1. Cách đây gần 13 năm, Sáu tôi đi học bằng lái xe mô tô hạng A1 (xe mô tô 2 bánh có dung tích xi lanh từ 50 đến dưới 175cm3) tại một cơ sở đào tạo ở TP.Đà Nẵng. Để học viên dễ ghi nhớ quy tắc khi tham gia giao thông, giáo viên truyền miệng một câu đúc kết: “nhất chớm, nhì tiên, tam quyền, tứ phải, rẽ trái nhường đường”. Trong đó, “nhất chớm” là trường hợp xe đang lưu thông mà bất thình lình đèn chuyển sang vàng thì cho xe chạy tới luôn vì lỡ qua vạch dừng. Do cần thêm thời gian, nếu muốn dừng lại hẳn thì xe cũng đã vượt vạch (vượt đèn đỏ), gây ảnh hưởng đến chiều đi của phía bên có đèn xanh bật lên. Còn ở trường mẫu giáo, cô giáo dạy các em học thuộc làu “đèn xanh được đi, đèn vàng đi từ từ, đèn đỏ dừng lại”. Và rất mau chóng, con trẻ liền “điều chỉnh” hành vi của chính cha mẹ khi họ định vượt đèn đỏ. Sáu Còi nêu hai ví dụ trên để thấy một điều, lâu nay, rất nhiều người cho rằng gặp tín hiệu đèn vàng thì phải giảm tốc độ, để khi đèn đỏ bật lên dừng trước vạch dừng là vừa. Nếu không kịp, người điều khiển phương tiện cần chạy luôn. Họ không tường tận vượt đèn vàng là sai luật và hành vi chẳng khác nào vượt đèn đỏ, dù các Nghị định số 146/2007/NĐ-CP, Nghị định số 34/2010/NĐ-CP, Nghị định số 71/2012/NĐ-CP xử phạt vi phạm giao thông có chung hành vi vượt đèn đỏ và vượt đèn vàng. Sau này, Nghị định số 171/2013/NĐ-CP tách thành hai với lỗi vượt đèn đỏ bị phạt cao hơn. Kể từ ngày 1.8, Nghị định 46/2016/NĐ-CP có hiệu lực thi hành, trong đó quy định hành vi lái xe cơ giới vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ do lỗi vi phạm hiệu lệnh.
2. Rồi cũng từ đèn tín hiệu, nhiều ý kiến tranh cãi bùng phát khi phần đông người tham gia giao thông cho rằng, xử phạt vượt đèn đỏ như đèn vàng là không thỏa đáng. Còn theo một nhà chuyên môn, cách dùng chế tài như trên là chưa phù hợp với Luật Giao thông đường bộ 2008. Họ đơn cử, tại khoản 3, điều 10 của Luật Giao thông đường bộ 2008 quy định: đèn tín hiệu xanh là được đi, tín hiệu đỏ là cấm đi, tín hiệu vàng là phải dừng lại trước vạch dừng, trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Như vậy, tín hiệu màu vàng chỉ cảnh báo cho lái xe nhanh chóng dừng lại trước vạch dừng, bởi lẽ sắp có tín hiệu đèn màu đỏ chứ không cấm người lái xe chạy qua vạch dừng. Chưa kể, họ vừa phát hiện ra đèn vàng mà vạch dừng đã cận kề, nếu đạp phanh gấp để dừng lại ngay sẽ không ổn. Trong khi đó, ngành chức năng lại đưa ra cách nhìn khác, thay vì giảm tốc, một số người tham gia giao thông có xu hướng tăng tốc khi thấy đèn vàng; có trường hợp va chạm hoặc gây cản trở các xe ở chiều đường đã có tín hiệu xanh…
Thiết nghĩ, để người dân dễ thực thi, hệ thống đèn tín hiệu được lắp đặt phải có đồng hồ đếm ngược nhằm nắm bắt chính xác thời gian mà điều chỉnh tầm nhìn, tay lái cho phù hợp. Tránh bị phạt có phần oan uổng như câu chuyện anh bạn của Sáu Còi khi lưu thông trên quốc lộ 14B ra hướng TP.Đà Nẵng. Do không có đồng hồ đếm ngược, lúc tới khu vực có đèn tín hiệu xanh, phía trước trung tâm hành chính huyện Hòa Vang, vừa chạm vạch dừng thì đèn vàng bật lên nên trở tay không kịp…
SÁU CÒI