Dù đã được các chủ cửa hàng thông báo trước giá sữa sẽ tăng vào đầu tháng 3, nhưng rất nhiều khách hàng vẫn cảm thấy “chóng mặt” mỗi khi rút ví mua…
Choáng vì giá sữa
Sữa đã đồng loạt tăng giá từ những ngày đầu tháng 3. Theo khảo sát của chúng tôi tại một số cửa hàng sữa và siêu thị Co.opMart trên địa bàn Tam Kỳ, sữa và các sản phẩm từ sữa đã tăng giá từ 5-10%. Sản phẩm Friso và Dutch Lady có mức tăng từ 8 - 9%; sữa bột hãng Abbott cũng tăng 5 - 9%. Ngoài ra, các sản phẩm sữa nước, sữa chua, nước giải khát có sữa cũng tăng theo.
Người tiêu dùng cân nhắc khi lựa chọn mua sữa trước đợt tăng giá lần 2 năm 2013. Ảnh: T.ANH |
Ngay từ cuối tháng 2, nhiều khách hàng khi đi mua sữa cho con đã được thông báo giá sữa sẽ tăng vào đầu tháng 3 nên tranh thủ mua để dành. Chị Trang (chủ cửa hàng Trang, đường Trưng Nữ Vương, Tam Kỳ) nói: “Khách hàng của tôi đa số là người quen, khách hàng thân thiết nên khi nhận thông báo sắp tăng giá sữa, tôi đã lo báo sớm với họ để mọi người trong điều kiện có thể lo mua để dành, dù làm như vậy tôi sẽ mất một khoản lợi nhuận tương đối”. Nhưng thiện ý của bà chủ Trang cũng không “giúp” được nhiều cho khách hàng. Chị Hoàng Thị Lan (giáo viên trường THPT Lê Quý Đôn) có cặp con trai sinh đôi gần được 2 tuổi. Thời gian đầu, chị cho con uống sữa ngoại, dần dần chuyển sang sữa nội do tăng giá liên tục, trong khi thu nhập của giáo viên có hạn. “Mỗi lần chuẩn bị tăng giá sữa tôi lại mượn tiền ông bà mua sữa để dành. Nhưng sữa cứ liên tục tăng giá kiểu này không biết vợ chồng tôi có theo nổi không, mà cắt sữa của con thì lại không đành lòng” – chị tâm sự.
Còn chị Thanh Hiệp (đường Trưng Nữ Vương, TP. Tam Kỳ) đắn đo lựa chọn khi đứng trước kệ đựng sữa của cửa hàng Châu Tín (đường Trưng Nữ Vương). Chị nói: “Những lần trước, khi đi mua sữa tôi chọn sản phẩm theo nhu cầu và loại sữa mà con đang dùng. Con tôi không bú mẹ mà dùng sữa ngoài hoàn toàn, mỗi tháng trung bình 3 - 4 hộp, nên sữa tăng giá kiểu này chắc phải suy nghĩ, tính toán lại”.
Cần sự minh bạch
Đợt tăng giá này được xem là “cú sốc” đối với nhiều người thu nhập thấp. Sữa là mặt hàng thiết yếu của trẻ em, người già, vì thế dù khó khăn nhưng nhiều người không thể không dùng. “Nếu nói giá sữa tăng là do phụ thuộc vào giá nguyên liệu, nhân công thì nhiều nhóm hàng khác cũng tăng theo chứ, nhưng tại sao chỉ có sữa tăng thôi? Tôi thấy lý do ấy không thuyết phục chút nào! Rõ ràng doanh nghiệp kinh doanh sản phẩm sữa đang nắm đằng chuôi vì họ biết rõ sữa không thể thiếu đối với trẻ em, người già…”, chị Lê Thị Linh (thôn Đoan Trai, Tân Thạnh, TP. Tam Kỳ) bức xúc.
Giá tăng cụ thể ở một số sản phẩm: sữa bột Ensure Gold 3 loại 900g giá 658.000 đồng/hộp, tăng 48.000 đồng/hộp; Similac IQ loại 900g giá 521.000 đồng/hộp, tăng 43.000 đồng/hộp; sữa Similac Mom loại 400g tăng lên 205.000 đồng/hộp, Pediasure loại 900g tăng lên 523.000 đồng/hộp, Gain Plus IQ 900g tăng lên 474.000 đồng/hộp, Pediasure 1,7kg tăng lên 981.000 đồng/hộp, Abbott Grow 1 loại 400g tăng lên 158.000 đồng/hộp. Nestle Nan 1 HA loại 900g có giá mới là 396.500 đồng/hộp và Pediasure loại 400g là 308.000 đồng/hộp, tăng hơn 30.000 đồng/hộp... |
Trên thực tế, có nhiều lý do được các hãng sữa đưa ra để tăng giá như nguyên liệu đầu vào tăng, tỷ lệ dưỡng chất, thay đổi mẫu mã… Và cứ mỗi lần sữa tăng giá là thêm gánh nặng cho các gia đình. Bởi theo thống kê, mỗi lần sữa tăng giá đều dao động từ 5 - 10%, riêng đợt tăng vào đầu tháng 3.2013 các hãng sữa đồng loạt tăng giá từ 8 - 10%, nghĩa là mỗi hộp sữa giá tăng thêm 30.000 - 60.000 đồng/hộp. Lần tăng giá này, sữa nội tăng cao hơn sữa ngoại. Nếu hãng sữa Abbott chính thức tăng giá với biên độ điều chỉnh 2 - 9% thì hãng Nutifood tăng lên 10% (bắt đầu từ ngày 18.3), công ty sữa Vinamilk tăng 5 - 7% cho hầu hết các sản phẩm (trừ các sản phẩm nằm trong danh mục bình ổn giá). Riêng các loại sữa non nhập từ Pháp, Đức thì mức tăng lên tới 20%.
Sữa là một trong danh mục 14 mặt hàng thiết yếu do Nhà nước quản lý giá, trong đó nhiều dòng sữa ngoại chiếm trên 70% thị phần. Theo số liệu của Tổ chức Y tế thế giới, giá bán lẻ sữa ở nước ta ở mức cao nhất thế giới. Còn thống kê của Phòng Công nghiệp và thương mại Việt Nam (VCCI), trung bình mỗi năm sẽ có từ 2-3 đợt tăng giá sữa. Riêng giai đoạn 2007-2010, sữa có tới 17 lần tăng giá, giá chênh lệch tăng mỗi lần 5-10%, có loại tăng đến 13-14%. Từ đầu năm tới nay đã có hai lần tăng giá sữa. Các hãng sữa có yếu tố cấu thành của nước ngoài có nhiều cách tăng giá rất tinh vi như thay đổi nhãn mác, tên gọi..., thậm chí có hãng sữa đã đổi tên tới 3 lần. Ngoài ra, với việc thay đổi tên sản phẩm từ sữa bột sang “sản phẩm dinh dưỡng”, các doanh nghiệp đã lách được việc kê khai và đăng ký giá khi điều chỉnh. Nhiều sản phẩm sữa dành cho trẻ em được doanh nghiệp lách bằng cách đăng ký là sản phẩm dinh dưỡng hoặc thực phẩm bổ sung để có tăng giá cũng không bị kiểm soát.
Trước tình hình giá sữa “phi mã” như hiện nay, nhiều người dân kiến nghị các cơ quan quản lý phải sớm làm rõ việc tăng giá như các doanh nghiệp sữa giải thích đã hợp lý hay chưa. Bởi trong tình hình các hãng sữa có đủ lý do để nâng giá, cùng với việc tăng giá điện, nước, xăng dầu…, rõ ràng bài toán chi tiêu đang là gánh nặng và khó “giải” đối với người tiêu dùng.
CHIÊU THỤC ANH