Hàng chục héc ta rừng thông được chính quyền thị trấn Tiên Kỳ (Tiên Phước) thông báo mở thầu cho các đơn vị, doanh nghiệp trong và ngoài huyện đến nhận nuôi dưỡng và khai thác nhựa. Thế nhưng, nhiều doanh nghiệp có đủ năng lực chuyên môn bị từ chối bán hồ sơ với lý do… không phải người địa phương.
Ngày 12.8.2015, Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Kỳ - ông Đoàn Ngọc Sơn ký thông báo (số 39/TB-UBND) gửi thôn trưởng, khối phố trưởng và các tổ chức, doanh nghiệp về việc mở thầu nhận nuôi dưỡng rừng và trích nhựa thông. Theo đó, chính quyền sẽ giao hơn 23ha rừng thông, với giá dự thầu khởi điểm 2,7 triệu đồng/ha/năm, thời hạn 5 năm. Đối tượng tham dự là các tổ chức doanh nghiệp đóng trên địa bàn thị trấn, trong và ngoài huyện Tiên Phước; doanh nghiệp có kinh nghiệm trong ngành nghề kinh doanh, khai thác chế biến nhựa thông… Tuy nhiên, khi xem được thông báo, nhiều doanh nghiệp đến mua hồ sơ đấu thầu đã bị chính quyền từ chối. Ông Nguyễn Hữu Thành - Phó Giám đốc Công ty TNHH Phú Bảo Ngọc (đóng tại xã Điện Thắng Bắc, thị xã Điện Bàn) bức xúc: “Dù còn trong thời gian làm thủ tục đấu thầu nhưng chính quyền vẫn cương quyết không bán hồ sơ cho chúng tôi. Tôi gặp lãnh đạo thị trấn hỏi lý do thì được giải thích doanh nghiệp của mình ngoài địa bàn thị trấn Tiên Kỳ. Việc chính quyền chỉ ưu tiên mở thầu cho doanh nghiệp địa phương là vi phạm nghiêm trọng Luật Đấu thầu, phân biệt đối xử với các doanh nghiệp”. Công ty TNHH Phú Bảo Ngọc có kinh nghiệm trong khai thác nhựa thông, đã từng nhận nuôi dưỡng và trích nhựa hàng trăm héc ta rừng thông ở tỉnh Kon Tum, hoàn toàn đáp ứng được tiêu chuẩn, điều kiện tham dự thầu theo thông báo của địa phương. Theo tìm hiểu của chúng tôi, không riêng gì doanh nghiệp này mà nhiều tổ chức, doanh nghiệp khác cũng bị từ chối không bán hồ sơ mời thầu với lý do tương tự.
Rừng thông Tiên Kỳ (huyện Tiên Phước) đang mời nhận thầu nuôi dưỡng, khai thác nhựa. Ảnh: T.H |
Vì sao có chuyện “bên trọng bên khinh” trong mở thầu hồ sơ khai thác nhựa thông? Ông Đoàn Ngọc Sơn - Chủ tịch UBND thị trấn Tiên Kỳ thừa nhận, việc địa phương chỉ ưu tiên cho doanh nghiệp đóng tại thị trấn Tiên Kỳ, không bán hồ sơ đấu thầu cho đối tượng ngoài địa bàn là có thật. Trong thông báo của thị trấn cũng ghi “ưu tiên tổ chức, doanh nghiệp có hộ khẩu thường trú tại thị trấn Tiên Kỳ và có đủ năng lực tài chính để đóng thầu một lần”. Thời điểm này đã chấm dứt nhận hồ sơ dự thầu và chỉ có 2 doanh nghiệp đóng ở thị trấn Tiên Kỳ đủ điều kiện tiêu chuẩn đấu thầu. “Sở dĩ chúng tôi ưu tiên chọn doanh nghiệp địa phương vì trước đây có tình trạng doanh nghiệp ngoài địa bàn nhận khai thác nhựa thông, nhưng lại để hậu quả nặng nề về kinh tế cho địa phương. Năm 2013, Công ty CP Trí Tuấn (có trụ sở TP.Đà Nẵng) đã tháo chạy, buộc chúng tôi phải khởi kiện ra tòa. Hiện, công ty này nợ địa phương 120 triệu đồng đang chờ thi hành án. Việc chúng tôi không bán hồ sơ cho doanh nghiệp ngoài địa phương là xuất phát từ lý do khách quan trên, mong nhà báo chia sẻ với địa phương” - ông Sơn nói.
Một điều thiếu minh bạch nữa, theo các doanh nghiệp, dù địa phương đã ra thông báo nhận hồ sơ thầu từ ngày 12.8 đến 20.8, nhưng chính quyền chậm công bố, niêm yết công khai ở các nơi công cộng; lệ phí đấu thầu mỗi bộ hồ sơ 2 triệu đồng là quá cao. Việc thu hút các tổ chức, đơn vị, không phân biệt đối tượng tham gia đấu thấu trong hay ngoài huyện, để chọn ra doanh nghiệp có đủ năng lực chuyên môn nuôi dưỡng và khai thác rừng thông nhựa là phù hợp với quy định pháp luật hiện hành. Vậy nhưng chính quyền thị trấn Tiên Kỳ đã làm trái luật, gây bức xúc cho doanh nghiệp.
TRẦN HỮU