Dấu son để lại - Niềm tự hào mãi mãi

QUỐC TUẤN - THÀNH CÔNG 20/10/2017 10:06

Tròn nửa thế kỷ đã đi qua từ ngày được thành lập nhưng dấu ấn lớn lao của Đặc khu ủy Quảng Đà với phong trào cách mạng vẫn luôn đậm nét trên mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng hôm nay.

Tin liên quan

  • 50 năm Đặc khu ủy Quảng Đà: Dấu son để lại (kỳ 3)
  • 50 năm Đặc khu ủy Quảng Đà: Dấu son để lại (kỳ 4)
  • 50 năm Đặc khu ủy Quảng Đà: Dấu son để lại (kỳ 2)
  • 50 năm Đặc khu ủy Quảng Đà: Dấu son để lại (kỳ 1)
Ông Phạm Thanh Ba (ngoài cùng bên phải) cùng bác sĩ Nguyễn Như Lễ (giữa) và đồng chí, đồng đội trong một lần thăm lại căn cứ Hòn Tàu.  Ảnh: THÀNH CÔNG
Ông Phạm Thanh Ba (ngoài cùng bên phải) cùng bác sĩ Nguyễn Như Lễ (giữa) và đồng chí, đồng đội trong một lần thăm lại căn cứ Hòn Tàu. Ảnh: THÀNH CÔNG

Tám năm ra đời và hoạt động của Đặc khu Quảng Đà (1967-1975) cũng là 8 năm gian truân và khốc liệt nhất của cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước. Dù địch liên tục thực hiện tố cộng, diệt cộng, lập vành đai trắng, xúc dân, có thời điểm địch hành quân càn quét 21 ngày đêm liên tiếp… nhưng Đặc khu ủy Quảng Đà vẫn kiên cường trụ vững, phát triển mạnh mẽ, cùng quân dân đi đến ngày toàn thắng, giải phóng quê hương.

Đi qua hiểm nguy

Đại tá Lê Công Thạnh - nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà chia sẻ, giai đoạn 1969-1970, đã có lúc phong trào cách mạng ở Quảng Đà tưởng như phải lắng lại, nhưng dưới sự lãnh đạo trực tiếp, toàn diện của Đặc khu ủy Quảng Đà, lửa cách mạng vẫn cháy trên khắp các mặt trận. “Đứng trên Mặt Rạng nhìn xuống, có thể đọc lại câu thơ Tố Hữu “cá ăn phải máu, chim quên lối vườn”. Địch pháo kích, đánh bom thường xuyên. Riêng bom hóa học, hầu như tháng nào cũng có, không chỗ này thì chỗ khác. Biệt kích tấn công bất ngờ, bom B52 địch thả cả ngày lẫn đêm. Vì thế, sinh hoạt của người làm cách mạng chủ yếu là ở trong hầm và những hang đá” - ông Thạnh kể lại.

Ông Phạm Thanh Ba và vợ - bà Phạm Thị Tuyết Hồng, đều là những cán bộ văn phòng Đặc khu ủy ngay từ những năm đầu đóng chân tại Hòn Tàu. Ông bà đã nhiều lần phải chứng kiến sự hy sinh của đồng đội. Chỉ trong vòng 6 tháng, từ cuối năm 1971 đến đầu 1972, đã có 8 lần máy bay B52 của Mỹ ném bom. Nhiều đồng chí cán bộ chủ chốt hy sinh. “Ban đêm chỉ cần lộ một ánh đèn là pháo cấp tập bắn phá. Mất mát, hy sinh, gian khổ vô cùng. Nhưng sự sát cánh, đoàn kết bên nhau của đồng chí, đồng đội đã giúp chúng tôi vượt qua gian khó, qua hiểm nguy đạn bom của địch” - ông Phạm Thanh Ba nhớ lại.

Nhiều cán bộ, chiến sĩ từng trải qua giai đoạn chiến tranh khốc liệt nhất ấy đều chung hồi ức về một chiến trường Quảng Đà không ngày nào ngớt tiếng bom đạn. Máy bay của địch quần lượn, ném bom rải thảm hủy diệt căn cứ Hòn Tàu (Duy Xuyên), vùng Gò Nổi (Điện Bàn)… dù cách trung tâm Đà Nẵng đến vài chục cây số. Không đâu như ở chiến trường Quảng Đà, Mỹ và chư hầu đưa đến toàn những đơn vị tinh hoa nhất như: “Anh cả đỏ” - Sư đoàn 1 bộ binh Hoa Kỳ, “kỵ binh bay” - Sư đoàn kỵ binh số 1 Hoa Kỳ, lữ đoàn “Rồng xanh” và sư đoàn “Mãnh hổ” của Đại Hàn… Lúc cao điểm, địch điên cuồng san bằng “trắng” 353/441 thôn trên địa bàn Quảng Đà, cày nát 2/3 diện tích đất canh tác ở vùng đồng bằng hòng triệt tiêu cơ sở cách mạng. Nhưng kết quả của sự điên cuồng đó vẫn là những thất bại nối tiếp thất bại.

Hoàn thành sứ mệnh

Ông Trần Thận - nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà cho hay, việc kết hợp chặt chẽ 3 vùng chiến lược (đô thị - nông thôn đồng bằng - miền núi), 3 thứ quân (bộ đội chủ lực - bộ đội địa phương - dân quân du kích) và 3 mũi giáp công (chính trị - quân sự - binh vận) đã mang đến thành công rực rỡ, minh chứng cho sự đúng đắn của chủ trương di dời căn cứ và chỉ đạo chiến đấu ở Hòn Tàu. Ngoài ra, theo nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An - nguyên Ủy viên Ban Tuyên huấn Đặc khu ủy Quảng Đà, sự ủng hộ tuyệt đối của lòng dân chính là vấn đề cốt lõi nhất khiến địch phải thất bại. Có bà mẹ đã từng gửi gắm với ông rằng “con tôi chừ còn nhỏ, tôi cho nó ra Đà Nẵng cùng tôi ít năm, chừng mô nó lớn cầm được khẩu súng tôi sẽ tìm mấy chú gửi cho nó làm anh giải phóng”.

Có thể khẳng định, Đặc khu ủy Quảng Đà đã góp một phần quan trọng trong việc cùng với Trung ương nhanh chóng giải phóng Đà Nẵng - căn cứ quân sự liên hợp lớn nhất miền Trung của chính quyền Việt Nam cộng hòa. Nhận định về phong trào cách mạng do Đặc khu ủy Quảng Đà lãnh đạo từ thời gian thành lập đến ngày giải phóng, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An cho rằng, đồng bào Quảng Đà dưới sự lãnh đạo của Đặc khu ủy đã có những cách làm, cách đánh sáng tạo trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất. Kiên trì trong đấu tranh, linh hoạt trong lãnh đạo, chỉ đạo và quyết đoán trước những thời cơ, cục diện cách mạng luôn được xoay chuyển thích hợp, đưa cách mạng đi từ thắng lợi này đến thắng lợi khác.

Một nhân chứng sống của căn cứ Hòn Tàu, bác sĩ Nguyễn Như Lễ, công tác ở Văn phòng Đặc khu ủy chia sẻ, thắng lợi ngay từ những ngày đầu thành lập căn cứ, là thắng lòng dân. Dân đồng thuận, một lòng ủng hộ và đi theo cách mạng dù hiểm nguy nhất, ngặt nghèo nhất. Dân, cán bộ và chiến sĩ một lòng với Đảng, với mục tiêu giải phóng, đảm bảo bí mật và an toàn tuyệt đối cho căn cứ, sẵn sàng cho các chiến dịch, phong trào đấu tranh lớn theo chỉ đạo của Đặc khu ủy. “Đi qua một thời gian khó, hiểm nguy, qua bao thời khắc cái chết cận kề, chúng tôi có thể khẳng định sự tồn tại của cán bộ, chiến sĩ nói riêng, của căn cứ Hòn Tàu nói chung, đều gắn liền với sự bảo bọc, tiếp tế, giúp đỡ của nhân dân. Đi đâu cũng phải có dân. Chiến thắng cuối cùng, là chiến thắng cho nhân dân, bằng quyết tâm của Đặc khu ủy, bằng ý chí xương máu rằng phải giải phóng quê hương, giành độc lập” - bác sĩ Nguyễn Như Lễ chia sẻ.

Những bài học còn nguyên tính thời sự
Hôm nay 20.10, tại núi Hòn Tàu (Duy Xuyên) sẽ diễn ra lễ khánh thành Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà. Theo Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Nguyễn Chín, từ thực tiễn sự ra đời và quá trình lãnh đạo phong trào cách mạng của Đặc khu ủy Quảng Đà đã để lại cho các thế hệ cán bộ kế cận hôm nay những bài học quý. Đó là bài học về tư tưởng “dân là gốc”, phát huy sức mạnh lòng dân; bài học về sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; về tinh thần sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, phát huy cao nhất vai trò của người đứng đầu cấp ủy… Những bài học ấy vẫn còn nguyên tính thời sự trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay. Do đó, việc phục dựng, bảo tồn Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà là điều hiển nhiên phải làm, đây sẽ là “địa chỉ đỏ” giáo dục truyền thống cách mạng cho các thế hệ.(HÀN GIANG)

Sau khi đất nước hoàn toàn thống nhất, tháng 10.1975 Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà hợp nhất trở thành tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng. Sứ mệnh lịch sử của Đặc khu ủy Quảng Đà cũng khép lại từ đó, nhưng dư âm vẫn còn vang vọng mãi. “Hòn Tàu đã ra đời, tồn tại, và trở thành nơi Đặc khu ủy đồng hành với chiến sĩ, với nhân dân theo từng bước đấu tranh của quê hương cho đến ngày giải phóng. Sẽ không có những chiến thắng rực rỡ trên mọi mặt trận nếu không kiên trì bám trụ, vượt qua những thời khắc khó khăn, hiểm nguy nhất. Bằng niềm tin với cách mạng và sự giúp sức của hàng nghìn, hàng vạn tấm lòng dân hướng về Đảng, Đặc khu ủy đã hoàn thành sứ mệnh của mình trong những năm tháng ấy. Hòn Tàu là niềm tự hào mãi mãi cho thế hệ chúng tôi, những người đã gắn bó, đã chiến đấu cùng nhau và cùng với nhân dân cho đến ngày quê hương sạch bóng thù” - ông Trần Thận xúc động nói.

Những ngày tháng 10, khi lễ khánh thành Khu di tích lịch sử cấp quốc gia Căn cứ Đặc khu ủy Quảng Đà đến gần, hàng nghìn trái tim lại rưng rức bồi hồi nhớ về ký ức hào hùng của một thời oanh liệt. Một sự vinh danh không muộn màng, cho Hòn Tàu, cho bao con người đã ngã xuống, cho những hy sinh không thể nào đo đếm của bao lớp người cách mạng. Gặp lại những nhân chứng sống của một thời lịch sử, chúng tôi cũng gặp lời hẹn của họ, bước qua tuổi tác và thời gian, rằng sắp hội ngộ và hạnh ngộ, ở Hòn Tàu…

QUỐC TUẤN - THÀNH CÔNG

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu son để lại - Niềm tự hào mãi mãi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO