Để đạt sự chuẩn mực, trong sáng của một câu văn, đoạn văn, văn bản nào đó… cần nhiều yếu tố thì việc sử dụng những dấu chấm câu hợp lý là điều không thể thiếu. Nếu người viết không rõ ràng (bắt đầu trong lúc suy nghĩ) từng câu văn mà mình sắp ghi chép, tường thuật… thì sẽ gây không ít “lòng thòng” đến bạn đọc. Ví dụ một câu như sau:
Một nhà văn, người miền Bắc, đến tham quan Đô thị cổ Hội An, lần đầu tiên, đã nhận xét, rằng cả thành phố này, là một viện bảo tàng.
Một câu văn tưởng chừng rất tách bạch, nhưng khi đọc lên cảm thấy có cái gì đó không thật êm ru, tròn trịa. Vì câu văn trên không cần một dấu phẩy nào cả.
Thêm một ví dụ nữa:
Bên trong, căn phòng được trang hoàng lộng lẫy và sang trọng.
Nếu không có dấu phẩy sau chữ “trong” người đọc dễ nhầm lẫn “bên trong căn phòng”. Dấu phẩy làm người đọc hiểu “bên trong” là trạng ngữ chứ không phải giới từ và “căn phòng” chính là chủ ngữ của câu.
Ngoài ra, đừng dùng dấu phẩy giữa hai mệnh đề chính trừ khi các mệnh đề ấy được nối với nhau bằng các tập hợp liên từ: và, nhưng, hay (hoặc), bởi vậy, tuy nhiên, vả lại v.v. Dùng dấu phẩy giữa hai mệnh đề chính mà không dùng tập hợp liên từ làm câu văn mắc phải cái lỗi phẩy sai:
Ví dụ:
Dòng nước chảy rất xiết, hắn không sao bơi được vào bờ.
Sửa lại: Vì dòng nước chảy rất xiết, nên hắn không sao bơi được vào bờ.
Tóm lại chúng ta nên đặt dấu phẩy trước các tập hợp liên từ nhưng không nên đặt dấu phẩy sau các liên từ và, nhưng, bởi, đồng thời v.v.
Nhắc đến liên từ, chúng ta cần ôn lại: Có hai thứ liên từ là tập hợp liên từ và phụ thuộc liên từ.
Tập hợp liên từ là nối tiếp nhiều tiếng hoặc nhiều mệnh đề với nhau, nhưng không thiết lập một ý nghĩa phụ thuộc:
Sự cộng lại: và, vừa… vừa, cả…lẫn, cũng như, chẳng kém gì, không những… mà còn v.v.
Sự luân lưu: hay là, hoặc, nếu không v.v.
Sự tương phản: nhưng mà, tuy vậy, song le, tuy vậy, tuy nhiên, ngoại trừ, còn như, trái lại v.v.
Sự suy luận: vì lẽ ấy, bởi vậy cho nên, vậy thì, bởi thế, vì thế v.v.
Phụ thuộc liên từ là thiết lập một sự phụ thuộc giữa hai hay nhiều mệnh đề: Ta có thể lượt qua một số liên từ làm nhiệm vụ như: Liên từ chỉ duyên cớ: bởi vì, vì chưng, tại vì v.v. Liên từ chỉ mục đích: cốt để, sợ rằng v.v. Liên từ chỉ điều kiện: trừ phi, miễn là, với điều kiện là v.v.
Ví dụ một câu sử dụng nhiều liên từ:
Vì phân tích cú pháp tiếng Việt theo kiểu ngữ pháp châu Âu, sách dạy tiếng Việt ở trường phổ thông chỉ miêu tả và phân tích những kiểu câu nào hoàn toàn giống câu tiếng Pháp, tức khoảng không đến 30% trong các kiểu câu thông dụng trong tiếng Việt mà đồng bào ta vẫn nói hàng ngày, trong khi hơn 70% kiểu câu còn lại, đều hết sức thông dụng trong tiếng nói hàng ngày, trong văn xuôi và văn vần hiện đại cũng như trong thơ ca cổ điển và trong ca dao tục ngữ, thì học sinh chưa từng được học cách phân tích, ngay cả ở các lớp chuyên ban và ở đại học. (Trích Linh hồn tiếng Việt trong tập sách Tiếng Việt, văn Việt, người Việt Cao xuân Hạo, tr. 33).
Cố giáo sư Cao Xuân Hạo, nhà ngôn ngữ học hàng đầu của Việt Nam đã viết một câu dài ngoằng; trong đó kết nối câu cũng là nhờ những liên từ. Nói như thế để thấy liên từ quan trọng vô cùng. Nó là thành tố không thể nào thiếu trong các văn bản của tiếng Việt hiện hành. Hiện nay trên internet, mạng xã hội… đang lưu hành những câu què, câu cụt và nhất là người viết sử dụng dấu chấm câu tắc trách, trong đó có dấu phẩy.
ĐÌNH QUÂN
(Bài viết có tham khảo: Văn pháp Việt Nam, Văn phạm anh văn v.v.)