Mở rộng không gian sinh tồn là yêu cầu bức thiết của các triều đại phong kiến. Đó là mệnh lệnh phải thực hiện để tồn tại và phát triển.
Nước ta có hình thể đặc biệt lại chịu áp lực thường xuyên của các thế lực phương Bắc, vừa rất to lớn lại vừa rất hiếu chiến luôn tìm mọi cách để xâm lăng các nước lân bang vì thế yêu cầu mở rộng không gian sinh tồn lại càng bức thiết hơn và chỉ bằng con đường duy nhất: tiến về phương Nam. Đúng vậy, “đi mãi về phương Nam là khát vọng của người Việt. Và chỉ khi vượt qua đèo Hải Vân, có được Quảng Nam (phương Nam rộng lớn) thì hành trình đó mới thật sự mở ra và khát vọng đó mới trở thành hiện thực”. Chính vì vậy, cuộc Nam chinh của vua Lê Thánh Tông và việc thành lập đạo Thừa tuyên thứ 13 với tên gọi Quảng Nam vào năm 1471 được lịch sử đánh giá là mốc quan trọng nhất của quá trình Nam tiến, đáp ứng tốt nhất cho khát vọng mở cõi của dân tộc ta.
Chiến dịch quân sự thần tốc
Chiến dịch bình Chiêm của vua Lê Thánh Tông chỉ diễn ra trong vòng chưa đầy 3 tháng. Nhận được lời cầu cứu của Phạm Văn Hiển ở Hóa Châu, ngày 6.11 Canh Dần (28.11.1470), nhà vua làm lễ xuất quân ở Đông Đô. Tiếp theo bộ binh, ngày 8.12.1470 đạo thủy quân của nhà vua cũng lên đường. Sau khi cho toàn quân ăn tết ở Hóa Châu, ngày mùng 3 Tết Tân Mão (25.1.1471), toàn quân ra trận tiền.
Ngày 28.1 (mùng 6 tết), đội quân tiên phong của tướng Cang Viễn đột nhập phòng tuyến Cu Đê tại triền nam đèo Hải Vân, đánh tan và bắt sống tướng Chiêm là Bồng Nga Sa. Đột phá khẩu đã mở, thủy quân tiến vào cửa biển Đà Nẵng. Ngày 27.2 giao tranh ở cửa Đại Áp, quân Chiêm thua to bỏ chạy về Đồ Bàn. Ngày 18.3, hạ thành Thị Nại, hôm sau tiến quân vây thành Đồ Bàn. Vua Chiêm bị bắt. Chiến dịch kết thúc. Ngày 20.3 vua ra lệnh hồi triều!
Chiến dịch toàn thắng nhanh nhờ được chuẩn bị kỹ lưỡng. Một là phải có cớ: Đó là việc quân Chiêm đánh thành Hóa Châu, tướng Phạm Văn Hiển phải cấp báo về kinh cầu viện. Thứ đến phải chuẩn bị dư luận: Nhà vua cho người sang “thông báo” cho nhà Minh việc “xâm lăng” của quân Chiêm và quyết định “chinh phạt” của mình. (Sau cuộc Nam chinh nhà Minh cho sứ sang đòi Đại Việt rút quân khỏi vùng đất mới chiếm, Lê Thánh Tông đã từ chối!). Nhà vua cũng đích thân thảo Bình Chiêm sách, bàn về sách lược đánh Chiêm với 10 lẽ tất thắng và 3 điểm nên đề cao. Sách được phổ biến rộng rãi.
Ngoài ra còn phải chuẩn bị một lực lượng hùng hậu bằng cách tuyển mộ hoàng đinh từ 15 tuổi trở lên bổ sung thành đội tinh binh 26 vạn. Rồi còn phải sai người vẽ bản đồ Chiêm Thành để tiện tiến quân, dừng lại ở Huế cho quân sĩ ăn tết và cho thủy quân ra biển tập luyện.
Khai sinh Quảng Nam
Chiếm xong Đồ Bàn, chiến trường còn ngổn ngang nhà vua đã vội vàng “hồi triều”. Vừa về đến nơi nhà vua đã ra lệnh làm “khai sinh” cho vùng đất mới: “Hồng Đức năm thứ 2 (1471) tháng 6, vua Lê Thánh Tông lấy đất Chiêm Thành vừa chiếm đặt làm đạo Thừa tuyên Quảng Nam, cộng trong nước làm 13 đạo thừa tuyên, danh từ Quảng Nam bắt đầu từ đấy” (Phan Khoang, Việt sử xứ Đàng Trong, Nxb Khai Trí 1967, trang 112). Trước đó, vào tháng 5.1471 nhà vua đã ra lệnh đúc chiếc ấn Quảng Nam Đẳng Xứ - Tán trị thừa tuyên - Sứ Ty Chi Ấn cho vùng đất mới này rồi. (Chiếc ấn hiện trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử TP.Hồ Chí Minh).
Đạo Thừa tuyên Quảng Nam gồm 3 phủ 9 huyện: Phủ Thăng Hoa gồm 3 huyện Lệ Giang (sau đổi thành Lễ Dương rồi Thăng Bình), huyện Hà Đông (Tam Kỳ, Tiên Phước), Hy Giang (Duy Xuyên); Phủ Tư Nghĩa gồm 3 huyện Nghĩa Sơn, Bình Sơn, Mộ Hoa; Phủ Hoài Nhơn gồm 3 huyện Bồng Sơn, Phù Ly và Tuy Viễn.
Đơn vị hành chánh mang tên Quảng Nam (lớn) này kéo dài suốt 332 năm (từ 1471 - 1803) dưới nhiều tên gọi khác nhau: Thừa tuyên (1471), Xứ (1490), Trấn (1520), Dinh (1602 - 1803).
Năm 1803, vua Gia Long đã chia Dinh Quảng Nam lớn thành 3 đơn vị nhỏ: Hai phủ Điện Bàn và Thăng Hoa nhập lại lấy tên là dinh Quảng Nam (nhỏ), phủ Tư Nghĩa thành dinh Quảng Ngãi, phủ Quy Nhơn (Hoài Nhơn) thành dinh Bình Định.
Ý nghĩa to lớn
“Ý chí quyết thắng của quân dân ta đã đưa đến một chiến thắng lớn lao nhờ đó không những ta giữ yên được châu Hóa, khôi phục bốn châu Thăng, Hoa, Tư, Nghĩa mà còn nới rộng bờ cõi đến miền Vijaya (Hoài Nhơn - Bình Định). Họa người Chiêm mới chấm dứt vĩnh viễn!” (Phan Du - Quảng Nam trong tiến trình mở cõi).
“Đánh được Chiêm thành rồi thanh thế nước Nam lừng lẫy, nước Lào và các mường ở phía tây đều về triều cống cả” (Trần Trọng Kim, Việt Nam Sử lược, Nxb Tân Việt, Sài Gòn 1958, trang 249).
Vùng “phương Nam rộng lớn” (Quảng Nam) này được Nguyễn Hoàng đánh giá: “Phía bắc có Hải Vân, Thu Bồn hiểm trở, phía Nam có núi Thạch Bi vững bền; núi có vàng sắt, biển có cá muối, thật là đất dụng võ của kẻ anh hùng…”.
Đời sau vẫn cho rằng việc đặt tên Quảng Nam cho vùng đất mới chiếm (đạo Thừa tuyên thứ 13) là một ý tưởng thiên tài, vừa thể hiện một thực tế, vừa nói lên một khát vọng lại vừa dự báo cho một tương lai.
Thực vậy phải mất 237 năm, từ trận chiến 1069 đến sau đám cưới của Huyền Trân (1306), vừa bằng chiến tranh vừa bằng “ngoại giao hôn nhân” nước ta mới có được vùng đồng bằng Bình Trị Thiên khô cằn (từ đèo Ngang đến đèo Hải Vân) chỉ dài chưa đầy 200km đường chim bay với diện tích chỉ khoảng 18.000km2. Trong khi chỉ một chiến dịch 86 ngày đêm vua tôi nhà Lê đã chinh phục được một “phương Nam rộng lớn” với dải đồng bằng màu mỡ kéo dài hơn 350km với diện tích gần 28.000km2 chạy dài từ đèo Hải Vân đến đèo Cả.
Và cũng từ cái bàn đạp “phương Nam rộng lớn” này, các chúa Nguyễn đã đẩy nhanh công cuộc Nam tiến, mở rộng bờ cõi đến tận Cà Mau thực hiện một cách đầy đủ ý nghĩa và khát vọng của từ “Quảng Nam”.
Không những được “thừa kế” tên Quảng Nam do vua Lê Thánh Tông “khai sinh”, người Quảng Nam còn tự hào nhiều “dấu ấn” do nhà vua để lạị, đó là danh xưng Thiên hạ Đệ nhất hùng quan (tên đèo Hải Vân), hai bài thơ Thu Bồn dạ bạc và Hải Vân hải môn lữ thứ, cùng hàng trăm ngôi làng được thành lập (sau 1471) làm cho vùng đất này thực sự khởi sắc để chỉ một thời gian ngắn sau đã thấy: “nhân dân đông đúc, nhà cửa xinh tươi, xóm làng vui vẻ…” (Ô châu cận lục, Dương Văn An - 1553).
550 năm sau, để chọn một vị tiền hiền cho Quảng Nam nói riêng, vùng Nam Trung Bộ nói chung người ta không ngần ngại tôn vinh vua Lê Thánh Tông, người đã thực hiện một bước quan trọng “khát vọng Nam tiến”, mở ra một “phương Nam rộng lớn” cho đất nước.