Dấu chân người lính

ALĂNG NGƯỚC - VĂN KHANH 10/03/2022 06:36

Chúng tôi đi giữa thăm thẳm rừng và mây ngàn. Chuyến ngược núi thứ hai kể từ sau Tết Nguyên đán theo đoàn làm nhiệm vụ tuần tra, nơi này cỏ cây đã bắt đầu rậm rịt. Mặc, chúng tôi vẫn tiến về phía trước, nơi cột mốc chủ quyền chờ đứng hiên ngang.

Các chiến sĩ biên phòng vượt núi tuần tra trong thời tiết mưa phùn. Ảnh: N.K
Các chiến sĩ biên phòng vượt núi tuần tra trong thời tiết mưa phùn. Ảnh: N.K

Bóng người nhòe đi trong màn mưa đầu mùa, chỉ có tiếng phát lối vang trong sương núi. Đứng từ trên đỉnh dốc, Thượng tá Lê Huy Bảy - Đồn trưởng Đồn biên phòng La Êê (Nam Giang) rướn người kéo tay hỗ trợ đồng đội, miệng không quên nhắc nhở anh em cẩn thận đường trơn và đề phòng rắn rết. Vừa dứt lời, một đồng nghiệp của chúng tôi trượt chân ngã. Các chiến sĩ nhanh tay hỗ trợ, động viên anh tiếp tục lên đường…

Theo chuyến tuần tra

Chúng tôi lặng lẽ băng qua những cung đường trơn trượt, dốc đá. Tựa lưng trên một gốc cây cổ thụ nhìn về phía thung lũng trước mặt, một màn sương non che phủ. Thượng tá Lê Huy Bảy lấy từ trong túi lọ dầu gió, đưa chúng tôi kiểm tra xem dấu tích của… vắt. Tiếng sột soạt vang lên, từ trong khe ngón chân, đã thấy máu tươi đóng cục.

Một chuyến tuần tra đêm. Ảnh: A.N
Một chuyến tuần tra đêm. Ảnh: A.N

Nhưng, đi rừng, đặc biệt là mùa mưa, vắt trở thành những “người bạn đồng hành” với các chiến sĩ.

“Vượt qua khỏi con dốc này, là tới cột mốc 712. Phía bên kia mốc giới là khu vực giáp ranh với cụm bản của huyện Đắc Chưng (tỉnh Sê Kông, Lào). Lần nào tuần tra, anh em cũng đi qua mốc này trước, sau đó mới đến các vị trí khác theo kế hoạch.

Đi miết thành quen, nên không còn thấy xa nữa. Nhanh chân lên các đồng chí, đường tuần tra còn dài, chậm trễ kẻo trời tối” - Thượng tá Lê Huy Bảy thúc giục. Phía xa, mưa đã bắt đầu ngớt, hành trình ngược núi lại tiếp tục.

Đi nhiều chuyến tuần tra, chừng như, có một điểm chung mà chúng tôi thấy ở những chiến sĩ biên phòng, là không chỉ giỏi việc cắt rừng, mà còn rất tinh ý trên từng chặng đường. Ở nơi nào đó có dấu vết khả nghi, ngay lập tức họ dừng lại kiểm tra kỹ lưỡng. Chỉ khi chắc chắn đây là ký hiệu của những đợt tuần tra trước anh em mới rời đi.

Suốt dọc đường, lúc nào cũng căng mắt nghe ngóng tình hình, phòng các đối tượng vượt biên trái phép. Giữa điệp trùng mây núi, con đường mòn len lỏi dọc theo chân phiến đá cao dựng đứng hàng trăm mét, ngày cũng như đêm, những bước chân lặng lẽ cứ tiến về cột mốc.

Đoàn tiến hành chào cờ trên cột mốc 712. Ảnh: N.K
Đoàn tiến hành chào cờ trên cột mốc 712. Ảnh: N.K

Bất chợt, phía trước có một thân cây gỗ mục nằm chắn ngang đường tuần tra. Toàn đội dồn sức di chuyển, đảm bảo an toàn cho đoàn tuần tra. Trung úy Bùi Việt Anh - cán bộ Đồn Biên phòng La Êê nói với chúng tôi, gần như chuyến tuần tra nào anh em cũng gặp phải tình huống khó ở rừng. Khi thì mưa lũ dâng cao, lúc cây cối đổ ngã chắn ngang đường.

“Anh em phải dùng rựa mang theo để phát quang lối đi, mới có thể tiếp tục hành trình” - Trung úy Bùi Việt Anh chia sẻ.

Vì vùng biên an toàn

Đường tuần tra thăm thẳm. Sau Tết Nguyên đán, mưa núi dội xuống từng cánh rừng già khiến chúng tôi sũng ướt. Cột mốc biên giới đã sừng sững trước mặt. Chưa kịp nghỉ ngơi, các chiến sĩ thay nhau phát quang, làm sạch khu vực.

Chừng mươi phút sau, nơi này diễn ra lễ chào cờ của các thành viên trong đoàn. Các chiến sĩ chia sẻ, lần nào đặt chân đến cột mốc, anh em đều làm lễ chào cờ. Điều đó trở thành lệ, bất kể ngày nắng hay mưa…

Trên mỗi chặng đường tuần tra, anh em đều dựng lán trại giữa rừng để ở tạm. Ảnh: N.K
Trên mỗi chặng đường tuần tra, anh em đều dựng lán trại giữa rừng để ở tạm. Ảnh: N.K

Sau bữa cơm vội giữa rừng, cuộc tuần tra lại bắt đầu. Lần này, chúng tôi hướng về cột mốc 713, dưới màn mưa phùn của núi. Mưa nên trời tối rất nhanh. Chỉ mới vừa xuất phát từ cột mốc 712, chưa đầy 3 giờ đồng hồ, đường tuần tra đã mù tối.

Đoàn quyết định dừng chân, dựng lán trại ngay ngã 3 đường mòn nơi bìa rừng, chỉ cách cột mốc áng chừng hơn tiếng đồng hồ đi bộ nữa. Đêm đó, cả đoàn ở lại dưới màn sương phủ giữa cánh rừng già. Trời lạnh cóng, anh em chiến sĩ phải thay nhau đốt lửa sưởi ấm và đi tuần tra đêm.

Đã gần như, chuyến đi tuần tra nào, A Viết An - dân quân xã La Êê cũng góp mặt. Nhưng, A Viết An nói, anh cảm thấy như thế vẫn chưa đủ, bởi sự thú vị của từng chuyến đi.

“Hôm nay thì chuyện này, hôm khác thì lại chuyện khác. Đi nhiều, mới có nhiều câu chuyện, nhiều kỷ niệm để sau này kể cho con cháu. Hơn nữa, mình đi để góp sức cùng anh em chiến sĩ biên phòng làm nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ cột mốc, đem lại sự bình yên cho bản làng biên giới của mình” - A Viết An tâm sự.

Vài năm trước, câu chuyện về già làng Alăng Nhứch (dân tộc Tà Riềng, ở thôn Axòo, xã Chơ Chun, Nam Giang) gần 20 năm theo chân chiến sĩ biên phòng tuần tra biên giới khiến nhiều người cảm phục. Đi và đi. Cứ thế, bất kể ngày nắng hay mưa, bàn chân của già Nhứch vẫn hướng về cột mốc.

Ông như người “truyền lửa” cho những chuyến tuần tra xuyên núi, làm gương để dân làng noi theo. Vài năm trở lại đây, do tuổi cao sức yếu, già Alăng Nhứch tạm nghỉ bước chân tuần tra biên giới.

Nhưng những cuộc họp thôn, họp xã, bên cạnh đề xuất các chính sách ưu tiên cho miền núi, già Nhứch đều kêu gọi người dân, đặc biệt là thanh niên địa phương cùng bộ đội biên phòng tham gia làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới, hình thành nên các tổ tự quản rộng khắp trong cộng đồng.

Chúng tôi thức giấc bởi tiếng động lạ. Thì ra, các chiến sĩ vừa trở về sau chuyến tuần tra đêm. Ngoài kia, sương dày lạnh buốt, anh em luân phiên nhau trực gác, đợi sáng mai lại tiếp tục lên đường…

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu chân người lính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO