Dấu chân...

NGUYỄN ĐIỆN NAM 27/07/2013 08:56

Ai đi gần, ai đi xa

Những gì gợi lại chỉ là dấu chân

Trong bài thơ “Dấu chân qua trảng cỏ”, nhà thơ Thanh Thảo đã gợi lên bao điều suy ngẫm về hành trình ra chiến trường, hơn thế là hành trình của lớp người cống hiến tuổi thanh xuân cho Tổ quốc. “Dấu chân ai đọc nên vần/nên nào ai biết đi gần đi xa/ Cuộc đời trải mút mắt ta/ Lối mòn nhỏ cũng dẫn ra chiến trường”. Ngẫm ngợi trên vô vàn ngả đường ra mặt trận, có vô vàn dấu chân, có dấu chân đi/về, nhưng cũng có hàng vạn dấu chân chỉ có đi mà không có về. Thì đây, đã gần 40 năm hòa bình trôi qua rồi mà những người lính già còn đi tìm đồng đội, đau đáu nỗi niềm. Trung tướng Lê Văn Hân, Chủ tịch Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ Việt Nam dẫn ra con số thật day dứt, hiện còn khoảng hơn 200.000 mộ liệt sĩ chưa được quy tập, hơn 300.000 hài cốt liệt sĩ đã được quy tập trong các nghĩa trang nhưng còn thiếu thông tin. Người viết bài này cũng vào trang mạng tìm kiếm thông tin liệt sĩ, thấy danh sách liệt sĩ ở các xã của Quảng Nam, một vùng đất chịu nhiều đau thương trong chiến tranh, quả còn rất nhiều khoảng trống. Dấu chân thật đã xóa mờ qua gió bụi trường chinh, vậy nên thông tin chính là dấu chân của liệt sĩ để lại. Song, giờ đây không hiếm trường hợp như rơi vào cõi hư vô, vì chưa biết tên họ, quê quán, phiên hiệu, ngày tháng hy sinh… Liệt sĩ có mộ, dù thiếu thông tin cũng tạm yên, nhưng liệt sĩ chưa có mộ, biệt vô tăm tích trên rừng, dưới bể là điều khiến bao người còn sống day dứt. Trung tướng Lê Văn Hân nhắc gợi một điều khiến cho thế hệ hôm nay phải suy ngẫm về  nghĩa tình: “Nhiều bà mẹ liệt sĩ năm nay cũng đã hơn 90 tuổi, chỉ khát khao tìm được hài cốt con trai của mình trước khi về với tổ tiên, còn biết bao những người vợ, người con, người thân của liệt sĩ không tiếc thời gian, tiền bạc, ròng rã hàng mấy chục năm vẫn kiên trì đi tìm chồng, cha, người thân của mình trên khắp các chiến trường...”.  Về mặt chủ trương, chính sách, Bộ Chính trị  đã ra Chỉ thị số 24-CT/TW ngày 21.5.2013 “Về tiếp tục đẩy mạnh công tác tìm kiếm, quy tập hài cốt liệt sĩ đến năm 2020 và những năm tiếp theo” và Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 14.1.2013, phê duyệt “Đề án xác định hài cốt liệt sĩ còn thiếu thông tin”. Tuy vậy, trong thực hiện, đó là hành trình dự báo nhiều gian nan ở phía trước, không chỉ cần tiền của, công sức mà còn cậy nhờ bao tấm lòng, tâm huyết.

Ngày Thương binh – liệt sĩ năm nay, suy ngẫm về dấu chân của lớp người đi trước, hẳn sẽ gợi bao điều trắc ẩn. Dư chấn của cuộc chiến tranh vệ quốc quả thực còn âm ỉ, đan xen hai trạng thái cảm xúc, vừa cảm phục, biết ơn những người hy sinh vì đại nghiệp của dân tộc, nhưng cũng lại tràn đầy xót thương khi thân thể họ “vùi trong trảng cỏ thời gian”. Với những người trẻ, hy vọng từ lễ Thắp nến tri ân liệt sĩ do Trung ương Đoàn Thanh niên tổ chức tại Nghĩa trang liệt sĩ Điện Bàn đêm 26.7, sẽ khơi dậy những tấm lòng góp sức đi tìm dấu chân của lớp cha anh đã hy sinh cho Tổ quốc.

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu chân...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO