Dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trở lại. Tuyến biên giới cũng ghi nhận thêm các đợt phát hiện, xử lý người vượt biên trái phép. Căng mình cho nhiệm vụ bảo vệ biên giới, những người lính biên phòng dựng nên một “lá chắn thép” nơi miền biên ải.
Cột mốc 718, nơi chúng tôi đang đứng chỉ cách bản Đắc Tà Oọc Nhày (huyện Đắc Chưng, Sê Kông, Lào) chừng hơn một dãy núi. Ở đây có một lối mòn hình thành bởi các hoạt động qua lại trao đổi, thăm thân giữa đồng bào hai bên biên giới.
Nay dịch Covid-19 tái bùng phát, phía Lào ghi nhận thêm nhiều ca bệnh mới, nhân dân hai bên biên giới thống nhất dừng các cuộc thăm thân, ra sức cùng chính quyền và Bộ đội Biên phòng làm tốt công tác phòng chống dịch.
Thượng úy Trịnh Xuân Quỳnh - thành viên chốt kiểm soát số 2 xã La Dêê (Nam Giang) khá rành rẽ địa hình khu vực quản lý. Đường tuần tra, dốc nối dốc, ngày cũng như đêm, anh em duy trì vài ba cuộc đi - về. Lần đi này, chúng tôi nhằm hướng cột mốc 718. Đi qua những triền dốc dựng đứng, lởm chởm đá, hiểm nguy hiện rõ dưới chân.
“Anh em cẩn thận, phía trước có vực thẳm, đề phòng sẩy chân” - Thượng úy Trịnh Xuân Quỳnh hô lớn nhắc nhở. Lẩn khuất dưới tán rừng già, một vực sâu còn nguyên vết lở kéo dài tận chân núi.
Gần 20 năm theo “nghiệp nhà binh”, Thượng úy Trịnh Xuân Quỳnh xem Quảng Nam như quê hương thứ hai của mình. Quê Hoằng Hóa (Thanh Hóa) nhưng hai vợ chồng chọn sinh sống tại TP.Tam Kỳ, mối lương duyên càng gắn chặt cuộc đời anh với đất Quảng. Anh dành cả tuổi thanh xuân cho rừng, với những cuộc tuần tra xuyên núi.
Chiều, vừa trở về từ chuyến tuần tra, Thượng úy Trịnh Xuân Quỳnh lục đục vào bếp chuẩn bị bữa cơm tối. Bất chợt tiếng chuông điện thoại reo, giữa “sóng rớt” ở miền biên ải, anh áp sát tai chiếc điện thoại “cục gạch”, tay vẫn tranh thủ rửa rau rừng, giọng chùng xuống, nét mặt đầy vẻ lo âu. “Con đang ốm. Vợ vừa mới báo tin” - Thượng úy Trịnh Xuân Quỳnh nói.
Quanh năm Thượng úy Trịnh Xuân Quỳnh ở trong rừng sâu, vợ anh đành “một nách 2 con”. Đứa con nhỏ chỉ vừa tròn tuổi, đau ốm liên tục. Anh bảo, mỗi lần nhận tin con đau là sốt ruột, cũng có lúc muốn lập tức được trở về nhà để phụ giúp vợ.
Nhưng, nhiệm vụ người lính, buộc anh phải luôn giữ tâm lý bình tĩnh để xử lý mọi chuyện. May mắn, ở nơi này còn có sóng điện thoại để anh liên lạc với gia đình mỗi khi có việc cần trao đổi.
Lại có tiếng chuông điện thoại. Lúc này đồng hồ của tôi báo 22 giờ đêm. Thượng úy Trịnh Xuân Quỳnh nhổm người dậy để… tiếp sóng. Một chặp, đã thấy nét mặt anh “sáng” lên rồi nhìn sang tôi nói con chỉ bị bệnh thông thường, vợ đã đưa đi khám.
Vài giờ trước, khi vừa tới lán trại, ngồi nghỉ sức sau hành trình dài ngược núi, tôi nghe anh em kể câu chuyện của Thượng úy Phạm Đức Nghĩa - Trưởng chốt kiểm soát số 2 La Dêê.
Cuối năm 2020, vợ anh đến thời kỳ sinh nở. Đứa con đầu lòng chào đời đúng thời điểm thiên tai hoành hành. Nhiều bản làng đồng bào Cơ Tu, Ve, Tà Riềng ở vùng biên Nam Giang bị bão lũ uy hiếp, hàng chục ngôi nhà tốc mái, ngã đổ, tuyến đường biên giới nhiều nơi bị cô lập, chia cắt…
Chỉ kịp động viên vợ qua điện thoại, Thượng úy Phạm Đức Nghĩa nhận lệnh vào cuộc giúp dân. Nhiều ngày dầm mưa, anh cùng đồng đội di dời hàng chục ngôi nhà, hỗ trợ người dân sơ tán đến vị trí an toàn. Lũ vừa rút, lại thấy anh có mặt khắc phục hậu quả ở địa bàn các xã La Dêê, Đắc Tôi.
Ngay cả khi con đầy tháng, Thượng úy Phạm Đức Nghĩa cũng không thể về thăm. Thời gian đó, anh bận bịu cùng đồng đội trực gác chốt kiểm soát, giữ bình yên cho tết. “Mới đây, mình được đơn vị tạo điều kiện cho về phép. Được gặp vợ con, vui không biết lấy gì để tả!” - Thượng úy Phạm Đức Nghĩa chia sẻ, rồi vội vã tạm biệt để cùng đồng đội làm nhiệm vụ tuần tra theo phiên trực.
Bóng các chiến sĩ đổ dài theo chân núi, về phía rừng sâu...
Phút dừng chân trên đường tuần tra, Đại úy Hiên Thầy mở điện thoại đọc báo. Nơi này, là khu vực hiếm hoi có sóng. Nhưng mạng rất yếu nên chỉ kịp lưu thông tin đồng đội ở Đồn Biên phòng Ga Ry (Tây Giang) vừa phát hiện, bắt giữ 4 người vượt biên trái phép từ Lào về Việt Nam. Tin nóng được chuyền tay nhau đọc, những mái đầu chụm giữa rừng.
Tự hào là lính biên phòng
Binh nhất Trịnh Thanh Đến - thành viên chốt kiểm soát số 2 xã La Dêê (Nam Giang) kể, hồi trước Tết Nguyên đán 2021, khấp khởi chuẩn bị về phép thì anh nhận lệnh tăng cường lên biên giới. Vậy là lên đường. Gần một năm rưỡi, kể từ khi nhập ngũ, Đến chưa về phép, bởi phải cùng đồng đội làm nhiệm vụ trấn giữ biên cương. Anh nói, niềm vui sau những chuyến tuần tra là xác nhận biên giới được đảm bảo an toàn.
“Hết năm nay mình ra quân. Tháng ngày ở quân ngũ, mình tự hào với công việc, nhiệm vụ được giao và cảm phục các đồng đội - những người luôn có mặt ở núi để giữ bình yên cho Tổ quốc” - Binh nhất Trịnh Thanh Đến tâm tình.
Đại úy Hiên Thầy là người dân tộc Ve, quê ở xã Đắc Pre (Nam Giang). Đồng đội nói đùa, Hiên Thầy là “già làng” của đơn vị, bởi anh thuộc rõ địa bàn và luôn có mặt trong mỗi chuyến tuần tra. Hơn chục chốt kiểm soát được dựng ở biên giới Nam Giang đều có bàn tay góp sức của Đại úy Hiên Thầy. Lặng lẽ từ chốt này sang chốt khác, anh tổ chức vận chuyển vật liệu, dựng lán trại phục vụ công việc bảo vệ biên giới.
Nhớ đợt chốt kiểm soát số 2 vừa mới dựng lên, anh em phải dầm mưa để cõng vật liệu trên quãng đường dài hơn 5km. Có chiến sĩ nghĩa vụ do không quen công việc nặng, lại thêm đường đi hiểm trở nên chỉ sau lần đầu tiên vận chuyển vật liệu đã phát sốt.
Thương đồng đội trẻ, Hiên Thầy nhận lấy phần việc nặng nhất, miệt mài ngược núi cùng anh em vận chuyển hết số vật liệu công trình. Chưa kịp nghỉ tay, lại thấy anh xung phong đi tuần, phát quang tuyến đường sau mưa lũ.
“Ngoài đi tuần còn phải trực chốt. Nhiệm vụ của chiến sĩ biên phòng nên ngày nào mình cũng phải đi. Đi để giữ cho biên giới được an toàn, nhất là trong thời điểm dịch bệnh Covid-19 đang bùng phát trở lại” - Đại úy Hiên Thầy chia sẻ.
Lần thứ ba có mặt ở cả 3 điểm chốt xa nhất của Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang, tôi kịp nhận ra “người bạn đồng hành” Zơrâm Sịnh - dân quân xã La Dêê. Gần như tuần nào anh cũng có mặt trong đội hình tuần tra cộng đồng, phát quang đường biên, mốc giới. Hồi dịch bệnh căng thẳng, Zơrâm Sịnh ở luôn chốt kiểm soát cùng bộ đội biên phòng làm nhiệm vụ tuần tra.
Trung tá Đỗ Xuân Trinh - Đồn trưởng Đồn Biên phòng cửa khẩu Nam Giang nói: “Ở các điểm chốt kiểm soát, ngoài cán bộ chiến sĩ còn có lực lượng dân quân địa phương tham gia trực gác. Hàng tuần, hàng tháng còn có thêm các chuyến tuần tra của cộng đồng bảo vệ biên giới. Họ chính là tai mắt, là người bạn đồng hành đã đồng cam cộng khổ giúp biên phòng làm tròn nhiệm vụ nơi tuyến đầu Tổ quốc”.
Ngày cuối cùng ở chốt. Tin báo về, có một nhóm người đang ở rừng sâu, cách đường biên chừng vài cây số. Các chiến sĩ biên phòng lại tức tốc lên đường...