Đâu rồi bài ca vỡ đất?

BẢO TRÂN 21/09/2013 09:40

Bão, gió mưa mịt mù, lúa hè thu có nơi còn ngâm trong nước lũ. Không đâu như quê nhà, dầu dãi sớm hôm, tần tảo làm ra hột lúa, củ khoai, cực quá trời. Người làm nông đã vậy, còn kẻ tha hương vào chợ lao động có hơn gì, nhưng sao mà phải bỏ đất? Câu chuyện đất bỏ hoang, liên tục được phản ánh trên các số báo Quảng Nam trong tuần, khiến ai là con dân đất Quảng không khỏi nghĩ suy.

Đọc lại lịch sử, nhất là câu chuyện mở đất, nhiều người sẽ nhắc về các công trình như “Lịch sử khẩn hoang miền Nam”, “Nói về miền Nam”,…  Qua đó, các nhà nghiên cứu đã minh định công lao vô cùng to lớn của lưu dân Quảng Nam trên vùng đất phương Nam. Nhà văn hóa Sơn Nam, khảo cứu về công tích của các vị Nguyễn Hữu Cảnh, Thoại Ngọc Hầu… đã chỉ ra rằng, vì những con dân Quảng Nam vốn đã nhọc nhằn với mảnh ruộng ít màu mỡ, nhỏ hẹp, bên Trường Sơn, dốc đứng xuống biển, nên khi theo các vị tiền nhân vào phương Nam đã chọn đây làm nơi dừng chân. Họ có thể nhận lãnh trách nhiệm khai hoang, vỡ đất. Có người muốn mở nghiệp kinh bang tế thế, đào sông, đào kênh, thau chua rửa mặn, biến vùng đất sình lầy thành vựa lúa lớn nhất nước. Những cù lao Ông Chưởng, những kênh Vĩnh Tế, Thoại Hà… từ đó thành hình. Cũng không thiếu kẻ đào ngũ trong đoàn quân chinh Nam, thấy đất đai phì nhiêu mà cắm rễ. Nói tóm lại là khát đất, thèm đất, vì đất mở ra chân trời cuộc sống mới, phóng khoáng hơn.

Trong cuộc kinh dinh cả mấy trăm năm đó, dù đất mở về phương Nam không ngừng nghỉ nhưng ở quê nhà xứ Quảng, điền thổ vẫn giữ giá trị căn cốt, là mảnh đất “thừa tự” được chăm nom cấy cày để lo hương khói ông bà tổ tiên. Cả khi bom rơi đạn nổ tinh thần “bám trụ” giữ đất, giữ nước vẫn là nguồn mạch chảy trong huyết quản của cư dân bản địa. Chỉ khi không còn mảnh đất cắm dùi nào, họ mới phải bứt hẳn đồng quê lên phố làm thuê.

Vậy mà bây giờ có người bỏ đất là cớ làm sao? Ông Lê Muộn – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, cho hay thời gian qua ngành chuyên môn và chính quyền các địa phương đã nỗ lực rất lớn trong việc hỗ trợ nông dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên 4.500ha đất lúa thường bị bỏ hoang vào vụ hè thu nhưng thực tế cho thấy hiệu quả không cao. Phần lớn số diện tích đất bỏ hoang nằm ở khu vực gò đồi, triền núi, hệ thống thủy lợi chưa được đầu tư xây dựng nên vụ hè thu khó phù hợp với cây trồng cạn.

Chuyện hàng ngàn héc ta đất lúa bị bỏ hoang được giải thích là vì thủy lợi, vì chuyển đổi cơ cấu cây trồng không hiệu quả, thoạt nghe hữu lý, song suy ngẫm lại có phải chỉ duy nhất lý do ấy không? Và có vùng thủy lợi thuận tiện nhưng đất lúa vẫn bị bỏ hoang vì thiếu lao động, vì làm lúa không lời lãi gì, thì sao?

Từ thế kỷ trước, nhà thơ Tường Linh, một người con đất Quảng đã kể: “…đất Quảng thân yêu, một thời tuổi nhỏ/ mẹ thèm cơm, con thiếu áo long đong/ nhà bên sông năm tháng nước xuôi dòng/ vách nứa lung lay trưa nồm gió mạnh/ bếp lửa sàn khó ngăn chiều bấc lạnh/ chiếu chăn nào xua nổi rét khuya đông/ bao mồ hôi cha mẹ tưới trên đồng/ thân lúa vẫn như thân người thiếu máu…”. Như vậy, khó nhọc bởi chuyện trồng lúa đã từ mấy đời, khổ nghèo đã “thấm ra da”, nhưng ruộng đất sao không bỏ? Điều đáng ngẫm chính là sinh kế. Cây lúa dẫu vật vã “thiếu máu” mà vẫn cố tưới mồ hôi là vì “thèm cơm, thiếu áo”. Nay cây lúa không cần phải làm sứ mệnh ấy nữa, làm cực mà thu hoạch chẳng xứng công thì người ta phải tìm phương kế khác để sống. Việc chuyển dịch lao động có một căn nguyên từ đây. Ngẫm vậy để nhận diện rõ hơn và tìm giải pháp khả thủ, không phải kêu gào bám ruộng làm lúa một cách miễn cưỡng mà cần rà soát những vùng khó sản xuất vì thiếu nước, thiếu lao động để tính cách sử dụng hiệu quả hơn.

BẢO TRÂN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đâu rồi bài ca vỡ đất?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO