Không sử dụng thuốc trừ sâu và phân hóa học trong sản xuất, rau hữu cơ ở Hội An là lời giải cho bài toán về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, gắn với trách nhiệm của cộng đồng và hướng đến du lịch.
Không đủ cung
Gần 2 năm qua, đầu bếp Trần Thanh Đức, chủ của chuỗi 3 nhà hàng Xoài tại Hội An đã đặt hàng sử dụng sản phẩm rau hữu cơ Hội An. Hiện sống tại Cẩm Thanh, gần với làng rau hữu cơ Thanh Đông, Trần Thanh Đức mong muốn tất cả khách hàng sử dụng các món ăn tại nhà hàng được đảm bảo chất lượng. “Hương vị địa phương đặc trưng, sản phẩm an toàn, chất lượng tốt là những yếu tố hàng đầu để chúng tôi sử dụng rau hữu cơ. Cung cấp cho khách thức ăn tươi là yêu cầu tiên quyết và tôi ủng hộ nông dân địa phương với cách sản xuất này” - đầu bếp Trần Thanh Đức chia sẻ.
Được biết, trước đây chuỗi nhà hàng của Trần Thanh Đức đặt trung bình 15kg rau gia vị các loại, 8kg rau ăn lá/tuần, bao gồm các loại rau húng, hành lá, cải mầm, ngò ta, xà lách, cải xanh, muống... Đều đặn sáng thứ 2, 4, 6, nhân viên nhà hàng xuống tận Thanh Đông vận chuyển rau lên. Sau một năm, nhà hàng của Trần Thanh Đức sử dụng rau 6 ngày/tuần. Được ăn các món chế biến từ rau hữu cơ Hội An tại một nhà hàng, hai bạn Daniel và Tommy (du khách nước Anh) bày tỏ: “Chúng tôi dùng rau này thấy thơm, giòn và yên tâm vì được cho biết đây là rau sản xuất theo quy trình nghiêm ngặt”.
Du khách trải nghiệm tại vườn rau hữu cơ Hiền Đông.Ảnh: Q.HẢI |
Tại Hội An, hiện có hàng chục nhà hàng, một số trường học đăng ký mua, một số điểm cũng bán rau hữu cơ mỗi ngày. Tham gia sản xuất rau hữu cơ hơn nửa năm qua, bà Nguyễn Thị Đông (vườn rau hữu cơ Hiền Đông tại khối An Mỹ - phường Cẩm Châu) ngày nào cũng cung cấp rau cho Trường Tiểu học Lý Tự Trọng và chợ Bà Lê. Bà Đông kể: “Mình tự tin vì học sinh và cán bộ ăn rau của mình thường xuyên. Bữa nào cũng chở rau ra chợ Bà Lê sau một tiếng là hết”. Hiện nay, giá rau hữu cơ đắt hơn rau bình thường khoảng 20% nhưng do sản lượng còn ít nên tiêu thụ rất tốt, cung không đáp ứng đủ nhu cầu. Theo Phòng Kinh tế Hội An, hiện có hơn 300 địa chỉ trong và ngoài thành phố đăng ký mua nhưng chưa được cung cấp.
Nông nghiệp bền vững
Dự án trồng rau củ hữu cơ tại Hội An triển khai giữa năm 2014 với chỉ hơn 1.200m2 của 8 hộ tham gia. Đến năm 2015, vùng trồng rau tăng thêm 6.000m2. Hiện có các nhóm sản xuất rau hữu cơ tại Hội An như Thanh Đông - Cẩm Thanh với 9 hộ tham gia 10.000m2; Hiền Đông, An Mỹ - Cẩm Châu (1 hộ, 500m2) và nhóm Cánh Én - Cẩm Thanh có 4 hộ, sản xuất 2.000m2. Sản lượng rau hữu cơ 4 tháng đầu năm 2016 đạt khoảng 4.470kg, thu nhập hơn 77,5 triệu đồng. Ngoài ra còn có hơn 1.000kg rau hữu cơ được các nhóm bán tại vườn. Hiện Hội An đã lập đề án mở rộng các mô hình sản xuất rau hữu cơ với hàng chục héc ta tại làng rau Trà Quế - xã Cẩm Hà. |
Trung tâm Hành động vì sự phát triển đô thị - ACCD, tổ chức trực tiếp hỗ trợ nông dân sản xuất rau hữu cơ tại Hội An cho biết, giá rau hữu cơ được hiệp thương giữa các bên, đảm bảo đến tay người dùng cùng mức giá, nếu thay đổi giá phải hiệp thương lại. Do đó không có chuyện tự nâng giá khi khan hiếm sản phẩm. Rau bán ra thị trường đều được kiểm tra và dán nhãn chứng nhận thông qua Hệ thống bảo đảm cùng tham gia (PGS). Bà Đặng Hương Giang - Giám đốc ACCD nói: “Ngoài sự giám sát của PGS, các hộ nông dân cũng tham gia kiểm tra, giám sát lẫn nhau, đảm bảo rau sản xuất phải đáp ứng 4 tiêu chí là không dùng phân hóa học, không dùng thuốc hóa học, không sử dụng thuốc kích thích sinh trưởng và không biến đổi gen. Các hộ trồng rau được chia làm nhiều nhóm, nếu PGS phát hiện 1 hộ không tuân thủ quy trình kỹ thuật trồng rau hữu cơ, cả nhóm sẽ bị phạt, thậm chí thu hồi chứng nhận”.
Cho đến nay, chuỗi giá trị của rau hữu cơ ngày càng mở rộng khi sản phẩm được hệ thống nhà hàng, trường học và người dân sử dụng; quy trình sản xuất được du khách, học sinh tham quan, trải nghiệm; giữa nhà quản lý với hộ, nhóm sản xuất có mối quan hệ tương tác; các doanh nghiệp du lịch cũng đầu tư khai thác tour tuyến tham quan... Để quản lý, giám sát chất lượng cho sản phẩm hữu cơ, TP.Hội An đã thành lập Ban điều phối lâm thời PGS Hội An gồm 15 thành viên, đại diện cho các tổ chức nhà nước, các cơ quan kỹ thuật, tổ chức chính trị - xã hội, phi chính phủ, doanh nghiệp, hộ nông dân và người tiêu dùng. Đến nay, Ban điều phối đã xây dựng các quy chế hoạt động, quy trình thanh tra cấp chứng nhận cũng như xây dựng nhãn hiệu “Hội An organic” cho các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại Hội An nói chung và chứng nhận PGS Hội An để cấp chứng nhận cho các sản phẩm hữu cơ tại Hội An. Cùng với đó, Phòng Kinh tế Hội An đã phối hợp với Phòng Thương mại - du lịch vận động các doanh nghiệp xây dựng chương trình tour tham quan, mở các lớp dạy nấu ăn ngay tại các nhóm hộ sản xuất. “Đối với Hội An, chỉ có thể đưa ra những sản phẩm an toàn thì mới có thể phát triển nông nghiệp bền vững được. Đây cũng chính là lời giải cho bài toán về nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp gắn với bảo vệ môi trường, nông nghiệp gắn với trách nhiệm của cộng đồng và nông nghiệp hướng đến du lịch. Thêm nữa, đây là tiền đề quan trọng cả về nhận thức, năng lực sản xuất, năng lực quản lý để phát triển mạng lưới nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn trong thời gian đến” - bà Nguyễn Thị Vân, Trưởng Phòng Kinh tế Hội An khẳng định.
QUỐC HẢI