Đấu thầu thuốc tập trung: Đảm bảo giá thuốc không "nhảy múa"

Thực hiện: NGUYỄN DƯƠNG 16/06/2018 10:13

LTS: Nhằm hạn chế tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng và giá thuốc “nhảy múa” như thời gian trước đây, Bộ Y tế đã hoàn thành đấu thầu tập trung 5 hoạt chất với 22 thuốc (5 thuốc biệt dược, 17 thuốc generic) để cung cấp cho các cơ sở y tế trên toàn quốc trong hai năm 2018 - 2019. Đây là thuốc có tỷ trọng sử dụng lớn về giá trị, số lượng. Tại Quảng Nam, việc đấu thầu thuốc tập trung bước đầu đã mang lại những tín hiệu tích cực, mà ở đây đối tượng được thụ hưởng chính là người bệnh. Bên cạnh đó, vẫn còn nhiều khó khăn trong việc triển khai cần phải giải quyết, đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho các cơ sở y tế tiến hành khám chữa bệnh.

Việc đấu thầu thuốc tập trung đã giúp cho việc kiểm soát giá cả, chất lượng thuốc được đảm bảo.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG
Việc đấu thầu thuốc tập trung đã giúp cho việc kiểm soát giá cả, chất lượng thuốc được đảm bảo.Ảnh: NGUYỄN DƯƠNG

BỚT GÁNH NẶNG CHO NGƯỜI BỆNH

Trong cơ cấu chi phí dành cho khám chữa bệnh, tiền thuốc luôn chiếm tỷ lệ lớn (khoảng 60%) tổng chi phí viện phí và là gánh nặng của nhiều người bệnh. Vì vậy, việc đấu thầu thuốc tập trung với mức đồng giá trên 63 tỉnh thành hiện nay phần nào giảm bớt được gánh nặng đó.

Giảm giá thuốc

Theo thông tin từ Bộ Y tế, năm 2018, tổng giá kế hoạch của các gói thầu 5 hoạt chất với 22 thuốc (5 thuốc biệt dược, 17 thuốc generic) là 2.746 tỷ đồng (xây dựng dựa trên việc tham khảo giá thuốc trúng thầu trong vòng 12 tháng trước của các cơ sở y tế), giá trúng thầu là 2.269 tỷ đồng, giảm được 477 tỷ đồng (giảm khoảng 17,37% so với giá kế hoạch). Trong đó, biệt dược giảm 114,3 tỷ đồng, khoảng 6,9%; thuốc generic giảm 362,7 tỷ đồng, khoảng 33%. Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXH) cũng đã thực hiện đấu thầu tập trung 5 hoạt chất với 24 thuốc gồm 5 biệt dược gốc và 19 thuốc thuốc generic, với tổng giá trị hơn 1.000 tỷ đồng. BHXH Việt Nam cũng đã lựa chọn được 20 mặt hàng trúng thầu được công bố là 935,99 tỷ đồng, so với giá thuốc trúng thầu bình quân năm 2017 trên cả nước đã giảm 21,12%, tương ứng số tiền 251,13 tỷ đồng; trong đó có mặt hàng giảm tới 54,7%.

Thông tư số 11/2016/TT-BYT năm 2016 của Bộ Y tế quy định rõ, việc đấu thầu thuốc tập trung có 2 phân cấp: cấp quốc gia và cấp địa phương.

Đối với thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp quốc gia, thì danh mục này được đàm phán giá: kế hoạch được lập theo thông báo của đơn vị mua thuốc tập trung cấp quốc gia, cho thời gian tối đa là 36 tháng, có phân chia theo từng nhóm thuốc và tiến độ cung cấp theo quý, năm.

Đối với thuốc thuộc danh mục thuốc đấu thầu tập trung cấp địa phương: kế hoạch được lập theo thông báo của đơn vị mua thuốc tập trung cấp địa phương, cho thời gian tối đa là 36 tháng, có phân chia theo từng nhóm thuốc và tiến độ cung cấp theo quý, năm.

Đối với danh mục thuốc cấp quốc gia thì do Bộ Y tế tổ chức đấu giá tập trung; còn đối với các danh mục thuốc cấp địa phương sẽ được giao về cho Sở Y tế tổ chức đấu thầu thông qua nhu cầu cụ thể của các cơ sở y tế trên địa bàn.

Giải thích về điều này, ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế tỉnh cho biết, việc đấu thầu đơn lẻ thuốc thời gian qua đã tạo ra một sự chênh lệch giá giữa các tỉnh khác nhau. Ngay trong một địa phương, giữa các bệnh viện khác nhau cũng có giá chênh lệch đối với cùng một loại thuốc, với cùng một dạng hoạt chất, cùng một dạng bào chế. “Theo quy định, đấu thấu tập trung là các hãng dược sẽ cùng đấu thầu một loại thuốc. Đơn vị dự thầu có mặt hàng với chất lượng tốt nhất, giá thành thấp nhất sẽ cung ứng thuốc cho các cơ sở điều trị bệnh có nhu cầu mua. Như vậy, theo phương pháp đấu thầu này, với một loại thuốc cùng nhà sản xuất, cùng hoạt chất có mặt trên thị trường cả nước sẽ có chung một mức giá, và sẽ không còn tình trạng chênh lệch giá thuốc khi đến tay người bệnh” - ông Hai nói.

Việc đấu thầu thuốc tập trung như hiện nay cũng sẽ tạo hành lang thông thoáng cho bảo hiểm y tế (BHYT) khi thanh toán phí khám chữa bệnh, người dân cũng được hưởng một mức giá vừa phải khi sử dụng thuốc trong quá trình điều trị. Bên cạnh đó, đấu thầu thuốc tập trung cũng sẽ hạn chế tối đa những tiêu cực có liên quan như tình trạng đẩy giá thuốc lên cao do đi qua nhiều khâu trung gian. “Quy định hiện nay là mua thuốc 1 đồng thì sẽ bán ra 1 đồng, hoàn toàn không có tính tiền lời lãi trong giá thuốc. Vì vậy, khi đấu thầu được thuốc giá rẻ thì người dân sẽ được hưởng lợi nhất từ việc này. Trừ những đối tượng được miễn giảm 100%, các bệnh nhân có BHYT phải đồng chi trả từ 20 - 50%, vì vậy, giảm giá thuốc được chừng nào thì bệnh nhân cũng giảm chi phí theo” - ông Phạm Ngọc Hòa Bình, Giám đốc BV Minh Thiện cho biết.

Chủ động lượng thuốc

Theo ông Bùi Duy Thành - Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH Quảng Nam), việc đấu thầu thuốc tập trung hiện nay ngoài giảm giá thành thuốc thì cũng tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị y tế chủ động được thời gian, lượng thuốc để chuẩn bị cho kỳ hạn thầu mới. “Thông thường thì các cơ sở y tế tổng hợp số lượng thuốc đã sử dụng trong năm trước để có kế hoạch cụ thể về lượng thuốc trong thời gian tới để trình lên Sở Y tế. Trên cơ sở trúng thầu, các đơn vị này trực tiếp ký hợp đồng với các nhà thầu để mua thuốc, nhờ vậy luôn chủ động nguồn thuốc phục vụ khám chữa bệnh cho người dân” - ông Thành cho hay.

Bác sĩ Tô Mười - Giám đốc BVĐK Bắc Quảng Nam cho biết, sau khi tổng hợp số lượng thuốc đã sử dụng trong năm qua và dự trù trong thời gian tới để bệnh viện có kế hoạch cụ thể về số lượng thuốc cần phải mua rồi trình lên Sở Y tế. Trên cơ sở đó, Sở Y tế sẽ tổng hợp tất cả nhu cầu của các đơn vị y tế trình lên UBND tỉnh duyệt và phân bổ hợp lý cho từng đơn vị. “Vì vậy, đối với bệnh viện chúng tôi chưa từng xảy ra chuyện thiếu thuốc để chữa bệnh cho người dân” - bác sĩ Mười nói.

Vẫn còn nhiều khó khăn

Đấu thầu thuốc tập trung được xem là phương án tối ưu để giảm bớt những thủ tục hành chính rườm rà, giảm giá thuốc cho người bệnh. Nhưng khi triển khai, vẫn còn có những khó khăn chưa thể giải quyết được. Theo bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng khoa Dược BVĐK Quảng, dù bệnh viện và Sở Y tế đã chủ động xây dựng kế hoạch từ rất sớm (thường thì trước 6 tháng) để trình lên. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề thẩm định giá chưa có sự thống nhất giữa BHXH và Sở Y tế nên kéo dài thời gian để hoàn thành danh mục đấu thầu, dẫn đến bị trễ so với thời gian quy định, gây khó khăn trong việc điều trị cho người bệnh. Bởi vì quy định khi hết thời gian sử dụng thầu thì họ sẽ cắt, không cho sử dụng thuốc nữa. “Việc trượt thầu cũng còn khá cao, nguyên nhân chủ yếu là vượt giá kế hoạch nên rất khó khăn trong việc cung ứng thuốc điều trị cho người bệnh. Ví dụ khi mình đưa ra 1.000 mặt hàng thì chỉ trúng được chừng 60 - 70% mà thôi. Nguyên nhân chính là vượt giá kế hoạch. Giá kế hoạch của Sở Y tế đưa ra thì phải có sự tham gia góp ý của BHXH, có những danh mục thuốc mình đưa ra giá 1.000 đồng chẳng hạn, nhưng phía BHXH chỉ chấp nhận là 800 đồng, nên khi đấu thầu, các nhà thuốc không chấp nhận giá đó dẫn đến tình trạng trượt thầu. Ví dụ như trong năm qua, các dịch truyền cơ bản ở bệnh viện cũng bị trượt thầu do bị vượt giá kế hoạch nên rất khó khăn cho việc điều trị cho người bệnh” - bác sĩ Ngọc nói.

Ngoài ra, các hóa chất xét nghiệm trúng thầu gồm nhiều loại khác nhau (mỗi hãng trúng thầu một loại hóa chất) nên không thể cài đặt thông số kỹ thuật cho máy. “Mỗi máy có một loại hóa chất tương ứng chứ không phải hóa chất nào, sử dụng vào bất cứ máy nào cũng được. Vì vậy, có trường hợp trúng thầu hóa chất này nhưng bệnh viện sử dụng loại máy khác thì cũng chịu thua, không thể mua để sử dụng được” - bác sĩ Ngọc giải thích. Tương tự, các vật tư y tế trúng thầu cũng không đồng bộ, không đúng thông số kỹ thuật nên chất lượng không đảm bảo, sử dụng không được, nhất là các vật tư y tế sử dụng cho kỹ thuật cao. “Đơn cử như các nẹp để sử dụng trong các trường hợp bị gãy xương, thường thì phải đồng bộ với nhau. Như nẹp bằng inox thì ốc vít để bắt cũng phải bằng inox thì mới tương thích, không xảy ra các phản ứng phụ. Đằng này nẹp bằng inox, ốc vít bằng titan thì rất khó để sử dụng” - bác sĩ Ngọc nói thêm.

Đối với các bệnh viện tư nhân trên địa bàn, việc đầu thầu thuốc tập trung như hiện nay cũng dẫn đến một số khó khăn. Theo bác sĩ Phạm Ngọc Hòa Bình - Giám đốc bệnh viện Minh Thiện: “Đối với bệnh viện tư nhân, nguy cơ lớn nhất chính là không chủ động được nguồn thuốc. Ví dụ như đến thời điểm hết thuốc, khan hiếm thuốc thì phía nhà thầu có thể ngắt nguồn hàng, không bán thuốc nữa là chuyện bình thường. Trong năm, kế hoạch Sở Y tế cho phép vượt quá số lượng thuốc đăng ký 20%, nếu vượt thêm nữa thì BHXH sẽ không thanh toán. Giả sử trong năm có bệnh đột biến, số lượng thuốc quy định đã sử dụng hết thì sẽ rất khó cho phía bệnh viện”.

Ngoài ra, việc cung ứng thuốc từ các nhà thầu hiện vẫn còn nhiều vướng mắc khi một số thuốc đã trúng thầu nhưng công ty không thể cung ứng với nhiều lý do như: hết số đăng ký, chờ số đăng ký mới từ Bộ Y tế; BHXH không đồng ý thanh toán với lý do giá quá cao, thuốc có giá cao hơn giá kê khai, kê khai lại; thuốc có giá kê khai, kê khai lại chưa được công bố trên website của Cục Quản lý Dược - Bộ Y tế; thuốc có nhóm tiêu chí kỹ thuật thấp nhưng giá thành cao...

Một chuyên gia ở Bệnh viện Đại học Y Dược TP.Hồ Chí Minh cho rằng, việc tham gia đấu thầu tập trung nếu trúng thầu doanh nghiệp dược sẽ phải cung ứng thuốc cho cả nước. Với dây chuyền sản xuất hiện có, khi phải cung ứng một lượng thuốc tăng 60 - 200% nên doanh nghiệp không thể đủ khả năng. Mặt khác, khi tham gia đấu thầu, doanh nghiệp sẽ phải cam kết giữ ổn định mức giá. Nhưng trên thực tế nguồn nguyên liệu phục vụ cho sản xuất dược trong nước chủ yếu nhập từ nước ngoài. Cùng với việc giá nguyên liệu biến động sẽ khó tránh khỏi tình trạng doanh nghiệp trúng thầu bị đơn vị cung cấp nguyên liệu “hét giá”, nguy cơ doanh nghiệp phải thay đổi giá là có thể xảy ra.

ỔN ĐỊNH GIÁ, CHỦ ĐỘNG TRONG CUNG ỨNG THUỐC

Đấu thầu thuốc tập trung được xem là phương án tối ưu hiện nay để hạn chế tiêu cực, tránh tình trạng thuốc giả, thuốc kém chất lượng có thể trà trộn vào bệnh viện, đảm bảo công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân. Để thực thi tốt điều đó, cần có những phương án cụ thể, phù hợp nhằm kịp thời điều chỉnh những tồn tại, vướng mắc. Báo Quảng Nam ghi nhận các ý kiến xoay quanh về vấn đề này.

Ông Võ Hồng -  Phó chủ tịch HĐND tỉnh: Đảm bảo chất lượng thuốc và giá thành hợp lý

Việc đấu thầu thuốc tập trung hiện nay đã góp phần hạn chế việc thuốc có chất lượng thấp, ngoài danh mục sử dụng có thể trà trộn vào các cơ sở y tế. Đồng thời hạn chế tiêu cực trong việc chỉ định thuốc cho bệnh nhân hay cạnh tranh không lành mạnh giữa các nhà cung ứng thuốc. Quan trọng hơn là làm cho các bác sĩ khi chẩn trị bệnh có được một khuôn khổ, không bị chi phối nên sử dụng loại thuốc nào do đơn vị nào cung ứng.

Việc đấu giá hiện nay thì cứ đấu giá từ thấp đến cao, và nên tham khảo từ tất cả nhà cung ứng để có một mức giá hợp lý. Không nên ép giá quá vì có thể gây chậm trễ trong cung ứng thuốc. Về mặt này thì giữa BHXH tỉnh và Sở Y tế nên bàn bạc, có phương án cụ thể để giải quyết. Quan trọng nhất là phải đảm bảo đủ thuốc để chữa trị cho người bệnh.

Ông Nguyễn Văn Hai - Giám đốc Sở Y tế: Thuốc hợp lý thì mua

Trước tiên phải khẳng định là việc đấu thầu thuốc hiện nay đều phải làm theo quy định của Nhà nước. Các đơn vị đấu thầu cho dù có bỏ giá thấp như thế nào thì những loại thuốc đó vẫn phải nằm trong danh mục đã được đăng ký, tiêu chuẩn và giá thuốc đều được kiểm tra kỹ lưỡng. Vì vậy, thuốc qua đấu thầu có thể có giá thấp nhưng chất lượng thì phải đảm bảo. Qua đấu thầu tập trung, người bệnh vừa có thể thụ hưởng được loại thuốc đảm bảo nhưng lại chỉ phải trả phí thấp. Đó là điều mà mình đang hướng đến.

Hiện nay, có những đơn vị sử dụng thuốc vượt quá 120% (100% trong kế hoạch, 20% cho phép vượt) thì sở đã có những phương án luân chuyển, điều phối loại thuốc đó từ các nơi ít sử dụng để bổ sung kịp thời, đảm bảo việc chữa trị cho người bệnh. Với những tồn tại hiện nay, các bên liên quan sẽ tiếp tục làm việc cụ thể để giải quyết triệt để trong thời gian tới.

Ông Phạm Ngọc Hòa Bình - Giám đốc Bệnh viện Minh Thiện: Cần hỗ trợ trong vấn đề cung ứng thuốc

Đối với các bệnh viện tư nhân trên địa bàn, việc tự đấu thầu thuốc là không thể bởi đây là một vấn đề lớn, cần người có chuyên môn thẩm định và các chính sách pháp lý liên quan (dù luật không cấm). Vậy nên, các bệnh viện vẫn thông qua Sở Y tế để mua thuốc từ các nhà cung ứng thuốc. Vấn đề ở chỗ là khi sử dụng thuốc vượt quá quy định, chúng tôi có thể bị ngắt nguồn cung ứng bất cứ khi nào dù có nhu cầu mua hay không với các lý do: hết thuốc, chờ các số đăng ký bổ sung... khiến cho việc chữa trị gặp khó khăn. Trong khi đó đối với các bệnh viện công thì bắt buộc các nhà thầu này phải bán theo cam kết. Chính vì vậy, chúng tôi muốn các cơ quan quản lý quan tâm hơn đến vấn đề này đối với các bệnh viện tư nhân.

Ông Nguyễn Như Chính - Nguyên Phó Giám đốc Sở Y tế: Cần có chế tài đối với những nhà thầu trúng thầu nhưng không bán thuốc

Đối với việc đấu thầu tập trung hiện nay đã tiết kiệm được khá nhiều chi phí cũng như thời gian so với trước. Tuy nhiên, vẫn còn có một số nhà thầu trúng thầu nhưng không chịu bán thuốc với lý do là nhu cầu ít nên không bán. Như thế sẽ rất nguy hiểm bởi họ đã trúng thầu mà giờ không bán, các bệnh viện lấy thuốc đâu để điều trị cho người bệnh? Nếu mua ngoài thì đâu có được BHYT thanh toán vì nó nằm ngoài danh mục. Vì vậy, cần phải có một chế tài hợp lý để tránh tình trạng này.

Thêm vào đó, đối với những mặt hàng chủ yếu thì nên đấu thầu theo giá của toàn quốc, như thế sẽ thống nhất giá. Đặc biệt là những mặt hàng đặc trị thì cần phải có cơ chế thoáng hơn cho các đơn vị được quyền quyết định. Vì đây là những bệnh có ít người mắc, nên cho đơn vị tự quyết định và sử dụng loại thuốc nào để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc - Trưởng khoa Dược BVĐK Quảng Nam: Nên chú trọng vào chất lượng thuốc

Hiện nay, việc trượt thầu vẫn còn cao ở mức hơn 30%, lý do là chưa có sự đồng nhất trong việc đưa ra giá đấu thầu. Chúng ta vẫn còn thiên về giá thấp nên những mặt hàng có thể không tương ứng, thích hợp vẫn được trúng thầu nên rất khó sử dụng. Ví dụ như anh A bán dụng cụ nẹp tay giá thấp, nhưng đồ đi kèm đồng bộ lại giá đắt; trong khi đó anh B bán nẹp tay giá cao nhưng đồ đi kèm lại giá thấp. Chính vì thế chúng ta mua chéo nhau, dẫn đến tình trạng không tương thích trong dụng cụ y tế. Nên trong thời gian tới, cần phải điều chỉnh lại việc này để các đơn vị y tế dễ dàng hơn trong việc chữa bệnh cho người dân.

Bên cạnh đó, việc không đồng nhất về giá cũng làm chậm trễ thời gian khiến cho các bệnh viện không chủ động được nguồn cung ứng thuốc. Vì vậy, cần có một giải pháp chung để phục vụ tốt hơn cho bệnh nhân.

Ông Bùi Duy Thành - Trưởng phòng Giám định BHYT (BHXH tỉnh): Có nhiều đơn vị sử dụng thuốc chưa hợp lý

Quan điểm của BHXH là sẽ thanh toán tất cả loại thuốc và lượng thuốc ở trong danh mục quy định đã được thông qua. Nhưng ở một số đơn vị, có tình trạng lạm dụng thuốc dẫn đến thiếu thuốc, vượt quá số lượng quy định. Đôi khi đó cũng là thói quen của người thầy thuốc, cứ bệnh đó thì nên uống thuốc đó, nhưng cũng với bệnh đó, ta có thể sử dụng một loại thuốc khác, cũng có chức năng giống nhau thì có thể cân đối được. Hoặc có thể ta điều trị xen kẽ, giai đoạn 1 dùng thuốc 1, giai đoạn 2 dùng thuốc 2, dù đó thực chất là 2 loại thuốc có cùng chức năng. Như vậy sẽ tránh được tình trạng thiếu thuốc như hiện nay.

Ông Huỳnh Phước Nhất - Trưởng phòng Nghiệp vụ Dược (Sở Y tế): Hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc quá số lượng cho phép

Với việc đấu thầu thuốc tập trung hiện nay, dựa trên những bảng kê số lượng cụ thể của từng cơ sở y tế thì nhà thầu mới hợp đồng cung cấp theo số lượng cụ thể. Hơn nữa, hiện nay khi BHXH có phần mềm kết toán hàng ngày nên cũng đã hạn chế được việc các cơ sở y tế sử dụng thuốc vượt quá quy định. Ví dụ như, vào cuối ngày các cơ sở y tế phải kết toán và gửi con số cụ thể về cho BHXH để tổng kết, nếu đơn vị nào vượt quá số lượng đã chỉ định thì lập tức dừng lại, cảnh báo và có thể không thanh toán. Không như trước đó là kết toán theo tháng hay theo quý nên vẫn có một số trường hợp không thể thanh toán do bị vượt quá số lượng quy định.

Thực hiện: NGUYỄN DƯƠNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đấu thầu thuốc tập trung: Đảm bảo giá thuốc không "nhảy múa"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO