Đâu phải thừa thầy!

NGUYỄN ĐIỆN NAM 05/11/2023 06:56

Câu cửa miệng “thừa thầy thiếu thợ” có thể phản ánh đúng thực trạng nhiều lĩnh vực, nhưng trong ngành giáo dục thì lại đang thiếu… thầy. Điều này được nêu ra trên diễn đàn Quốc hội, gây nên nhiều tâm tư.

Theo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn, hiện cả nước thiếu hơn 127.000 giáo viên và số này gia tăng không ngừng bởi số lượng học sinh năm học này tăng lên rất nhiều. Đã thiếu trầm trọng vậy mà Bộ trưởng Sơn còn cho biết tính đến tháng 9/2023, cả nước có hơn 17.000 giáo viên nghỉ việc, chuyển việc.

Trong bối cảnh như vậy, Quảng Nam cũng gặp tình trạng tương tự. Thống kê vào tháng 5/2023 cho thấy trên địa bàn tỉnh lúc đó có 14.897 giáo viên, trong khi nhu cầu năm học 2023 - 2024 là 17.099 giáo viên, còn thiếu 2.202 giáo viên. Trước đó, hồi đầu năm 2023, theo báo cáo UBND tỉnh gửi Bộ GD&ĐT, trong 3 năm từ năm 2020 đến năm 2022, có 200 giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục trên địa bàn tỉnh xin nghỉ việc.

Mới đây, trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Dương Văn Phước của Quảng Nam lại tiếp tục nêu lên thực trạng “làn sóng” giáo viên nghỉ việc chưa dừng lại. Ông Phước cũng cho biết, qua giám sát Nghị quyết 88 của Quốc hội, hiện nay tình trạng tinh giản biên chế cơ học, cào bằng 10% với ngành đặc thù như giáo dục là chưa khoa học, trong khi quy định của ngành giáo dục rất rõ về tỷ lệ giáo viên trên lớp. Như thế sẽ không dễ giải quyết ngay chuyện thiếu giáo viên.

Hẳn nhiên dễ nhận thấy là phía núi của Quảng Nam đối mặt với thực trạng thiếu giáo viên - vấn đề cam go, kéo dài nhiều năm chưa giải được. Vùng núi của tỉnh rất rộng, địa hình phức tạp, nhiều nơi đặc biệt khó khăn về kinh tế, xã hội, nên tình trạng thiếu giáo viên nghiêm trọng hơn; nhiều giáo viên xin chuyển công tác về xuôi, trong khi việc tuyển mới là rất khó do không có nhiều người đăng ký dự tuyển.

Giám sát của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh còn nêu hiện tượng đáng lo là có người trúng tuyển giáo viên cũng bỏ việc, không nhận công tác ở các khu vực khó khăn này. Thêm một khó khăn đặc thù của miền núi là với hai môn Tin học và Ngoại ngữ, khi tuyển dụng chỉ nhận được rất ít hồ sơ, bởi 2 bộ môn này có nhiều cơ hội việc làm ở vùng thuận lợi hơn.

Để giải quyết câu chuyện thiếu giáo viên chắc chắn cần hệ thống chính sách, giải pháp đồng bộ từ trung ương đến địa phương, của ngành giáo dục và cả chính quyền sở tại.

Bộ Nội vụ xác định trong năm 2023 - 2024 đã giao hơn 27.800 chỉ tiêu tuyển dụng biên chế giáo viên cho các tỉnh, nhưng so với số lượng thiếu thì chỉ mới đáp ứng chừng 1/5. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn lưu ý trước mắt các tỉnh cần tuyển hết số chỉ tiêu đó.

Giải pháp căn cơ là cần điều chỉnh lương, chế độ chính sách... cho giáo viên, nhất là cho giáo viên miền núi. Nếu lương quá thấp không đủ nuôi mình thì giáo viên sao nuôi được con cái, không an tâm công tác nên nhiều người xin nghỉ, hoặc xin chuyển việc.

Giải pháp về đào tạo giáo viên cho miền núi, như Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Lê Văn Dũng từng nói, vấn đề căn cơ phải là xây dựng đội ngũ giáo viên người địa phương, còn người Kinh lên công tác lâu dài dù có chính sách đãi ngộ vẫn khó an tâm công tác.

Rõ ràng là còn khá bộn bề nỗi lo cho sự nghiệp giáo dục. Giải quyết chuyện thiếu giáo viên chỉ là một phần, còn cần nhiều việc phải làm nữa để giáo dục phát triển. Chẳng hạn với miền núi, vùng đặc biệt khó khăn còn phải lo xóa đói giảm nghèo, tìm sinh kế, dạy nghề, dạy chữ, đầu tư hạ tầng dân sinh, phục vụ công cộng, trong tâm thế phải tính phòng tránh rủi ro thiên tai, sạt lở núi, lũ quét... Cần giải pháp đồng bộ mới tạo căn cơ cho giáo dục, trên nền tảng ổn định đời sống dân cư lâu dài cho miền núi.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đâu phải thừa thầy!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO