Đầu độc môi trường sống

NGUYỄN TƯỜNG QUÂN 15/11/2013 09:32

Chỉ vì không có hệ thống cống thoát nước mà một số hộ dân ở xã Tam Ngọc và phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) không biết làm thế nào để xử lý nước thải sinh hoạt. Họ xả thẳng ra ngoài, gây ảnh hưởng đến môi trường sống.

Nhiều năm qua, trên tuyến đường ĐT616 thuộc địa bàn phường Trường Xuân (TP.Tam Kỳ) chỉ vì không có cống thoát nước mà các hộ dân sinh sống hai bên đường chẳng biết phải xử lý ra sao với nước thải sinh hoạt. Ông Huỳnh Minh Hải ở khối phố 6, cho biết: “Là tuyến đường nằm trong thành phố nhưng không có cống thoát nước nên tôi chỉ còn biết đổ nước thải ngay sau nhà mình”. Nhiều hộ dân ở khối phố 6 cũng đã giải quyết nước thải sinh hoạt tương tự như trường hợp của ông Hải. Tại khu vực Chợ Lò, lượng nước thải được xử lý bằng cách đổ vào mương nước xả thẳng ra cánh đồng phía sau chợ, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng không nhỏ đến việc sản xuất nông nghiệp của một số hộ dân.

Ông Trung chỉ đám ruộng 400m2 của mình bỏ hoang do ô nhiễm. Ảnh: T.Q
Ông Trung chỉ đám ruộng 400m2 của mình bỏ hoang do ô nhiễm. Ảnh: T.Q

Ông Phạm Tấn Trung có hơn 400m2 đất ruộng ở phía sau khu vực Chợ Lò. Theo lời kể của ông, từ năm 2008 đến nay, vì nước thải từ khu chợ xả thẳng ra nên đám ruộng của ông không thể sản xuất được. Hơn 5 năm qua, ông phải bỏ hoang đám ruộng của mình. Ông Trung cũng đã nhiều lần kiến nghị UBND phường Trường Xuân trong các cuộc họp và cả các đợt tiếp xúc cử tri HĐND thành phố nhưng mọi chuyện vẫn không thay đổi. Ngoài hộ ông Phạm Tấn Trung, còn có 3 hộ khác cũng bị ảnh hưởng đến diện tích trồng lúa do ô nhiễm nguồn nước. May mắn hơn hộ ông Trung, 3 hộ này có diện tích canh tác không bị nước thải xả thẳng ra nên còn sản xuất được nhưng sản lượng lúa thu hoạch rất thấp.

Trên đoạn đường từ ngã tư Trường Xuân lên hồ Phú Ninh (xã Tam Ngọc, TP.Tam Kỳ) cũng không hề có hệ thống cống thoát nước. Vì thế các hộ dân sinh sống hai bên đường cũng gặp phải tình trạng ứ đọng nước thải sinh hoạt và ngập úng lúc mưa to tương tự như các hộ dân ở tuyến đường ĐT616 thuộc địa phận Trường Xuân. Bà Nguyễn Thị Xuân ở thôn 3 nói: “Tuy ở phố nhưng là vùng ngoại ô, tôi thấy không có chi khổ bằng sống chung với nước thải sinh hoạt đổ bậy đổ bạ...”. Do không có nơi đổ nước thải sinh hoạt, các hộ dân sống trên đoạn đường này đã tìm mọi cách để xử lý nước thải sinh hoạt bằng cách xả thẳng ra đoạn kênh thủy lợi ở phía sau nhà mình. Đoạn kênh này là ranh giới giữa thôn 3 (xã Tam Ngọc) và tổ 2, khối phố 7 (phường Trường Xuân), lúc nào cũng đầy rác, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Vì vậy, các hộ dân thuộc phường Trường Xuân thường xuyên đóng cửa để tránh mùi xú uế xông vào nhà.

Theo ông Trần Văn Khoa - Tổ trưởng tổ đoàn kết số 2, khối phố 7 phường Trường Xuân, tình trạng ô nhiễm ở đoạn kênh này diễn ra rất nghiêm trọng từ nhiều năm qua. Đoạn kênh nằm ngay phía sau nhà và cơ sở sản xuất của một số hộ dân xã Tam Ngọc nhưng lại là phía trước nhà của những hộ dân khối phố 7, phường Trường Xuân. Không có hệ thống cống rãnh xử lý nước thải, không ít hộ dân ở thôn 3 xã Tam Ngọc xả thẳng nước sinh hoạt hằng ngày và vứt cả rác rưởi ra kênh. Sự ô nhiễm ấy, khiến 23 hộ dân tổ 2, khối phố 7 (phường Trường Xuân) phải chịu đựng bao năm nay. Rất mong chính quyền địa phương và các cơ quan hữu quan nhanh chóng vào cuộc để tìm hướng giải quyết cho nước thải sinh hoạt ở hai bên tuyến đường này, giúp người dân ổn định cuộc sống.

NGUYỄN TƯỜNG QUÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu độc môi trường sống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO