Dấu chân người lính

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 19/05/2015 12:26

Sáu mươi cột mốc biên giới với nước bạn Lào trên địa bàn tỉnh, có quá nửa nằm trong những cánh rừng già ít ai đặt chân đến. Cột mốc cuối cùng được cắm, là thành quả của những năm tháng băng rừng, cắt suối, in đậm dấu chân người lính biên phòng Quảng Nam.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh vượt rừng, dầm mưa cắm mốc. Ảnh: THANH NGUYÊN
Cán bộ, chiến sĩ Bộ đội Biên phòng tỉnh vượt rừng, dầm mưa cắm mốc. Ảnh: THANH NGUYÊN

Chúng tôi đã từng đặt chân đến những đồn biên phòng xa xôi nhất phía tây xứ Quảng, nơi màu áo xanh chừng như đã là một phần không thể thay thế của vùng cao. Không chỉ là chuyện giúp dân trồng lúa nước, dạy con chữ Bác Hồ, người lính biên phòng có mặt ở từng nóc nhà, từng căn bếp, sẻ chia với dân từng hạt muối, nắm cơm.

Áo xanh dưới tán rừng

Pêtapoóc (xã Đắc Pring, Nam Giang), cái tên gợi lên niềm xa ngái phía tây, đã một thời gian dài là bí ẩn với câu chuyện của ngôi làng “không danh phận”. Cuộc đi của đồng bào Ve ở Pêtapoóc kéo dài những năm tháng di cư. Để “những đôi chân của gió” ấy dừng lại, là kỳ tích ghi dấu chân người lính biên phòng, với không biết bao lần vận động, cùng ăn, cùng ở, cùng sản xuất với đồng bào. Đại úy Alăng Sơn kể lại rằng, đến khi những ngôi nhà mới cho đồng bào được dựng, các anh mới bớt trăn trở về cuộc sống của họ dưới tán rừng. “Chúng tôi luôn nhắc về Pêtapoóc, về cuộc sống người dân như trách nhiệm của bản thân mình. Cuộc sống họ đỡ vất vả chừng nào, ổn định chừng nào, thì những người lính biên phòng chúng tôi càng vững tâm chừng ấy” - anh Sơn chia sẻ. Cho đến tận bây giờ, khi đã chuyển công tác xuống Đồn Biên phòng Bình Minh, thi thoảng anh vẫn hỏi thăm đồng đội về các bháp, nin (bố, mẹ - tiếng đồng bào Ve), những đứa trẻ của làng Pêtapoóc, như người thân trong gia đình. Đó là trái tim của người chiến sĩ biên phòng chung bếp, chung những nghĩ suy với đồng bào vùng cao, nơi các anh đóng quân. Câu chuyện về Pêtapoóc, thật khó để kể hết tháng ngày vận động bà con ở lại định cư, vận động trồng lúa nước, thay đổi những hủ tục còn tồn tại, với biết bao tâm huyết, tình cảm của các chiến sĩ biên phòng.

Giai đoạn 2009 - 2014, Bộ đội Biên phòng tỉnh đã phối hợp tổ chức kết nghĩa giữa 35 thôn thuộc 10 xã của 2 huyện Nam Giang và Tây Giang với các bản ở 3 cụm bản của 2 huyện Đắc Chưng và Kà Lừm (tỉnh Sê Kông, Lào). Các đồn biên phòng tổ chức mô hình “Phòng đọc biên giới, dạy tiếng dân tộc”, “Lớp học vi tính văn phòng”, “Quán cắt tóc miễn phí ngày thứ Bảy”, “Nhà văn hóa - thư viện sách”, “Hũ gạo tình thương”, “Câu lạc bộ không sinh con thứ 3 trở lên”… phát huy hiệu quả tích cực.

Có mặt tại xã A Nông, Tây Giang, những ngày đầu gian khó, Đại úy Alăng Púi (Đồn Biên phòng A Nông) vẫn chưa quên hình ảnh những làng bản chìm trong sương mù, quẩn quanh với đói nghèo và lạc hậu. Cái ăn còn là nỗi lo thường trực mỗi ngày, thật khó hình dung diện mạo của một xã nông thôn mới tiêu biểu ngày hôm nay. Trong kỳ tích đó, in đậm dấu chân của người lính biên phòng, từ những ngày đầu khai hoang, vỡ đất, cấy ruộng lúa nước đầu tiên. “Hồi đó, dân làng còn không chịu bón phân, sợ nhớp hạt gạo, sợ hôi kho thóc. Đến khi ăn bát cơm mới đầu tiên của anh em biên phòng, rồi cùng anh em lật từng viên đá núi, cuốc từng vạt ruộng, bà con mới tin và làm theo đến bây giờ” - Alăng Púi nhớ lại. Giờ thì A Nông đã xanh đồng lúa nước, trở thành xã biên giới đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh. Bản làng thoát khỏi tăm tối ngày xưa, đón cuộc sống mới đang từng ngày khởi sắc.

Nghĩa tình biên giới

Ngày 30.9.2012, cột mốc cuối cùng trong tổng số 60 cột mốc biên giới với nước bạn Lào trên địa phận Quảng Nam được cắm xuống, nhưng bước chân người lính biên phòng vẫn chưa dừng lại. Các chiến sĩ tiếp tục đến bản làng nước bạn, chia sẻ, giúp đỡ, hỗ trợ bằng những việc làm thiết thực. Nhiều năm liền, nghĩa tình biên giới được tô thắm bằng nhiều câu chuyện cảm động về tình quân dân, tình anh em Việt - Lào.

Gặp Sool, một người dân ở bản Đắc Tà Oọc Nhày (huyện Đắc Chưng, Sê Kông, Lào), mỗi chuyến đi thăm bà con ở xã Chà Vàl (Nam Giang) là một lần anh cảm nhận được nghĩa tình của các chiến sĩ Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang - Đắc Tà Oọc. Sự giúp đỡ tận tình của các anh đã giúp cho những người từ bên kia biên giới như Sool cảm thấy thân thuộc như được trở về với gia đình. “Bộ đội Biên phòng Việt Nam giúp Sool nhiều lắm. Nhờ các anh mà gia đình mình có điều kiện qua bên này nhiều hơn, tình cảm anh em bà con cũng tốt hơn” - Sool nói. Nơi Sool ở, sự hiện diện của các chiến sĩ biên phòng cũng không còn xa lạ với bà con. Trung úy Zơrâm Pênh - cán bộ Đồn Biên phòng La Êê (Nam Giang) kể, đến bản Lào cũng giống như đang ở nhà, đến đâu cũng chào hỏi người quen luôn miệng. Anh bảo: “Bà con sống dọc biên bên này ngoài tiếng Lào họ còn sử dụng thêm tiếng Tà Riềng, Cơ Tu trong giao tiếp hằng ngày như đồng bào bên mình nên rất thuận lợi. Mỗi khi có chuyến công tác sang đây, bà con cũng đón mình như người thân gia đình” - Pênh chia sẻ.

“Hạt muối cắn đôi, cọng rau bẻ nửa”, nghĩa tình người lính biên phòng với đồng bào các bản Lào vùng biên còn được tô thắm bằng hình ảnh những bác sĩ mang quân hàm xanh nhiều lần giúp dân vượt lằn ranh sinh tử. Câu chuyện về Bộ đội Biên phòng Quảng Nam in sâu thêm trong lòng người dân biên giới, củng cố niềm tin với những hy sinh, cống hiến thầm lặng cho các bản làng hai bên vùng biên. Đại tá Dương Hoài Nam - Chỉ huy trưởng BĐBP tỉnh khẳng định: “Tự hào với truyền thống của lực lượng, những thành quả đạt được sẽ giúp cho tình hữu nghị Việt - Lào thêm bền chặt, phát huy sức mạnh đoàn kết, giữ vững an ninh biên giới và bảo vệ vững chắc chủ quyền. Truyền thống đó đang được viết tiếp bằng những nỗ lực của người lính biên phòng trong tình hình mới”.

THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu chân người lính
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO