Sản xuất công nghiệp tiếp tục tăng trưởng, ngân sách sẽ vượt thu… Đó là những dự báo lạc quan về kinh tế Quảng Nam được đề cập tại phiên họp UBND tỉnh thường kỳ tháng 9.2018 do Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang và Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu chủ trì hôm qua, 1.10.
Sản xuất công nghiệp Quảng Nam phục hồi nhanh. Ảnh: T.D |
Dấu hiệu lạc quan
Nhiều con số thống kê đều cho thấy dấu hiệu lạc quan của nền kinh tế Quảng Nam trong vòng 9 tháng qua. Ông Đặng Phong – Giám đốc Sở KH&ĐT nói không như những tháng đầu năm, tháng 9, dấu hiệu phục hồi rất rõ khi sản xuất công nghiệp đã có những bứt phá. Hy vọng diễn biến kinh tế sẽ tốt hơn và đạt được tăng trưởng đề ra.
Theo thống kê của Sở KH&ĐT, chỉ số sản xuất công nghiệp tháng 9 đã tăng 28,4% và 9 tháng qua đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Những sản phẩm chủ lực của Quảng Nam như sản xuất đồ uống, hàng may sẵn, điện tử, máy vi tính, hàng giày da (và sản phẩm có liên quan), chế biến gỗ và sản phẩm từ mây tre, nứa… đều tăng trưởng mạnh. Không chỉ gia tăng sản xuất, chỉ số tiêu thụ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng đã tăng gấp 3,3 lần. Tiêu thụ mạnh nhất phải kể đến là các ngành chế biến và bảo quản thủy sản (tăng 39%), sản xuất hàng may sẵn tăng hơn 57%; cưa, xẻ, bào gỗ và bảo quản gỗ tăng 45%, sản xuất các sản phẩm từ cao su tăng 23%, sản xuất cấu kiện kim loại tăng 86% và sản xuất xe có động cơ tăng 26%. Đáng chú ý, chỉ số tồn kho đã giảm đến 4,5% so với cùng kỳ năm trước, cho thấy thị trường sản xuất công nghiệp Quảng Nam đã dần được mở rộng hơn. Lượng lao động gia nhập các nhà máy, xí nghiệp… cũng tăng hơn 2,6 lần so cùng kỳ năm trước. Tăng cao nhất ở các ngành sản xuất đồ uống (gấp 3 lần), sản xuất từ khoáng phi kim loại (gần 23%) và sản xuất trang phục (tăng 11%). Dự báo, sản xuất công nghiệp tiếp tục phát triển tốt do nhu cầu mua sắm tăng cao vào dịp cuối năm và một số nhà máy, dự án sản xuất công nghiệp được đưa vào hoạt động sản xuất.
Thương mại và dịch vụ trong tháng 9 vẫn giữ mức phát triển ổn định khi tăng hơn 9,8%. Chiếm tỷ trọng nhiều nhất thuộc về ngành hàng thương nghiệp khi chiếm đến 68% và lưu trú, ăn uống chiếm 24,2%. Sản xuất nông nghiệp cũng không thua kém. Ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nói sản xuất nông, lâm, thủy sản ổn định, duy trì được tốc độ phát triển tương đương với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến giá trị sản xuất toàn ngành năm 2018 sẽ hơn 13.540 tỷ đồng, tăng 4%. Sản xuất, kinh doanh phát triển đã đẩy nhanh tốc độ thu ngân sách tăng đột biến. Ước tính đến ngày 30.9, tổng thu nội địa đã đạt 13.760 tỷ đồng, gần bằng 89% (tăng 34,7% so cùng kỳ năm ngoái) và thu xuất nhập khẩu cũng hơn 3.350 tỷ đồng, gần bằng 80% dự toán.
Những điểm trừ
Một thống kê khác cũng cho thấy cho dù tổng dư nợ cho vay nền kinh tế tăng gần 14% so đầu năm nhưng nợ xấu vẫn còn 1%, và nợ xấu cho vay đóng tàu theo Nghị định 67 chiếm đến 26,7%/tổng nợ xấu. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 41,5% so cùng kỳ và vốn đầu tư thuộc nguồn vốn nhà nước quản lý giảm 20% (6.483 tỷ đồng), nhưng tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư lại đạt quá thấp so với kế hoạch được giao khi chỉ đạt 55%. Một dấu hiệu đáng lo khác phải kể đến là số doanh nghiệp gia nhập thị trường tăng (1.022 doanh nghiệp), nhưng số lượng doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, giải thể đã lên đến gần 2.000 doanh nghiệp, vượt xa con số doanh nghiệp thành lập mới. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Ngọc Quang nói cần có một hội nghị chuyên đề để đánh giá việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân. Ưu tiên liên thông số 1 về hồ sơ đất đai hay một khung giá đất cụ thể. Chính điều này sẽ quyết định tháo gỡ các nút thắt của các dự án (kể cả bồi thường, giải phóng mặt bằng, BT hay sự đồng thuận của người dân, doanh nghiệp).
Theo ông Đặng Phong – Giám đốc Sở KH&ĐT, cơ chế 67 về hỗ trợ vay vốn đóng tàu là một chủ trương lớn, đầy tính nhân văn của Nhà nước, nhưng thực hiện trên thực tế không giống như kỳ vọng. Rất cần một phân tích cụ thể để mổ xẻ những điểm yếu của chương trình này tại Quảng Nam. Ngay cả việc thu ngân sách từ FDI cũng gia tăng, nhưng ông Phong cho rằng quản lý thu từ FDI chưa tương xứng với tài nguyên giao cho doanh nghiệp sử dụng. Sở sẽ trình các giải pháp, chống chuyển giá để có thể thu được tiềm năng từ khu vực này.
Những thống kê trên cho thấy hiện vẫn còn không ít điểm yếu của nền kinh tế Quảng Nam. Tuy nhiên, sự lạc quan của nền kinh tế địa phương là điều đã được nhìn thấy. Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói tăng trưởng đã thực sự nổi bật ở tất cả ngành nghề. Không như năm 2017, liên tục trong vòng một quý III, tháng nào cũng họp, cũng bàn đến chuyện phát triển kinh tế, thu ngân sách. Năm này có thể an tâm với mục tiêu, định hướng đề ra. Khả năng từ nay đến cuối năm sẽ tăng trưởng ổn định. Không chủ quan, nhưng thực sự những chỉ số này thể hiện năng lực nội sinh của Quảng Nam từ nỗ lực phát triển của cộng đồng doanh nghiệp. “Tăng trưởng kinh tế hay tăng thu ngân sách cao đều do sự đóng góp của doanh nghiệp. Ưu tiên số 1 trong hiện tại vẫn là việc hỗ trợ doanh nghiệp duy trì, mở rộng sản xuất. Không thể để dự án đầu tư của doanh nghiệp chậm tiến độ vì sự thiếu trách nhiệm giải phóng mặt bằng của cơ quan quản lý, địa phương” - Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu nói.
TRỊNH DŨNG