Đầu nguồn

HOÀNG QUÝ 01/02/2014 15:34

(Xuân Giáp Ngọ) - Tôi lớn lên, gắn bó một thời thơ trẻ với chợ Trung Phước, từ những năm đầu kháng chiến chống Pháp. Ngày ấy cả thung lũng phía tây Quế Sơn chỉ có cái chợ đầu nguồn này. Sau lưng chợ có ngôi đình làng với những hàng cột uy nghi, mái ngói âm dương. Trước sân đình rộng thênh thang, lót gạch màu đỏ nâu. Những cây sứ trắng trong sân đình tỏa hương ngào ngạt. Nơi ấy cũng là sân chơi duy nhất của bọn trẻ ở đây.

Mua bán nhộn nhịp ở chợ Trung Phước. Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Mua bán nhộn nhịp ở chợ Trung Phước. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Chợ họp từ sáng tới chiều, nhưng đông đúc nhất vẫn là buổi sáng. Chợ nằm phía hữu ngạn sông Thu Bồn. Ghe thuyền từ các làng xuôi ngược về đây mua bán. Họ từ các làng Tý, Sé, Thạch Bích, Đá Ngang, Dùi Chiêng, Phú Gia, Đông An, Khánh Bình, Xuân Hòa xuôi dòng chở theo hàng nông sản: đậu, bắp, mật ong, rau quả… Những người đi đường bộ phải gánh gồng qua truông Nà Thuận, qua đò Nông Sơn mới về đến chợ Trung Phước. Ở các làng Phường Rạnh giáp ranh với Duy Xuyên muốn về chợ Trung Phước mua bán phải ngược dòng hoặc gánh hàng hóa qua truông Phường Rạnh, lội qua Khe Le... Ở miệt này chuyên bán dầu rái và những thứ nông sản khác. Khách hàng đông nhất vẫn là cư dân ở Trung Phước và Đại Bình. Đại Bình ở phía tả ngạn, nơi cung cấp cho chợ đủ các loại rau xanh, hoa quả và đường bát. Phía sau chợ là cánh đồng  phì nhiêu, kéo dài từ đồng chợ đến Tây Viên, Trung Lộc, Phước Bình đến tận chân đèo Le. Nơi đây từng là vựa lúa nuôi quân trong các cuộc kháng chiến.

Sáng sớm tinh mơ, trên con đường băng qua cách đồng còn đọng những giọt sương đêm lóng lánh, nhiều người đã gánh nông sản, nhiều nhất là trái thơm (dứa) ra chợ. Hồi đó thơm được trồng trên nương rẫy vùng Quế Lộc, trái to, ngọt, có mùi vị riêng đặc trưng. Sau này thơm trồng ở Tây Viên, Phước Bình, năng suất tăng nhiều, đưa ra chợ khiến nơi đây thành đầu mối, lâu dần gọi nên tên chợ Thơm. Còn chợ Trung Phước hồi đó bán những đồ gốm như nồi, niêu, trã, trách, bếp lò, lu, ảng đựng nước…Nhiều hàng gốm thô sơ được sản xuất từ Đông Phú đem qua. Những người buôn bán hàng này phải vượt đèo Le mới về đến chợ Trung Phước. Phương tiện giao thông không có, việc lưu thông hàng hóa chỉ nhờ vào đôi vai nhọc nhằn.

Trong kháng chiến chống Pháp, chợ Trung Phước nhiều lần bị bom xăng của giặc đốt phá. Tuy vậy dòng chảy cuộc sống vẫn không ngừng dù có lúc chợ phải họp ban đêm. Quãng năm 1949, 1950, dân chúng từ các huyện Duy Xuyên, Đại Lộc, Điện Bàn tản cư lên cư ngụ trong vùng này khá đông. Nhu cầu chợ búa càng nhiều hơn. Chợ được dời về phía sau đình, chạy dài từ dốc Nguyệt đến ngã ba cây Muồng. Hai bên đường là chợ, nhà dân, hàng quán mọc lên như nấm, hàng hóa bày bán la liệt. Những tiệm may đồ tây, tiệm đóng giày, dép lốp xe, có cả hai tiệm sách bày bán đủ loại sách trong thời chiến. Ngày ấy Trung Phước trở thành ngã tư của Liên khu 5, điểm gặp gỡ các con đường từ Nam ra Bắc, lên Trường Sơn xuống đồng bằng. Vì thế chợ mỗi ngày càng phồn thịnh, hàng hóa càng nhiều hơn.

Ngày nay chợ Trung Phước vẫn trụ vững giữa thung lũng xanh, thủ phủ của huyện Nông Sơn. Chợ Trung Phước gần như không thiếu loại hàng hóa nào, từ con bu-lông đến điện máy, vật dụng trang trí nội thất, vật liệu xây dựng… Mỗi ngày chợ Trung Phước có nhiều chuyến xe đò lưu thông tuyến Trung Phước - Đà Nẵng, Trung Phước - Tam Kỳ, có hai chuyến xe giường nằm đi Sài Gòn và ngược lại. Các con đường liên xã, liên thôn được bê tông hóa khiến việc vận chuyển hàng hóa tiện lợi hơn nhiều.

Từ khi huyện Nông Sơn được thành lập đến nay, chợ Trung Phước đã được tân trang sinh sắc hơn. Ai xa quê hương có dịp quay về sẽ không khỏi ngạc nhiên về sự phát triển chưa từng thấy của chợ Trung Phước nơi đầu nguồn mà lòng tôi mãi nhớ thương.

HOÀNG QUÝ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu nguồn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO