Dấu chân của mẹ

MẠC LY 08/01/2017 11:16

Ai hồi còn nhỏ cũng mong tết đến thiệt nhanh để diện bộ quần áo mới mẹ may. Lớn lên chút nữa, ngoài niềm mong đợi đó, tôi còn có một khoảng trời vàng nắng tháng chạp in bóng mẹ yêu. Dù bao năm trôi qua, tôi vẫn không quên cảm giác ấy đã neo trong tâm thức của mình.

Buôn bán ở chợ quê. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Buôn bán ở chợ quê. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Hồi còn học THPT ở Tam Kỳ, cận tết tôi mới về quê, mẹ đã chuẩn bị tết đủ đầy. Tôi không hình dung được, để có một cái tết như thế cha không chỉ vật lộn với đồng ruộng từng ngày, mà còn tranh thủ lên rừng vỡ đất khai hoang, trồng thêm mấy hàng sắn, vun thêm mấy hàng khoai. Còn mẹ đôi quang gánh thường trực trên vai. Mãi đến khi là sinh viên được nhà trường cho về nghỉ tết sớm, tôi mới cảm nhận hết sự tất tả của những ngày tháng chạp. Đôi chân mẹ vất vả ngược xuôi. Đôi chân ấy dường như không có khái niệm thời gian, lặn lội gieo neo, quên nắng sớm mưa chiều… Những ngày tết trôi qua thật nhanh, không kịp cho đứa con xa quê quẩn quanh bên mẹ đón nhận sự dỗ dành, nâng niu.

Để chuẩn bị tết và góp nhặt từng đồng cho con đi học xa, đôi chân của mẹ in dấu suốt quãng đường Tam Vinh - Tam Kỳ, Tam Kỳ - Tiên Phước rồi ngược lại. Cái gì miền biển có là trong quang gánh mẹ tôi cũng có: nào muối, mắm cái, cá hấp, cá khô, cá chuồn, tép… Tờ mờ sáng dấu chân của mẹ đã ở chợ Mai - Tam Kỳ, để đến trưa đôi chân tần tảo ấy đã có mặt trên đất Tiên Phước, quang gánh lại chất đầy lúa, khoai, tiêu, mít non… kĩu kịt trở về. Bởi ngày ấy, ở miền quê xa người ta mua bán không có tiền mặt, họ trao đổi qua lại bằng chính nông sản tự làm. Khi phương tiện giao thông thời ấy còn rất khiêm tốn thì mẹ tôi cũng như biết bao bà mẹ Tam Vinh thuở ấy là “nhịp cầu nối những bờ vui” cho những miền quê xa lắc. “Hàng” bán hết thiệt nhanh, bởi khi nghe tiếng rao quen thuộc vang lên là những người đàn bà nhà quê có đang làm ruộng cũng bỏ về nhà lấy lúa khoai ra đổi, nếu không nhanh chân sẽ hết “hàng dưới xuôi lên”, kéo theo một đám con nít chạy theo vòi mẹ chúng mua quà. Tiếng rao ám ảnh tuổi thơ tôi, để một đời tôi không nguôi day dứt. Đến bây giờ khi đang ngồi ăn cơm mà nghe ngoài đường chuyến xe chở hàng rao: “Muối đây! Ai mua muối không?” thì lòng tôi lại nhớ…

Đến nhá nhem tối mẹ về đến nhà. Cơm nước xong cho gia đình, mẹ lại đem số lúa đổi được đổ vào cối xay. Rồi giã. Giần. Sàng. Không biết bao nhiêu giọt mồ hôi của mẹ nhỏ xuống, để đổi hạt gạo tinh tươm trong quang gánh sớm mai. Để rồi quang gánh lại tiếp tục hành trình theo một vòng tuần hoàn không nghỉ. Bây giờ, dường như bên tai tôi vẫn còn âm vang tiếng chày thình thịch ngày ấy kéo dài trong đêm. Còn tôi - đứa trẻ con tuổi ăn, tuổi ngủ cứ vô ưu hồn nhiên trong giấc say nồng. Có lúc chợt tỉnh thức tôi vẫn còn nghe tiếng giã gạo vang lên trong đêm khuya tịnh vắng. Lăn qua, lăn lại quàng tay ôm chiếc gối mềm mà tôi ngỡ ôm mẹ rồi tiếp tục chìm vào giấc ngủ bình an. Trong giấc say tôi không hề biết rằng tiếng chày trong đêm vẫn miệt mài, có lúc nhịp chày không đều đặn lơi dần, lơi dần... Mỗi lần nhớ lại âm thanh ấy, tôi nghe ngực mình nghẹt thở, giống như có hòn đá trĩu nặng. Không biết sức mạnh nào đã giúp cho người mẹ vắt kiệt sức mình mà không hề than vãn kêu ca? Có lẽ cũng chỉ vì con, cũng chỉ để cho con được cắp sách đến trường, cho kịp bạn, kịp bè. Nơi tha hương nhiều đêm không ngủ tôi nhớ nhà, nhớ mẹ quá đỗi. Tôi chưa làm được gì cho quê, cho mẹ. Nước mắt chảy xuống mà! Bây giờ khi các con đã trưởng thành tôi mới nhìn lại mình, một nỗi ân hận giày vò không thôi.

