói không phải vậy, mẹ mình không phải bị si-đa. Bà Tư còn bảo tại mấy bữa này mẹ làm tăng ca mà sức khỏe lại yếu nên bị suy nhược thôi. Bà Tư tốt với mẹ con mình lắm Yến à, tốt như bạn vậy. Giá như… giá như người lớn ai cũng như bà Tư thì hay biết mấy.
Mọi chuyện đã không đến nỗi tệ nếu cái tin đồn thổi con Tuyết Hoa cave bị si-đa giai đoạn cuối không lan nhanh ra cả làng An Bàng. Mình đi bán trứng cút, bánh tráng mà đi đến đâu người ta cũng xì xào: “Con gái của Tuyết Hoa cave đó, mẹ nó bị si-đa giai đoạn cuối sắp chết rồi, hắn chắc cũng bị, mẹ lây sang con mà”. Còn tệ hơn khi có khách đến, mình đến mời nhưng bị gièm pha: “Con bé đó bị si-đa đó, đừng mua đồ của hắn, bị lây si-đa đó”. Trời ơi! Nhưng mình có bị si-đa đâu, mẹ mình có bị đâu, nhưng mình nói không có ai tin.
Yến à, bạn phải tin mình vì ở trường cũng không ai tin mình nữa. Giờ ra chơi, có 5 - 7 phụ huynh đến gặp cô giáo đề nghị cô phải cho mình nghỉ học hoặc là đưa mình vào trường giáo dục đặc biệt. Họ không muốn con họ học chung với một đứa bị si-đa, họ sợ con họ sẽ bị lây bệnh. Từ khinh bỉ, sỉ nhục, bây giờ người ta coi mình như một vật rất đáng kinh tởm. Mình không thể tiếp tục sống ở đây được nữa Yến ơi.
Bạn còn nhớ, bạn từng hỏi ước mơ của mình là gì, lúc đó mình lắc đầu nguầy nguậy và nói mình không có ước mơ. Bạn nói: “Sống phải có ước mơ chứ, ước mơ của Yến là được làm luật sư để bảo vệ công lý cho người nghèo”. Thật ra ước mơ của mình đơn giản thôi Yến à, mình ước có một mái ấm gia đình, có ba mẹ thương yêu, được đi học, được vui chơi, được sống như các bạn khác. Thế nhưng tại sao lại không được? Tại sao? Tại sao?
Tôi chạy dọc hết bờ biển, gọi khản cả giọng nhưng vẫn không tìm thấy Nhung. Đáp lại tiếng gọi của tôi là tiếng sóng biển vỗ ầm ầm. Tôi quỳ sụp xuống mép nước và bật khóc nức nở.
Từng ngọn gió biển thổi vào mát rượi xao xác hàng phi lao, tai tôi nghe văng vẳng tiếng rao của Nhung chiều hôm ấy: “Ai mua bánh tráng, trứng cút không? Trứng cút nóng đây cô ơi, chú ơi”.
MAI THỊ XÍ