1. Nhà đầu tư BOT quốc lộ (QL) 1 mở rộng đã thu phí gần 2 năm qua. Oằn mình nộp phí, nhưng người dân cứ mỗi lần lưu thông trên tuyến lại mang tâm trạng bất an. Người đi ô tô lo hai lo ba, còn những ai đi xe máy, xe thô sơ và đi bộ thì lo chín, lo mười vì không có làn đường dành riêng cho mình. Chung làn với ô tô đã sợ, họ còn nơm nớp lo mỗi lần qua khu vực QL1 giao cắt ngã ba, ngã tư bởi vô số phương tiện và người qua lại hỗn hợp mà không có đèn giao thông điều chỉnh. Để tránh nhiều sự việc đáng tiếc xảy ra kế tiếp, UBND tỉnh kiến nghị Bộ GTVT thống nhất chủ trương lắp đặt 6 cụm đèn tín hiệu qua địa bàn Quảng Nam. Đó là các vị trí QL1 giao cắt với đường tránh phía bắc Vĩnh Điện (Điện Bàn), ĐT610 (ngã ba Nam Phước, Duy Xuyên), ĐT613 (đường xuống Trung tâm Sát hạch lái xe Quảng Nam, Thăng Bình), ĐT615 (ngã tư Kỳ Lý, Tam Kỳ - Phú Ninh), đường Nguyễn Văn Linh và đường Khu công nghiệp đi cảng Tam Hiệp (Núi Thành).
Kiến nghị thỏa đáng này được lãnh đạo Bộ GTVT chuẩn y. Mãi đến ngày 12.1.2016, đoàn công tác do Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông - Bộ GTVT chủ trì mới đi kiểm tra thực tế hiện trường, có biên bản thống nhất đôn đốc các đơn vị liên quan thực hiện. Va chạm giao thông lại xảy ra liên miên tại các nút giao, tuy nhiên chưa thấy ai chịu trách nhiệm triển khai. Ngày 25.3.2016, Quảng Nam tiếp tục gửi bộ ngành chức năng “nhắc” cần sự quan tâm chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương lắp đặt để đảm bảo an toàn tính mạng cho người dân (riêng vị trí giao cắt với đường tránh phía bắc Vĩnh Điện, Điện Bàn đã đưa cụm đèn tín hiệu vào dự án nâng cấp, mở rộng đường trục chính qua trung tâm thị xã). Và gần một năm nữa lại trôi qua, các cụm đèn tín hiệu… vẫn nằm trên giấy.
2. Thót tim là cảm giác của những người tiếp tục di chuyển khi nhìn thấy đèn xanh bật sáng, nhưng phía bên trái - phải hướng đi có bạn đồng hành cố tình vượt đèn đỏ. Nhiều vụ va chạm đã xảy ra trên một số tuyến tỉnh lộ, huyện lộ, nội thị gây hậu quả thương tâm không còn là chuyện hiếm. Vậy nên, ngành chức năng cần phải kiểm soát, dùng chế tài xử lý để điều chỉnh dần hành vi đối tượng cố tình vi phạm; tránh tình trạng gây lãng phí nguồn lực đầu tư (chủ yếu là dùng ngân sách tỉnh vì không thuộc quốc lộ). Sáu tôi xin được nhắc lại, kể từ ngày 1.8.2016, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP đã có hiệu lực thi hành. Trong đó, quy định hành vi lái xe cơ giới vượt đèn vàng sẽ bị xử phạt như vượt đèn đỏ do lỗi vi phạm hiệu lệnh. Cụ thể: người điều khiển ô tô và các loại xe tương tự xe ô tô lưu thông vượt đèn vàng sẽ bị phạt 1,2 - 2 triệu đồng. Người đi mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy nếu vượt đèn vàng bị phạt từ 300 - 400 nghìn đồng. Ngoài ra, Nghị định số 46/2016/NĐ-CP còn quy định, người đi xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác sẽ bị phạt ở mức phạt 60 - 80 nghìn đồng.
Kiến nghị đã được chuẩn y, chế tài đã có nhưng câu chuyện liên quan đến đèn giao thông vẫn chưa đi vào nền nếp, góp phần đảm bảo an toàn giao thông một cách hiệu quả.
SÁU CÒI