Tuổi thơ tôi còn lắng đọng khoảng trời ửng hồng cổ tích, trong đó mẹ là bà tiên hiện ra giúp tôi vượt qua vất vả gian nan. Hồi ấy tôi ở trọ đi học, buổi sáng không có khái niệm dùng điểm tâm. Đến tiết thứ năm thì “bà cô ruột” réo ào ào, bắt dị. Nhưng có đứa bạn bên cạnh “đá lông nheo” cười tỏ vẻ đồng cảm, tôi bớt ngượng. Từ Trường THPT Trần Cao Vân về đến nhà trọ đi bộ phải mất ba mươi phút, tôi nghe cái đói cồn cào. Nhưng để quên cái đói hiện hữu dưới ánh nắng chói chang ban trưa, đè nặng trên đôi chân rã rời, tôi tưởng tượng mình là một vận động viên chạy đua ma-ra-tông mà cái đích tôi hướng đến là con đường vàng hoa sưa ở phía trước. Hễ thấy màu vàng chấp chới đằng xa là coi như đã đến nhà. Màu vàng ấy cứ níu tà áo dài trắng làm bước chân chậm lại. Thiệt lạ, mỏi mệt tưởng chừng như tan biến một nửa. Tôi đâu biết rằng chính màu vàng dung dị ấy một thời đã điểm tô cho vẻ đẹp tinh khôi tà áo trắng. Màu vàng dung dị ấy một thời còn nhắc nhở những trái tim biết xao xuyến, biết mộng mơ và biết dệt nên những hoài bão tốt đẹp nhất cho cuộc đời…

Cứ tưởng tượng chừ về đến nhà, quăng cặp sách xuống, tranh thủ nhen lửa nấu cơm, tôi muốn chảy nước mắt. Mấy lần, tôi nhóm bếp cả buổi, chế gần hết chai dầu tây mà củi vẫn trơ trơ không cháy, nồi cơm sống sì. Cái tội là ở nhà cứ rong chơi, ỷ lại có chị với mẹ lo hết nên bây chừ trọ học mới khổ ri đây. Tôi cứ tưởng điệp khúc hằng ngày ấy lặp lại, nhưng vừa bước xuống bếp, ôi chao! Mùi cơm gạo mới thơm lừng bốc lên làm cánh mũi tôi phập phồng. Giống như có phép màu, trước mắt tôi là một nồi cơm ghế khoai xiêm tươi thơm ngát, với một nồi cá chuồn kho với mít non. Tôi ăn mà nước mắt cứ lặng lẽ rơi. Tôi nghĩ đến đôi chân thoăn thoắt của mẹ đang rút ngắn đoạn đường dài dưới nắng chang chang để trở lên miền ngược. Tôi nghĩ đến những giọt mồ hôi của người thấm ướt dấu chân chặng nghỉ ban trưa. Tôi biết trước khi quang gánh trĩu nặng, nhịp nhàng trên vai, mẹ đã tranh thủ nấu cơm và chuẩn bị thức ăn để trưa về con gái khỏi vất vả. Bây chừ, cuộc sống quá đủ đầy, tôi được nếm đủ thức ăn ngon, vẫn không thể sánh bằng những bữa cơm mẹ nấu cho tôi ngày ấy. Hương vị đạm bạc nhưng chất chứa tình mẫu tử bao la đã chở che dưỡng nuôi tôi từng bước tự tin vào đời. Vì quá khổ, rất nhiều học sinh xa quê thời ấy đã lặng lẽ rời xa mái trường, con chim non đã sớm rời tổ ấm để tập mưu sinh. Còn tôi, mỗi lần nghĩ đến ân tình của mẹ là tư tưởng bỏ học không có chỗ tồn tại. Tôi càng chăm chỉ học hành, với niềm tin con gái mẹ sẽ sống xứng đáng với tấm lòng bao dung và thương yêu của người.

Khi tôi viết những hồi ức này, tháng chạp vẫn đi ngoài hiên. Êm đềm nhớ mẹ - người đã dưỡng nuôi tôi khôn lớn. Và cũng không quên tạ ơn cuộc đời đã ưu ái ban cho tôi những niềm hạnh phúc…

MẠC LY

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu chân của mẹ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO