Hàng trăm tác phẩm ảnh bị ăn cắp, sao lưu và phát hành một cách vô tội vạ khiến những nghệ sĩ nhiếp ảnh Quảng Nam “đứng ngồi không yên” vì tác quyền bị xâm hại nghiêm trọng...
Vô tư sử dụng
Hơn 100 bức ảnh của các nghệ sĩ nhiếp ảnh TP.Hội An in sang lậu bị bắt quả tang như giọt nước làm tràn ly sau nhiều năm các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) ngậm ngùi nhìn tác phẩm của mình bị in sao hàng loạt. Kể lại câu chuyện “mật phục” để bắt quả tang hàng loạt ảnh bị in sao “lậu” vào cuối tháng 8 vừa qua, các thành viên CLB Nhiếp ảnh Hội An đều bức xúc. Ngoài 74 tấm ảnh khổ 30x45cm và khổ 60x90cm bị bắt ngay trên chuyến xe vận chuyển về Hội An, tại khách sạn Thiên Đường Xanh (Green Heaven) còn có khoảng 96 tấm ảnh khổ lớn được trưng bày tại khách sạn này. NSNA Thái Tuấn Kiệt, khi nghe tin báo đã liên lạc bằng điện thoại với ông Dương Phú Phương, chủ khách sạn nói trên và bày tỏ sự không đồng tình với việc xâm phạm quyền sử dụng tác phẩm. Qua trình bày của ông Phương, đây là các ảnh được anh Nguyễn Phúc Khánh (nhân viên khách sạn) sang phóng cho ông, ông Phương cũng ngỏ lời xin lỗi và hứa sẽ gặp mặt và thỏa thuận với tác giả. Tuy nhiên, khi chưa có những thỏa thuận giải quyết như lời hứa của ông Phương, sự việc trở nên nghiêm trọng hơn khi các hội viên CLB phát hiện vào ngày 2.9.2014, tại cơ sở in phóng ảnh Anh Đức (36 Phan Châu Trinh, Đà Nẵng) có in phóng rất nhiều tác phẩm ảnh khổ lớn của các tác giả CLB Nhiếp ảnh Hội An.
Gần 100 tác phẩm nhiếp ảnh được trưng bày với mục đích kinh doanh tại khách sạn Thiên Đường Xanh, Hội An. Ảnh: Đặng Kế Đông |
Rất nhiều tác phẩm ảnh bị in sao với mục đích kinh doanh mà tác giả không hề hay biết. Các NSNA kể rằng, ngay tại quán café Hương Cau (thị trấn Nam Phước), cách đây hai năm đã sang khá nhiều ảnh của NSNA Quảng Nam với khổ lớn và trưng bày để bán. Khi bị phát hiện, chủ quán café cho biết họ không rõ nguồn gốc của những tấm ảnh này và tỏ ra thờ ơ với bản quyền của tác giả. Vì mỗi tác giả bị “mất” với số lượng không nhiều nên không ai muốn đi tới cùng với câu chuyện. Bên cạnh đó, các NSNA cũng khá bức xúc trong một số sự kiện cấp thành phố, cấp tỉnh, khi dùng ảnh của tác giả thường không ghi tên và cũng không xin phép tác giả. “Mình không hề đòi hỏi phải trả tiền tác quyền khi sử dụng. Chỉ muốn ai dùng vào mục đích gì, cần phải thông báo cho mình, để mình gửi file ảnh gốc, chất lượng ảnh tốt. Còn đây, họ cứ im lặng tải những hình ảnh đã đăng báo, dung lượng nhỏ, khi phóng lớn ảnh sẽ bị nhòe. Như vậy càng ảnh hưởng tới tên tuổi người nghệ sĩ” - một NSNA (xin giấu tên) chia sẻ. Cách đây không lâu, một cuốn sách về các thành tựu kinh tế văn hóa xã hội của tỉnh đã sử dụng phần lớn ảnh của các NSNA và không ghi tên tác giả, cho đến khi các NSNA phát hiện. Sự việc sau đó đã được hai bên giải quyết ổn thỏa, nhưng điều này cho thấy lâu nay, bản quyền tác phẩm chưa được coi trọng.
“Ảnh ai người nấy giữ”
Khi được hỏi làm sao để chứng minh đâu là ảnh của mình, NSNA Đặng Kế Đông cho biết, thường trong kỹ thuật của ảnh sẽ có phần thông tin ngày, tháng chụp, tốc độ, khẩu độ, chi tiết của máy… “Những chi tiết về kỹ thuật là dấu hiệu nhận biết ảnh đó của tác giả nào. Lâu nay anh em cứ mặc định ảnh khi đã đăng báo, tạp chí là coi như đã có tác quyền ảnh. Trong khi đó, tác quyền ảnh được các văn bản luật quy định ảnh được sử dụng vào mục đích nghiên cứu, khoa học, tác giả không được trả tiền tác quyền, còn dùng vào bất cứ mục đích nào cũng đều phải ghi rõ tên tác giả, xuất xứ và buộc phải có tiền tác quyền” - NSNA Đặng Kế Đông nói. Tuy nhiên, lâu nay chuyện tác quyền ảnh của NSNA Quảng Nam vẫn chưa được coi trọng, ngay cả đối với người trong cuộc là các NSNA.
Vụ việc phát hiện hàng trăm tác phẩm ảnh bị in sang lậu vi phạm tác quyền, các thành viên CLB Nhiếp ảnh Hội An đều mong cơ quan chức năng tịch thu, tiêu hủy toàn bộ ảnh có tại khách sạn Thiên Đường Xanh và yêu cầu ông Dương Phú Phương không được sử dụng lại những tác phẩm ảnh này. Trong khi đó, chiếu theo luật định, chủ khách sạn vi phạm bị xử phạt hành chính từ 15 - 30 triệu đồng. Vụ việc vẫn đang được Đội Kiểm tra văn hóa 814 TP. Hội An tiếp tục làm rõ. |
Trong những cuộc thương thảo về việc sử dụng ảnh, ở các thành phố lớn, người mua thường soạn sẵn hợp đồng tác quyền, báo mục đích sử dụng với số lượng bao nhiêu bản, nếu tái bản lại thì buộc phải trả thêm tiền cho tác giả đó. Ở những cuộc thi ảnh, trong quy định của ban tổ chức thường có điều khoản ràng buộc đối với người dự thi, cũng là một cách “bảo hộ” sản phẩm của các nghệ sĩ. Với thị trường ảnh Quảng Nam, theo các NSNA, việc định giá một tác phẩm thường mang tính cá nhân, không có khung giá cụ thể, tùy thuộc vào môi trường sống cũng như nhu cầu của khách. Đa số ảnh của các NSNA Quảng Nam thường có giá “mềm” hơn các thành phố lớn, bởi lẽ số lượng in phóng, bán ra khá nhiều và dễ dãi. Một số NSNA ở các thành phố du lịch khác thường đảm bảo với khách mua ảnh về số lượng ảnh bán ra, thường từ 10 bản trở lại, và như vậy tác phẩm ảnh mới trở nên quý giá, giá cả vì thế cũng sẽ cao hơn. Từ lời hứa với người mua ảnh, mỗi NSNA sẽ có cách riêng để bảo toàn tác quyền ảnh của mình.
Thời đại công nghệ số như hiện nay, việc “chôm” một bức ảnh là điều khá dễ dàng. Câu chuyện làm thế nào để bản quyền tác phẩm ảnh được đảm bảo sẽ còn dài. Không dễ dàng để ngăn chặn việc sử dụng ảnh không rõ nguồn gốc tràn lan như hiện nay. Còn bây giờ, nói như những NSNA Hội An, chỉ còn cách “ảnh của ai người ấy tự giữ lấy”.
SONG ANH