Sương bảo, từ quốc lộ một rẽ về hướng đông, qua cánh đồng mênh mông, chiếc cầu tre lắc lẻo, qua mấy cái xóm nho nhỏ, lại vượt một con đường lầy lội qua tiếp cánh đồng khá rộng là tới nhà em. Nghe Sương mô tả cứ như đang lạc vô rừng. “Còn con đường nào khác nữa không?”. Sương lắc đầu. Cũng vậy thôi à! Cũng đồng ruộng mênh mông đường ngập ngụa bùn lầy, cũng cầu tre lắc lẻo các thứ, vậy đó, anh tìm nổi không?
Cùng gốc gác nông dân nên tôi rất rõ về hoàn cảnh và nơi ở của Sương. Với dân làm ruộng, tự bao đời, đất ở gắn liền với ruộng nương. Điền và thổ. Ai có đám ruộng nào gần nhà xem như vớ được vàng.
Khi vào hợp tác xã, đất được chia theo bình quân, có xa có gần. Đất gần nhà được chăm bón, theo dõi chu đáo hơn. Nhà ở cũng vậy, có tự bao đời. Thành ra xóm này xóm nọ, có căn nguyên gốc gác rõ ràng. Và rất không ưng chuyện thay đổi.
Nên mới có chuyện người ở trong đất của huyện này mà dân lại thuộc huyện khác! Có cái xóm Cù lao nằm trên con sông nhỏ thuộc cả hai huyện giáp nhau, đất và dân cũng chia đôi. Mỗi phần cù lao ấy gọi là Cù lao trước và Cù lao sau.
Tuy nhiên, có nhiều nơi, cái sự “liên cư liên địa” ấy lại theo kiểu khác. Một thôn của xã này, huyện này lại nằm lọt thỏm trong xã khác, huyện khác! Có khi lại thuộc một huyện xa lắc! Có khi lại tận bên kia sông.
Gần nhà tôi có xóm Bình Yên nằm lọt thỏm giữa thôn Mường Động thuộc huyện bên cạnh với mười mấy hộ, dân vài chục người, có tự hồi nảo hồi nào. Nghe nói hồi xưa đã có người mua đất, cả điền lẫn thổ rồi làm nhà, làm ruộng ở đó. Vẫn cứ thuộc về một thôn bên kia sông, của một huyện khác.
Đi ký giấy tờ gì đó thuộc quyền định đoạt cấp huyện thì nhà này lên huyện lỵ huyện này còn nhà bên cạnh lại lên huyện khác để ký, không sao cả. Hình như các vùng đất ấy được chia sẵn từ xa xưa.
Sau 1975, nghe nói đã có dự định quy hoạch các vùng đất đó trở lại cho “liên cư liên địa”, thuận lợi việc đi lại và họp hành, chứng giấy chứng tờ. Tuy nhiên, kế hoạch ấy không thực hiện được bởi dân không chịu. Họ bảo, “hồi mô tới chừ quen rồi, chịu được, giờ thay đổi thấy “ngược ngược”, thấy “sao sao” ấy”. Và rồi, đâu lại cứ hoàn đấy. Có cảm giác như quê Sương chính là vùng đất ấy.
Chiều hôm qua, tôi mới ghé được cái vùng đất khá đặc biệt. Cho nên, dù đi đúng hướng chỉ của Sương bảo rằng nhà em ở xóm Mồ Côi, nhưng không hề đơn giản. Khi còn ở Sài Gòn, lúc tôi đang hỏi địa chỉ cụ thể nhà Sương thì con bé con của Sương bỗng khóc ngằn ngặt đòi về nhà nên chẳng kịp hỏi thêm điều gì.
Lúc đi tìm lại rơi đúng vào vùng đất “liên cư liên địa” vô cùng phức tạp, lẫn lộn xì ngầu nên không dễ gì lần cho ra. Khổ nỗi, tôi không liên lạc được với Sương, không biết chuyện gì đã xảy ra với cô ấy. Lẽ nào…?
Ông chủ nhà bỏ dở công việc tiếp tôi với trà suông và thuốc Prince, kiểu thuốc hợp gu của mấy ông nông dân lớn tuổi. Năm đứa con, bốn gái một trai. Hai gái đã có chồng, một gái học xong cấp ba, giờ nghe nói đi làm tận trong Bình Dương, Sài Gòn. Anh con trai còn học đại học. Con bé út học 11. Nhà ở rìa huyện nên đi về trường huyện xa tít mù.
Hồi trước còn phải đò giang cách trở. Và mùa lũ thì ôi thôi. Hỏi, thì sao? Thì bỏ hết công chuyện để đưa đón mấy đứa chứ sao nữa. Hết đứa này tới đứa khác. Cũng mấy chục năm trời chứ ít đâu. Hai vợ chồng đã bỏ hết mồ hôi nước mắt của cả đời mình cho năm đứa con.
Hỏi, vậy chớ có hưởng chế độ đãi ngộ gì không? Ông nông dân cười khoe hàm răng nhuốm khói thuốc. Chế độ gì đâu, chỉ có đất đãi thôi. Dăm sào ruộng, còn lại là khoai và đậu phụng. Nuôi thêm mấy con heo.
Hết thứ này đến thứ khác. Hỏi, làm sao mà nuôi đến những năm đứa, giờ cơ bản đã đâu vào đấy? Cười, thì trời nuôi, đất nuôi. Chỉ có đứa con gái đi mấy năm chưa thấy về. Nó…. Ông dừng lại, đột ngột. Hình như có điều gì đó ngắc ngứ nơi ông. Còn lại về đông đủ hết.
Ông bảo hồi tết năm trước con cháu về khá đông, ồn nhưng vui. Chừ đi “dắng” hết rồi. May còn đứa con út. Mà sang năm chắc nó cũng đi luôn. Hỏi, anh con trai học xong có định về quê không? Về sao được, anh? Ở thành phố không có chuyện ni thì chuyện tê để làm, không nhiều thì ít, cũng đủ sống qua ngày, chứ về đây làm răng tìm cho ra việc?
Rồi sau này ai lo cho tuổi già? Thì trời lo đất lo chớ! Anh không thấy hay sao, cái cột phân định địa giới hành chính gần chỗ nhà tôi không cắm giữa khe được thì người ta cắm trên bờ, thêm mũi tên và cái ghi chú rồi cũng xong chuyện mà. À, ông già cũng khéo chuyện đấy chớ. Lạc quan thế hèn chi “trụ” nổi ba bốn chục năm trời.
Ông chủ nhà bảo, xóm này hồi trước cũng có tên Mồ Côi, thoi loi giữa đồng, là vùng đất biên giới ba huyện vùng xa của tỉnh. Cái dải đất ấy nối cánh đồng lúa phía Bắc với nổng cát phía Nam.
Một xóm nhỏ nằm thoi loi sát rạt nổng cát lại thuộc một huyện phía Bắc nên mới xảy ra đủ thứ khó khăn. Tất nhiên là cực trăm bề, nhất là vào mùa mưa bão, nhưng nhiều người vẫn nói là “không sao, chịu đựng được hồi mô chừ rồi”. Hỏi kỹ, thì ra chỉ khác chuyện học hành, chuyện giấy má, chuyện họp hội… còn mọi thứ chẳng có chi khác, nhà nào cũng như nhà nấy.
Dân một thôn của xã này đang thắp điện kéo từ xã kia vào. Hỏi, giá có cao không thì bảo cũng không cao lắm. Nước thủy lợi lấy chung từ Ninh Thượng về. Hỏi giá cả thế nào được trả lời rằng vẫn lấy giá như bà con thôi.
Nhà có giỗ quảy, đám cưới đám hỏi cứ mời nhau thoải mái, không mời mới lạ. Đó là tình làng nghĩa xóm, ở đâu cũng vậy mà. Các nguyên tắc hành chính cũng là thứ người ta đặt ra để quản lý xã hội thôi, cái quan trọng là lòng người, lòng người thuận là được; với lại thói quen vốn đã được đặt từ bao đời trước cũng khó mà thay đổi. Dù sao cũng có được cái sự “liên cư liên địa” ấy bù lại. Vả lại, rồi sau này con cái sẽ tính mà!
Có thể nhà của Sương ở ngay xóm này. Mà cũng chưa chắc, bởi theo lời ông già, cái kiểu “liên cư liên địa” này mà lại hỏi cho ra một cái xóm Mồ Côi cụ thể thì biết đâu mà lần. Biết bao nhiêu là xóm Mồ Côi ở xứ này. Bí bách chỗ ăn chỗ ở, bèn ra rìa xóm dựng tạm mái lều tranh, rồi hai ba nhà nữa bắt chước.
Vậy thì ra ngay một cái xóm mồ côi. Thêm, sau chiến tranh, nhiều cô gái lỡ mất tuổi xuân thì, đành “kiếm đỡ đứa con về nuôi”, chịu không xiết bao lời dị nghị bèn… ra ven sông hay cồn bói dựng tạm cái lều che mưa nắng, thêm vài ba chị nữa. Rồi cũng thành cái xóm Mồ Côi.
Những dòng mô tả trong một ghi chép của tay bạn thân là phóng viên một tờ báo tỉnh giúp tôi hình dung ra phần nào. Nghe trong rừng những lời mô tả cỡ một phóng sự dài kỳ ấy nổi lên hình bóng một đứa con gái. Có phải đứa con gái mà người đàn ông nhắc tới nửa chừng? Thêm một câu hỏi nó chưa kịp nêu ra, rằng cô ta đã chồng con chưa?
Khu nhà trọ nơi tôi ở hầu hết là công nhân các nhà máy quanh đó. Bao nhiêu là người. Họ đi làm cả ngày, đến chiều mới về, mua vội vàng ít rau quả mắm muối rồi vội vã lo bữa tối. Là đã bước sang đêm. Lại nhà ai lo nhà nấy.
Những cô gái có con là vất vả nhất, vừa lo đưa đón con, vừa đi làm, vừa nấu nướng các thứ. Họ, khá nhiều người đơn thân. Như Sương. Tôi cũng đi làm tối ngày, công việc lại khác biệt nên ít khi để ý đến họ. Cho đến khi xảy ra dịch. Mọi thứ lộn nhào. Tiếng còi hú suốt ngày đêm.
Lần lượt nhiều người được xe cấp cứu đưa vào bệnh viện hoặc khu cách ly. Rồi, lại nghe tin người này trở bịnh nặng, người kia vừa mới qua đời. Người được đưa đi hỏa táng, người sắp hàng ở nhà xác chờ đến lượt. Nhiều người không biết đang ở tận đâu hay đã… Rải rác có mấy nhà tháo chạy về quê. Vài cuộc giải cứu trong sự đợi chờ thắc thỏm…
Anh gởi cái này về cho ba em. Nói với ba rằng em vẫn ổn! Có chết em cũng không điện thoại về đâu, nhục lắm! Vừa nói, Sương vừa quệt nước mắt. Không biết dịch giã thế này bao giờ mới về lại quê? Mà… biết có còn sống qua đợt dịch này không?
Sương níu lấy tay tôi, òa khóc. Nước mắt như muốn làm trôi đi cả hai lớp khẩu trang dày cộp trên mặt Sương. Được rồi! Được rồi! Anh sẽ tìm được nhà em mà! Cũng từ dân gốc rạ ra đi chứ khác chi ai đâu? Con bé con Sương đang ẵm trên tay nghe mẹ khóc cũng òa lên tấm tức.
Chuyến giải cứu do tỉnh và hội đồng hương tổ chức chỉ còn nhõn một chỗ, là chỗ của một người… vừa mới mất vì dịch, tôi nhường suất cho Sương, người sống cùng khu nhà trọ nhưng không được, Sương chỉ có thể đi cả hai mẹ con!
Sương sợ… Biết đâu… Nàng nhờ tôi gởi về nhà ít tiền. Và, hình như điều Sương cần hơn là những thông tin về mẹ con nàng. Có điều gì đó uẩn khuất nên Sương cứ ngắc ngứ mãi, nói không thành ý…
Người đàn ông vừa réo tên tôi vừa chạy theo, thở hì hà hì hục, nụ cười méo xệch. “Tôi quên nói với chú nó đi Sài Gòn, Bình Dương chi đó và đổi tên mất rồi. Sương siết chi đó chứ ở nhà nó tên Rớt à! Là mẹ nó đẻ rớt! Lỡ bầu bì với đứa nào đó, nó bỏ nhà đi giữa đêm, có biết đâu mà hỏi! Tui ngày càng già, chú thấy đó, mắt mờ chân run cả rồi! Ui trời! Sương với chả khói! Mà nghe nói trong ấy bao nhiêu người chết vì dịch vì giã! Không biết nó có làm sao không! Khổ quá, Rớt ơi!”.
Tôi kêu thầm trong bụng, cuối cùng rồi cũng tìm ra, Sương à! Hết dịch tôi sẽ đưa giúp hai mẹ con về, hãy cố cầm cự cho qua những ngày tháng kinh hoàng. Lần này chắc chắn không rớt nữa đâu!