Dấu chân những người giữ rừng - Bài 3: Ân nhân của động vật hoang dã

Phóng sự của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC 25/05/2017 08:39

Năm năm, hơn 700 cuộc tuần tra với xấp xỉ 31 nghìn ngày đêm trong rừng, Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Sao La (đóng tại xã Bha Lêê, huyện Tây Giang) được đánh giá là đơn vị thực hiện nhiều cuộc giải cứu động vật hoang dã nhất trong khu vực.

Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Sao La lắp đặt hệ thống bẫy ảnh tại khu bảo tồn. Ảnh: Đ.C
Kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Sao La lắp đặt hệ thống bẫy ảnh tại khu bảo tồn. Ảnh: Đ.C

Gỡ bẫy thú, đặt bẫy ảnh

Chúng tôi ngược dòng A Vương, đến vùng cao Tây Giang, nơi đóng chân của Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Sao La. Nắng đầu hè phả hơi nóng hầm hập xuống căn nhà làm việc bằng gỗ cũ kỹ. Kiểm lâm viên Đặng Bá Hiệp vẫn chăm chú với công việc tổng hợp hình ảnh, báo cáo từ phiếu ghi dữ liệu tuần tra bảo vệ rừng và giám sát đa dạng sinh học của các tổ bảo vệ rừng địa phương. Dữ liệu dày đặc ký hiệu trong tập phiếu được mã hóa, phục vụ cho việc nghiên cứu thông qua hệ thống phần mềm giám sát và báo cáo (SMART). Với hệ thống giám sát SMART, các dữ liệu về hoạt động tuần tra bảo vệ rừng (số đợt tuần tra, thời gian, địa điểm tuần tra…), các dấu hiệu động vật, hành vi vi phạm được thể hiện cụ thể ở từng vị trí trên bản đồ khu bảo tồn. Hiệp giở từng trang của tập phiếu ghi dữ liệu và kể lại cho chúng tôi nghe về những cuộc tuần tra đầu tiên, khi anh là người trực tiếp cùng đồng nghiệp thực hiện công việc này. Chỉ đơn thuần những ký hiệu, nhưng mỗi tập phiếu ghi là thành quả của rất nhiều chuyến đi, có lúc kéo dài cả tuần trong rừng sâu. Những tập phiếu ghi, không trang nào thẳng thớm; chi chít dấu tay, con chữ xiêu vẹo, có cả mủ cây rừng bám dính, như dấu tích những gian nan.

Bắt đối tượng săn thú rừng nhờ bẫy ảnh

Trong quá trình đặt bẫy ảnh để thu thập thông tin phục vụ công tác bảo tồn đa dạng sinh học, Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Sao La đã thu thập được hình ảnh giúp phát hiện và xử lý một đối tượng sử dụng súng săn bắt động vật hoang dã trái phép tại vùng lõi khu bảo tồn. Ông Lê Công Tín - Phó Hạt trưởng kể, vụ việc xảy ra vào năm 2015, khi camera giám sát ghi lại được hình ảnh rõ mặt đối tượng tại khoảnh 6, tiểu khu 34, thuộc địa bàn xã Tà Lu (huyện Đông Giang), đơn vị đã gửi toàn bộ hình ảnh đến công an, kiểm lâm và UBND các xã trong khu vực để xác minh. Nhờ hình ảnh trên, Công an huyện Đông Giang xác định được đối tượng là Arâl C., trú thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, đồng thời phạt cảnh cáo và tịch thu một khẩu súng hơi, yêu cầu đối tượng cam kết không tái phạm.

Phó Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Sao La - Lê Công Tín chỉ vào khoảng đánh số 20 - 21 trên tấm bản đồ lớn, cho biết đó là hai tiểu khu xa nhất mà anh em đơn vị phải đi tuần tra, nằm giáp ranh với địa phận huyện Nam Đông, tỉnh Thừa Thiên Huế. “Muốn đến được nơi này, ít nhất phải mất 3 ngày đi bộ. Nhưng mỗi cuộc tuần tra, không chỉ gói gọn trong một, hai tiểu khu, mà kéo dài qua hàng loạt tiểu khu khác nhau. Chúng tôi có 4 tổ, tuần tra liên tục. Các tổ tuần tra này có mặt ít nhất 16 ngày mỗi tháng, ở trong rừng” - ông Tín nói.

Những cuộc đi cứ lặng lẽ kéo dài từ ngày này qua tháng khác. Kể cả mùa mưa, dấu chân của các tổ tuần tra vẫn mải miết, in khắp các cánh rừng. Chúng tôi gặp Blúp Hốc - nhân viên bảo vệ rừng của hạt khi anh vừa trở về từ chuyến tuần tra kéo dài 8 ngày. Blúp Hốc nói: “Gỡ bẫy là nhiệm vụ thường xuyên nhất của anh em. Trong vùng này, người dân vẫn quen với việc đặt bẫy săn thú. Nhiều nơi, họ cũng đi suốt mấy ngày liền để đặt bẫy. Chúng tôi vừa tuần tra, vận động đẩy đuổi, vừa kết hợp tháo gỡ số bẫy này, tránh làm tổn hại đến động vật hoang dã”. Thay vào những chiếc bẫy của dân, là thiết bị “bẫy ảnh” do cán bộ của Viện Nghiên cứu vườn thú và động vật hoang dã Leibniz (IZW) và Quỹ Quốc tế bảo tồn thiên nhiên (WWF) tại Việt Nam đặt ở nhiều tọa độ bí mật, để giám sát, thu thập hình ảnh về các loài động vật. Cứ thế, kho bẫy thú được tháo gỡ lên đến hàng nghìn chiếc mỗi năm, “kho ảnh” dữ liệu cũng theo đó tăng dần...

Những cuộc giải cứu

Năm năm, kể từ khi chính thức hoạt động, có đến hơn 24 nghìn chiếc bẫy thú của dân đặt trong rừng được các tổ tuần tra gỡ mang về, cũng là cuộc giải cứu lặng thầm cho hàng nghìn thú rừng của cán bộ bảo vệ rừng và kiểm lâm viên Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Sao La. Cuối năm 2014, trong một lần tuần tra, các cán bộ của hạt phát hiện một con khỉ lớn bị mắc bẫy của người dân. May mắn, chú khỉ bị thương nhẹ, được sơ cứu sau đó thả về rừng. Đó chỉ là một cuộc giải cứu giản đơn, khi không có sự hiện diện của những kẻ chuyên đặt bẫy thú rừng. Những cuộc chạm trán với các đối tượng này, trở thành những lần đụng độ thực sự với hiểm nguy. Chính Blúp Hốc là một trong số 5 cán bộ của hạt bị đe dọa tấn công, khi phát hiện và giải cứu 2 cá thể nhím từ nhóm đối tượng người địa phương. Lần đó, khi kiên quyết tịch thu và thả 2 cá thể nhím, Hốc và tổ tuần tra bị một đối tượng hung hăng chửi bới, hăm dọa sẽ trả thù. Nhờ sự vào cuộc quyết liệt của Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Sao La và chính quyền địa phương, đối tượng trên mới bị xử lý, đưa ra kiểm điểm trước dân. Nhưng, những hiểm nguy không dừng lại. Có đợt, xe máy của tổ tuần tra bị lén lút đập phá, khi để ở bìa rừng. “Gặp người địa phương, mình còn dễ vận động, tuyên truyền. Chứ đụng người nơi khác là họ sẵn sàng chống đối, nhiều lần còn hăm dọa tổ tuần tra” - Hốc tâm sự.

Lực lượng kiểm lâm giải cứu một chú khỉ bị dính bẫy của dân. Ảnh: Đ.C
Lực lượng kiểm lâm giải cứu một chú khỉ bị dính bẫy của dân. Ảnh: Đ.C

Trong vô vàn những nhiệm vụ của anh em lực lượng Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Sao La, có một vai trò đặc biệt, gắn với chính tên gọi của đơn vị: lần theo dấu chân của loài thú được mệnh danh “kỳ lân châu Á”. Sau 15 năm, kể từ lần cuối ghi nhận được sự xuất hiện của loài sao la tại Việt Nam, tháng 9.2013 một “bẫy ảnh” đặt trong diện tích rừng của đơn vị quản lý ghi nhận được hình ảnh một cá thể sao la. “Từ đó đến nay, chúng tôi chưa một lần có thêm may mắn ghi lại được hình ảnh của sao la. Song, hy vọng về sự tồn tại của loài thú này vẫn luôn thắp lên một niềm tin, để chúng tôi tiếp tục với công việc của mình. Trong tâm tưởng, ai cũng cầu mong loài sao la vẫn còn tồn tại, trong hơn 15.000ha rừng vùng lõi mà chúng tôi đang quản lý” - ông Lê Hoàng Sơn, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Rừng đặc dụng Sao La, bộc bạch.

Những câu chuyện cứ thế miên man quanh thú rừng, quanh kỷ niệm về các cuộc tuần tra. Điều mà anh em không kể, là những gian nan của hành trình, hiểm nguy của rừng thiêng nước độc. Đổi lấy sự bình yên của rừng, sự sống của những loài động vật hoang dã, là biết bao miệt mài cống hiến, là tâm huyết gửi lại cho rừng. Niềm hạnh phúc các anh giữ riêng cho mình là được tận thấy những loài thú quý hiếm chỉ còn tồn tại như gấu ngựa, sơn dương, thỏ vằn, cầy gấm… Đặc biệt, là ý nghĩ về loài sao la vẫn bình yên, đâu đó trong những cánh rừng…

_______
Bài cuối: Đổi lấy màu xanh

Phía rừng xanh, ở đó, vẫn luôn có sự hiện diện của lực lượng kiểm lâm viên - những người giữ rừng kiên gan - để chung tay giữ bình yên, màu xanh cho đại ngàn.

Phóng sự của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu chân những người giữ rừng - Bài 3: Ân nhân của động vật hoang dã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO