(QNO) - Tập ký “Tiếng gàu rơi và dòng sông mùa cũ” là cảm thức khắc khoải với hồn quê, người quê. Đó là làng quê Quảng Nam với những đồi sim tím thơ mộng, với những nương dâu xanh ngắt, với bát đường non, với kỉ niệm bắt cá bộng mùa lũ hay chợ quê, tết quê.
|
Thế giới nghệ thuật trong tập ký “Tiếng gàu rơi và dòng sông mùa cũ” được dệt nên bởi hoài niệm, hồi ức của một tuổi thơ đầy ắp yêu thương, gắn bó với làng nên càng lung linh: “Làng tôi nằm bên bờ sông Vu Gia, con sông có dòng nước trong xanh hiền hòa từ đầu nguồn chảy qua những bãi bồi bến lở, qua triền dâu ngút ngàn của làng tôi đến bao làng quê khác ven sông và xuôi về biển. Làng được những hàng tre dày bao bọc, chở che, mùa mưa ngăn dòng nước lũ… Tuổi thơ của tôi đi qua những năm tháng sống ở làng thật êm đềm, diệu kỳ, chiều chiều cùng lũ trẻ thả diều trên bãi cát...”.
Bìa tập sách "Tiếng gàu rơi và dòng sông mùa cũ". |
Nguyễn Hải triều đã yêu làng quê với dòng sông Vu Gia huyễn ảo mà hôm nay chỉ còn là hoài vọng mà thôi: “ Vài chục năm trở lại đây con sông Vu Gia của quê tôi không còn trong xanh nữa. Dòng nước chuyển màu đỏ ngầu, cạn kiệt mùa khô và luôn dữ dằn thác lũ mùa gió bão. Cá tôm cũng chảng còn nơi sống, người làm nghề chài lưới lên bờ trú ngụ đổi kế sinh nhai, phường vạn ghe không còn dấu tích…Nhưng với tôi trong mỗi giấc mơ từng đêm, vẫn cứ đau đáu một niềm thương cảm, một khát vọng cho dòng sông mùa cũ. Biết bao giờ sông quê tôi xanh lại ngày xưa?”
Nguyễn Hải Triều đã làm chúng ta say mê theo từng trang viết khi anh lội ngược dòng để tìm về những giá trị của một thời đã xa: “Nội tôi tìm được vài hột khổ qua con sót lại trong đống đổ nát của ngôi nhà cũ. Ông cấy vào bờ đất sau nền nhà đầy tro tàn những niềm xanh hy vọng cô độc, mỏng manh. Khi những hạt khổ qua bắt đầu nảy chồi, nội tôi vui lắm. Rồi cứ thế từng đêm, chờ cho mọi người trong nhà ngủ say, nội nhẹ nhàng lấy chiếc gàu được thắt bằng mo ông đã bóc ra từ cây cau bị ngã do mảnh bom phạt gãy ở góc vườn. Ông cần mẫn tưới. Vô tình có một đêm, tôi giật mình thức dậy sau giấc chiêm bao ùng oàng bom đạn, chợt nhìn thấy cái bóng của nội đổ dài dưới trăng mờ mờ cứ đi ra đi vào, tiếng nước hố bom từ chiếc mo cau nhỏ xuóng nghe rong róc, rong róc… Ôi những tiếng quê đau đáu cả đời người”… (Tiếng gàu rơi và dòng sông mùa cũ).
Gìn giữ những nét đẹp quê kiểng không chỉ là trách nhiệm mà hơn thế nữa còn là tình yêu. Một tình yêu bền chặt, thẳm sâu từ những ấn tượng của ngày thơ bé. Nguyễn Hải Triều bằng lối văn dung dị, mượt mà, với cảm xúc dâng trào đã thủ thỉ kể cho chúng ta câu chuyện về làng quê Quảng Nam xưa. Anh đã kiến tạo hình ảnh làng trong sự trộn lẫn của quá khứ và hiện tại. Một hiện tại với vẻ trù phú, công nghiệp hóa, hiện đại hóa: “Quê tôi ngày nay khác đi nhiều lắm, những đồi sim ấy nay biến thành rẫy dứa, rẫy thơ, nông trại chăn nuôi gia súc. Con đường ngoằn ngoèo, lu lấp bụi lờ, lỗ chỗ vết trâu không còn nữa, thay vào đó là một con đường thẳng táp từ làng vào núi, rộn ràng tiếng xe, tiếng máy, người đi. Làng mạc cũng thay đổi hẳn: đường bê tông, nhà cao tầng, hàng trụ điện cao thế, chơ búa tấp nập, ồn ả” (Mùa sim). Qua đó, người đọc vẫn nhận ra sự vận động và phát triển của nông thôn Quảng Nam trong mấy chục năm đổi mới. Nhưng đồng thời, cũng sẻ chia với nỗi niềm đau đáu, da diết đi tìm những vẻ đẹp đã mất.
Tôi đã đọc “Tiếng gàu rơi và dòng sông mùa cũ” và yêu mến văn phong cũng như tâm hồn, cái nhìn tinh tế, sắc sảo của nhà văn Nguyễn Hải Triều. Bằng tình yêu làng quê tha thiết, anh đã lưu giữ cho mai sau vẻ đẹp rưng rức của một thời đã qua. Đọc tập ký của anh, chúng ta càng trân trọng và yêu quá khứ, yêu truyền thống, yêu văn hóa, yêu đắm say hồn quê xứ Quảng.
HUỲNH THU HẬU