Bảo tồn các giá trị độc đáo của võ thuật cổ truyền (VTCT) lần đầu tiên được huyện Điện Bàn tổ chức dưới hình thức tọa đàm đã nhận được nhiều lời khen từ các nhà quản lý cũng như chuyên môn. Khen là bởi qua cuộc tọa đàm, VTCT trên vùng đất dinh trấn Thanh Chiêm một thời vang bóng được “sống” lại với nhiều tên tuổi võ sư, võ đường, võ phái lừng danh. Cạnh đó, thực trạng bị mai một, nỗi lo thất truyền nhiều bài võ cổ bản, nguyên gốc cũng được các võ sư nêu lên và kiến nghị chính quyền địa phương có giải pháp bảo tồn, phát triển. Nói như một lão võ sư, sự kiện này sẽ giúp cho mọi người nhìn thấy bức tranh toàn cảnh về VTCT, cả quá khứ lẫn hiện tại, để có định hướng đúng trong việc gìn giữ.
VTCT cần được nhiều người, nhất là lứa tuổi học trò tìm hiểu và tập luyện.Ảnh: A.S |
Nhưng có câu chuyện còn đáng nói hơn: Gần như không ai đề cập chuyện phải làm sao cho VTCT huyện Điện Bàn trong tương lai có được kết quả thi đấu cao. Thể thao đâu chỉ có thành tích mà còn mang lại nhiều yếu tố khác nữa. Không gặt hái được nhiều thành tích cao tại các giải đấu cấp tỉnh trong các năm qua, nhưng các nhà quản lý, chủ nhiệm các võ đường, câu lạc bộ VTCT… của huyện Điện Bàn đều không nhắc đến mục tiêu chinh phục. Ngay cả một võ sư trẻ như Nguyễn Lê Thành Tây - Chủ nhiệm câu lạc bộ Võ thuật Dinh trấn Thanh Chiêm - cũng cho rằng, “mục đích, tôn chỉ đề ra của câu lạc bộ là nghiên cứu, bảo tồn, phát huy những giá trị di sản văn hóa phi vật thể VTCT”. Còn ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GDĐT Điện Bàn chia sẻ, VTCT là tinh hoa về rèn luyện thể chất của cha ông từ ngàn xưa và hoàn toàn ủng hộ việc đưa môn võ này vào trường học để gìn giữ, phát huy.
Không chỉ Điện Bàn mà nhiều nơi trên đất Quảng Nam từng có phong trào VTCT phát triển mạnh mẽ cũng rất cần được khảo cứu, sưu tầm để có giải pháp bảo tồn. Nhưng rất tiếc là cho đến nay, ngoài Điện Bàn, chưa có địa phương nào quan tâm đến. Ngay cả ngành văn hóa - thể thao tỉnh dường như cũng chưa có sự chủ động và quan tâm đúng mức trong việc nghiên cứu, phát triển. Miền đất võ Quảng Nam hiện có bài “Lão mai quyền” và “Căn bản công” được đưa vào trong 14 bài võ quy định và hệ thống căn bản công quyền thuật của Luật thi đấu VTCT Việt Nam, cho thấy vị thế của VTCT đất Quảng. Tuy nhiên, nếu “chậm chân” trong việc bảo tồn các giá trị đặc sắc, nền VTCT Quảng Nam sẽ đối diện với nhiều mất mát, như cảnh báo của võ sư Trần Xuân Mẫn - Chủ tịch Hội VTCT tỉnh rằng “nhiều võ phái kỳ cựu hiện nay đều đã để thất truyền gần hết các bài bản nội môn do tiền nhân để lại”.
Bảo tồn và phát triển VTCT không phải để đem lại thành tích cho địa phương tại những giải đấu cụ thể. Điều quan trọng hơn, đó là gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa độc đáo của nền võ thuật dân tộc. Hy vọng từ sau tọa đàm ở Điện Bàn, sẽ có thêm nhiều địa phương khác thể hiện thái độ ứng xử một cách đầy trân trọng đối với môn võ thuật đặc sắc này.
Anh Sắc