Thời gian qua, UBND tỉnh, ngành thủy sản và các địa phương ven biển đã tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngư dân tiếp cận, triển khai đóng tàu vỏ thép, thực hiện đúng chủ trương hiện đại hóa ngành khai thác hải sản của tỉnh. Tuy nhiên, có nhiều tình huống, trường hợp đáng tiếc đã xảy ra khi đóng tàu vỏ thép, rất cần có những góc nhìn khách quan, đánh giá đúng thực trạng để có các giải pháp phù hợp.
BÀI 1: THIẾT KẾ CHƯA PHÙ HỢP
Nhiều con tàu vỏ thép được đóng mới nhưng bị “mắc lỗi” khiến ngư dân gặp khó khăn trong sản xuất và gây thiệt hại nặng nhưng chưa được khắc phục kịp thời.
Ngư dân Trần Công Kỳ xã Tam Quang, Núi Thành phải dùng gần 30 tấn xi măng, đúc ở phần mũi của con tàu vỏ thép QNa-90318 để cân bằng thân tàu.Ảnh: Q.V |
“Tàu to, sóng lớn”
Mỗi khi ra khơi, các chủ tàu vỏ thép theo nghề chụp mực trên địa bàn tỉnh bắt buộc phải chằng một khối nặng xuống phần thân trước của con tàu. Do phần mũi của con tàu quá nhẹ so với phần thân sau nên ra khơi là con tàu lắc lư, nhúc nhắc. Ngay cả trường hợp tàu đứng yên, không sản xuất, ngư dân vẫn thấy rất khó chịu. Nhiều chủ tàu đã phải bỏ các lượt quăng lưới sau nhiều giờ dò tìm đàn cá, vì con tàu liên tục chếch về phía sau, không thể chủ động thao tác lưới. Xử lý tình thế này, ông Trần Công Kỳ (thôn Sâm Linh Đông, xã Tam Quang, Núi Thành) đã phải dùng gần 30 tấn xi măng, đúc ở phần mũi của con tàu vỏ thép QNa-90318 có công suất 822CV để cân bằng thân tàu. “Dùng khối lượng lớn xi măng để cân bằng con tàu vỏ thép nghe rất khó tin nhưng là sự thật. Dĩ nhiên vẫn có cách khác để ngư dân “vá” lỗi đó, còn riêng tôi phải thực hiện như vậy cho phù hợp với tình thế” - ông Kỳ nói. Ông Kỳ cho rằng, khi đóng tàu vỏ thép, chỉ được chọn lựa một trong 21 mẫu tàu được Bộ NN&PTNT công bố. Các thiết kế đó đã mặc định từ trước, ngư dân không thể thay đổi kết cấu. “Sự cân bằng là điều quan trọng nhất của con tàu lớn khi sản xuất ở các vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa đầy sóng gió. Vậy nhưng không hiểu sao thiết kế lại thiếu cân bằng. Tôi cũng chỉ sửa lại một số chi tiết nhỏ thôi chứ không thể làm thay đổi kết cấu con tàu đã được thiết kế và công bố” - ông Kỳ cho biết thêm.
Cuối tuần qua, gọi điện cho chúng tôi, ngư dân Trần Văn Liên thông báo một tin vui: “Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy đã quyết định mua máy thủy mới, cũng hiệu Mitsubishi của Nhật có công suất 940CV để thay thế cho chiếc máy thủy bị hỏng hơn 6 tháng qua. Hiện tại, chiếc máy thủy mới đã được chuyển về đến huyện Núi Thành và sẽ được chuyển đến nơi chiếc tàu vỏ thép QNa-94679 đang neo đậu ở TP.Đà Nẵng, thay mới và bàn giao. Như vậy, chỉ sau một thời gian ngắn nữa là tôi sẽ được vươn khơi”. Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT khẳng định: “Sau quá nhiều bức bách thì câu chuyện hư hỏng máy thủy trên tàu cá QNa-94679 đang được giải quyết. Đây là “hành động đẹp” của Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy. Họ giải quyết vướng mắc theo hướng có lợi cho ngư dân trước rồi sau đó mới phối hợp với đơn vị bảo hiểm để giải quyết, nhận bồi thường chiếc máy thủy đã hỏng trước đó”. |
Nhiều con tàu khác cũng rung lắc dữ dội khi ngư dân vươn khơi, sản xuất ở các vùng biển xa. Cả đội tàu vỏ thép 4 chiếc theo nghề lưới rê hỗn hợp của các ngư dân Trần Đậu, Phạm Hiên, Đỗ Văn Thành và Đỗ Văn Tiến (thôn Trà Đông, xã Duy Vinh, Duy Xuyên) là ví dụ. Các ngư dân cho biết, ca bin tàu quá cao, xấp xỉ 2m, vừa choán tầm nhìn khi điều khiển tàu vừa phá vỡ mức cân bằng, tàu rung lắc quá mạnh. “Sở hữu con tàu vỏ thép là điều mong ước của gia đình tôi từ bấy lâu nay. Khi hạ thủy rồi nhận bàn giao con tàu, tôi chắc mẩm sẽ không phải gặp sự cố gì vì từ lúc động thổ đóng tàu cho đến quá trình thi công đều suôn sẻ. Vậy nhưng khi ra khơi mới biết ca bin tàu không phù hợp vì vướng tầm nhìn, choán không gian thao tác lưới và đặc biệt là rung lắc quá mạnh” - ông Đỗ Văn Thành nói. Các ngư dân này phải rất vất vả mới có thể sửa chữa, khắc phục những lỗi trên con tàu vì thiếu vốn. Tất cả vốn liếng huy động được, họ đã trút hết vào con tàu đóng mới và mua ngư lưới cụ, còn ngân hàng chưa thể giải ngân vốn phát sinh bởi phê duyệt bố trí vốn đã được đóng khung từ trước khi con tàu được hoàn thiện.
Một trường hợp khác, ngư dân đã phải thiệt vì chịu hậu quả từ lỗi thiết kế là ông Phan Thu (thôn Bình Tân, xã Bình Minh, Thăng Bình). Ông Thu kể, 2 chuyến biển đầu tiên sau ngày hạ thủy tàu vỏ thép QNa-95997 hành nghề lưới rê hỗn hợp đều phải bỏ dở vì chì không đủ nặng nên vàn lưới “mất tác dụng” trước hoạt động của đàn cá trong phạm vi vây bắt. Sự cố này được sửa chữa thì lỗi khác lại xảy ra. Hệ thống tời cẩu gặp vấn đề, không đủ lực để kéo vàn lưới nặng khiến cho lưới bị rách, thiệt hại nặng. Thân tàu vỏ thép hay bị ứ nước có lỗi từ thiết kế cũng khiến cho ông Thu chưa yên tâm vì lo ngại chất lượng thép sẽ giảm theo thời gian dễ khiến con tàu hư hỏng.
Thiệt hại vì hỏng máy
Tàu vỏ thép QNa-94679 của ngư dân Trần Văn Liên (thôn Tân An, xã Bình Minh, Thăng Bình) được hạ thủy hồi tháng 3.2016 đến nay vẫn chưa thể ra khơi. Ngay trong ngày hạ thủy, chiếc máy hiệu Mitsubishi của Nhật có công suất 940CV đã bị hỏng nên cơ sở đóng tàu không thể bàn giao cho chủ phương tiện. Ông Liên kể, khi chiếc máy thủy được các kỹ sư của Công ty CP Đóng tàu Bảo Duy (TP.Đà Nẵng) lắp xong, chạy thử thì nổ bình thường nên không ai nghi ngờ chất lượng máy. Đến ngày hạ thủy, chiếc tàu được điều khiển ra khỏi vịnh để thực hiện đăng kiểm thì xảy ra trục trặc hệ thống lọc nhớt. Sau đó thì tàu chết hẳn máy. Do giá trị của chiếc máy thủy lớn (2,8 tỷ đồng) nên các bên gồm đơn vị đóng tàu, doanh nghiệp cung cấp máy thủy, cơ quan bảo hiểm máy không ai nhận trách nhiệm nên sự việc dù xảy ra đã hơn nửa năm nay mà chưa thể giải quyết.
Một chiếc máy thủy dành cho tàu vỏ thép.Ảnh: Q.V |
Ông Trần Văn Liên tính toán, thiệt hại hàng trăm triệu đồng từ khi tàu được hạ thủy mà vẫn chưa thể sản xuất từ tháng 3.2016 đến nay. “Ngư dân Nguyễn Trọng Vỹ ở xã Bình Dương đóng tàu vỏ thép cùng thời điểm với tôi ở công ty này đã đi biển được hơn 10 chuyến, thu lợi hàng trăm triệu đồng ở mỗi chuyến biển. Nếu tôi đã được đi biển bằng tàu vỏ thép hành nghề chụp mực thì cũng có được nguồn thu nhập kha khá, trang trải nhiều khoản. Do máy bị hỏng mà các bên liên quan cứ lần khân không giải quyết rốt ráo nên phần thiệt lại rơi vào gia đình tôi, rất khổ sở” - ông Liên than thở. Do không thể đi biển, trong khi đã thỏa thuận với các lao động từ trước nên ông Liên vẫn phải chịu trách nhiệm trả tiền công cho lao động. “Để tránh tình trạng thiếu lao động nên tôi đã cam kết nhận lao động và trả công cho họ sản xuất trong năm 2016. Tàu vỏ thép chưa thể ra khơi nhưng tôi vẫn phải trả tiền công cho họ và mong phần máy con tàu nhanh được sửa chữa để ra khơi” - ông Liên nói. Nhờ các ngư dân là người cùng địa phương nên ông Liên đã trao đổi và thỏa thuận trả công cho 10 lao động trong 2 tháng với mức 6 triệu đồng/người. Chỉ riêng khoản tiền công lao động, ông Liên chi 120 triệu đồng.
-------------------------
Bài 2: Ách tắc nguồn vốn
NGUYỄN QUANG VIỆT