Dầu rái Đại Lộc - một thời vang bóng

HOÀNG LIÊN 07/04/2020 15:42

Các xã Đại Thạnh, Đại Chánh (Đại Lộc) từng nổi danh với sản vật là cây dầu rái. Trải qua thời gian, đặc sản dầu rái đã giảm dần giá trị và thương hiệu, nghề khai thác dầu rái nơi những cánh rừng cũng bấp bênh bởi giá cả, đầu ra không mấy thuận lợi...

Ông Đỗ Thế Hảo, một tiểAu thương có hơn 30 năm thu mua, sơ chế và xuất bán dầu rái ở Đại Thạnh. Ảnh: HOÀNG LIÊN
Ông Đỗ Thế Hảo, một tiểAu thương có hơn 30 năm thu mua, sơ chế và xuất bán dầu rái ở Đại Thạnh. Ảnh: HOÀNG LIÊN

Vàng son một thời

Dầu rái (tên khoa học Dipterocarrpus alatus Roxb. ex G.Don, thuộc họ dầu), có tên khác là dầu con rái, dầu nước, có công dụng để trát ghe thuyền, thúng mủng, dùng làm đèn đuốc, có nhiều lợi ích, còn được sử dụng trong các công trình xây dựng, đóng đồ mộc, chế biến vecni, sơn, mực in, gắn kính. Lá, hoa, vỏ cây có thể tinh chế tanin và dược liệu. Loài cây này phân bố rất nhiều ở các cánh rừng già vùng Đại Chánh, Đại Thạnh. Thời Nguyễn, dầu rái được ví như một sản vật nổi tiếng của núi rừng phương Nam, như một loại thuế đặc biệt phải cống nộp cho triều đình. Thời kỳ Pháp thuộc, dầu rái vẫn là một loại “sưu cao, thuế nặng”. 

Nghề khai thác dầu rái ở Đại Lộc từng đem lại cơm ăn, áo mặc cho người dân một thời. Vùng An Bằng, xã Đại Thạnh từng có nhiều gia đình sở hữu diện tích dầu rái lớn. Mỗi năm, trừ các tháng mưa, lũ lụt, các tháng còn lại trong năm, người dân nơi đây rủ nhau vào rừng khai thác dầu, tức là mủ (nhựa dầu) rỉ ra từ những cây dầu ở độ tuổi trưởng thành.

Bến Dầu - bến chợ Đại Thạnh, nằm sát sông Thu Bồn từng là nơi giao thương hàng hóa giữa miền xuôi và miền ngược, đặc sản chính vẫn là dầu rái. Dầu rái còn là “cây xóa đói giảm nghèo”, là “của hồi môn” cha mẹ, ông bà để lại cho con cháu...

Ông Lê Xuân Hiền (thôn An Bằng) từng có gần 40 năm khai thác dầu rái. Ngày trước, khi dầu có giá cả và đầu ra tốt, cả làng An Bằng và nhiều vùng lân cận, người dân ồ ạt vào rừng khai thác dầu. Hiện giờ, lớp người như ông Hiền trở về trước chẳng mấy ai còn sức để vào rừng khai thác dầu, bởi đường quá gian nan. Một phần, giá dầu biến động, đầu ra nhỏ giọt, cây dầu rái mất đi thời kỳ vàng son. 

Trôi nổi làng nghề

Ông Nguyễn Hùng (thôn 4, Đại Thạnh) cho biết, nghề khai thác dầu rái rất cực nhọc, chưa kể nguy hiểm đến tính mạng. Bởi để tới rừng dầu rái, phải đi qua lòng hồ Khe Tân, rồi lên Khe Mài, thuộc núi Hố Cua với những con dốc dựng đứng, đầy sỏi đá, qua 3 - 4 con suối nhỏ, hoặc đi theo đường mòn. Ông Hùng cũng được giao quản lý rừng dầu rái từ ông bà, cha mẹ mình để lại. Nhưng con cháu ở đây giờ chẳng mấy ai vào rừng dầu nữa...

Bà Phạm Thị Bảy (thôn Tây Lễ, Đại Thạnh) chia sẻ, ở đây xưa kia không nhà nào là không sống dựa vào cây dầu rái, dù không khá giả nhưng vẫn có cái ăn, cái mặc cho gia đình.

Bà Lê Thị Phụng (61 tuổi, sống gần chợ Bến Dầu) kể, dù sở hữu vùng dầu rái bạt ngàn, nhưng ở đây chẳng ai giàu lên từ cây dầu rái cả, ngay cả thời điểm dầu bán rất chạy cũng vậy. Nay, chỉ những lúc nông nhàn, vài người dân thỉnh thoảng vẫn vào rừng khai thác dầu về bán cho thương lái trên địa bàn để trang trải cuộc sống. Giá trị mỗi thùng dầu rái chỉ còn 1/2, thậm chí 1/3 so với trước, tầm 300 - 400 nghìn đồng/thùng/20 lít nên nhiều người chẳng mặn mà vào rừng...

Đại Thạnh xưa có nhiều thương lái thu mua dầu rái thì nay chỉ mỗi gia đình ông Đỗ Thế Hảo (thôn Mỹ Lễ) là còn trụ được. Ông Hảo là thương lái thu mua, sơ chế, xuất bán dầu lâu năm nhất vùng, ngót nghét đã 30 năm.

Ông chia sẻ, với giá cả hiện nay, nếu bám rừng, mỗi hộ gia đình có thu nhập vài triệu đồng/tháng từ những cánh rừng dầu là bình thường. Tuy nhiên, so với ngày công lao động nông thôn thì mức đó vẫn không đảm bảo nên người dân chỉ tranh thủ vào rừng lúc nông nhàn để kiếm thêm nguồn phụ thu. Thời điểm giá cao, ông thu mua cho bà con 400 - 500 nghìn đồng/thùng/20 lít, nay chỉ còn 200 - 300 nghìn đồng/thùng bởi thị trường hạ.

“Ngày xưa dầu chẳng đẹp nhưng có mấy bán mấy, họ đến mua nườm nượp. Chừ dầu rất đẹp, bán giá thấp, nhưng lượng bán vẫn không nhiều. Cũng bởi do sự xuất hiện của sơn công nghiệp, số lượng người dùng dầu rái để trét nón, ghe, thúng còn rất ít” - ông Hảo nói.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dầu rái Đại Lộc - một thời vang bóng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO