Văn hóa

Dấu ghi thơm thảo cho đời sau

NGUYỄN ĐÔNG NHẬT 17/03/2024 07:45

Một buổi sáng cà phê vỉa hè, đọc báo. Lan man nhớ về những nhân vật đã góp công lớn trong văn hóa xứ Quảng...

unnamed-1-.jpg
Tượng kiến trúc sư Kazik tại Hội An. Ảnh: TTVH.HA

Nhiều năm trước, khi bước trên phố cổ Hội An vào lúc tờ mờ sáng, đoạn đường dẫn đến Chùa Cầu, thấy có một bức tượng. Bước lại gần, là tượng kiến trúc sư người Ba Lan: Kazimierz Kwiatkousky (1944-1997).

Người xứ Quảng quen gọi một cách thân thương là Kazik. Ông có nhiều đóng góp trong việc bảo tồn các di tích lịch sử và khảo cổ tại Huế, thánh địa Mỹ Sơn và Hội An.

Kazik đã chú ý đến giá trị đặc biệt của phố cổ Hội An. Ông đã nỗ lực vận động chính quyền địa phương tiến hành các biện pháp bảo tồn, trùng tu đô thị cổ Hội An, đồng thời cố gắng giới thiệu những nét riêng biệt của Hội An ra thế giới.

Kiên trì theo đuổi nguyên tắc trùng tu “khảo cổ học”, Kazik góp công lớn cho ngày Hội An chính thức được vinh danh Di sản văn hóa thế giới của nhân loại.

Đâu cũng hơn 20 năm trước, trong một lần trò chuyện với vài viên chức, tôi đã thử… bâng quơ: Giả dụ phố cổ có một đoạn đường ngắn, hoặc bức tượng mang tên Kazịk, có phải là điều tốt chăng?

Và, Hội An đã xây dựng công viên ngay trung tâm phố cổ, đặt bức tượng bán thân Kazimierz Kwiatkousky vào tháng 12/2007 để tưởng nhớ công lao của ông. Đó cũng là tấm lòng của người phố cổ đối với người đã góp công làm cho Hội An sống lại từ bên dưới lớp bụi quên lãng của thời gian.

Lại nhớ, loáng thoáng thông tin Quảng Nam sẽ dựng tượng một số nhân vật ở khu vực di sản văn hóa thế giới Mỹ Sơn. Việc dựng tượng là “phải đạo” rồi.

Ở Mỹ Sơn thì phải kể đến những tên tuổi không thể quên. Là Henry Parmentier, Louis Finot, Georges Maspero (người Pháp), những người đã có công với Mỹ Sơn, với Cổ viện Chàm ở Đà Nẵng và với những công trình về Champa. Và nhiều người khác nữa…

Tháng 7/2017, quê nhà đã bàn đến việc này với bốn nhân vật dự kiến sẽ được dựng tượng. Đó là Henri Parmentier (1870-1949) - người Pháp, với những công trình nghiên cứu về Champa rất có giá trị.

Người thứ hai là ông Nguyễn Xuân Đồng (1907-1986), có công trong việc thông báo cho Philip Stenr gửi kiến nghị đến Tổng thống Mỹ về việc phá hoại di tích Mỹ Sơn của không quân Hoa Kỳ.

Thứ ba là Kazimier Kwiatkowski đã góp nhiều sức lực, thời giờ trong việc trùng tu di tích Mỹ Sơn. Và người thứ tư là ông Hồ Nghinh (1915-2007), nguyên Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng, người có công trong việc bảo vệ thung lũng Mỹ Sơn cuối thập niên 1970.

Tôi lại lan man, rằng ai sẽ là tác giả của những công trình? Chuyện có vẻ nhỏ mà lại lớn. Bởi ai cũng biết, ở nước ta, chưa có nhiều điêu khắc gia tài năng.

Trong nhiều năm qua, cũng đã có những tượng đài và công trình điêu khắc, nhưng sau khi hoàn thành, lại không “được con mắt” chút nào. Tất nhiên, các công trình như thế, tiền bạc bỏ ra phải lên đến nhiều tỷ đồng!

Cũng chuyện nghe ở vỉa hè, mà nghe cũng có lý. Rằng Quảng Nam sẽ chọn những nhân vật xứng đáng đã góp công cho mảnh đất này suốt chiều dài lịch sử xứ Đàng Trong để dựng tượng.

Thực hiện, thì hẳn nhiên là không quá tốn kém. Liệu có thể mở những cuộc thi sáng tác về điêu khắc để dần dần có được những tác phẩm thực sự để đời?

Mọi sự đều tùy thuộc ở cách chọn lựa. Chọn đúng sẽ để lại những dấu ghi thơm thảo cho đời sau.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu ghi thơm thảo cho đời sau
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO