Đầu thu số "cháy hàng"

CHIÊU THỤC ANH - CHÂU NỮ 09/07/2015 08:09

Thị trường đầu thu kỹ thuật số mặt đất ở các huyện phía bắc Quảng Nam nhộn nhịp trong những ngày gần đây khi đề án số hóa truyền hình chính thức triển khai kể từ ngày 1.7. Theo đó, các kênh truyền hình tương tự mặt đất (analog) bắt đầu ngừng phủ sóng ở khu vực này và chuyển sang truyền hình số mặt đất.

Theo lộ trình, từ ngày 1.7.2015 ngừng phát sóng các kênh truyền hình công nghệ tương tự mặt đất VTV6, VTV Đà Nẵng và DRT1. Tiếp đến, từ ngày 30.9.2015 ngừng phát sóng tiếp các kênh VTV1, VTV2, VTV3, VTC1, VTC9, DRT2 và QRT. Muốn xem được các kênh truyền hình nêu trên, ti vi đời cũ phải trang bị thêm đầu thu số.

Hút hàng

Mới hơn 7 giờ sáng nhưng cửa hàng điện - điện máy Thông Trâm (177 Trần Nhân Tông, thị trấn Vĩnh Điện, thị xã Điện Bàn) đã nhộn nhịp khách ra vào mua sắm. Mặt hàng được hỏi thăm chủ yếu và nhiều nhất là đầu thu kỹ thuật số. Chị Trần Hương Giang (thôn Phong Thử 3, xã Điện Thọ) phân vân giữa hai loại đầu thu HDVTV và Pantesat. Sau một hồi đắn đo, cuối cùng chị chọn mua loại Pantesat theo ý kiến tư vấn của chủ cửa hàng lẫn bạn đi cùng. Chị Hương Giang nói: “Từ ngày nghe tin sắp tới sẽ không được bắt sóng truyền hình nếu thiếu thiết bị thu như thế này nên gia đình bảo đi mua sắm cho rồi kẻo bị cắt mất sóng. Trù trừ mãi đến khi không thu được sóng của đài DRT, không theo dõi được kênh truyền hình yêu thích nên mới lật đật đi mua”. Không như chị Giang, anh Nguyễn Trái (khối 4, phường Điện Minh Đông) vừa nhờ cậy chủ cửa hàng sửa lại điều khiển đầu thu kỹ thuật số HDVTV vừa tìm hiểu để mua thêm một chiếc đầu thu mới nữa. “Ngay từ đầu năm 2015, khi thông tin giữa năm phải dùng đầu thu mới tiếp được sóng truyền hình tôi đã tranh thủ mua rồi, sử dụng đến hư điều khiển rồi. Thấy sử dụng sóng truyền hình theo kiểu đầu thu này cũng tiện nên bà xã đề nghị mua thêm cái nữa để dùng luôn” - anh Trái nói thêm. Theo chị Nguyễn Thị Bích Trâm (chủ cửa hàng điện - điện máy Thông Trâm), từ hơn nửa tháng nay, trung bình mỗi ngày chị bán được 30 - 40 thiết bị đầu thu kỹ thuật số.

Người dân tìm mua đầu thu kỹ thuật số tại cửa hàng Thông Trâm (Vĩnh Điện, Điện Bàn). Ảnh: T.ANH
Người dân tìm mua đầu thu kỹ thuật số tại cửa hàng Thông Trâm (Vĩnh Điện, Điện Bàn). Ảnh: T.ANH

Những ngày gần đây, các cửa hàng điện - điện máy ở Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Duy Xuyên rơi vào tình trạng khan hiếm nguồn hàng đầu thu kỹ thuật số. Nhiều cửa hàng phải hẹn với khách đôi ba ngày mới có hàng, trong khi đó giá cả của mặt hàng này được đẩy lên từ 450 nghìn đồng (cách đây hơn một tháng) lên 500 - 550 nghìn đồng/bộ. Theo chủ cửa hàng điện máy Hậu (khu 4, thị trấn Ái Nghĩa, huyện Đại Lộc), vì nhu cầu quá lớn nhưng nguồn cung có hạn nên gần như các chủ cửa hàng điện, điện máy lớn ở Vĩnh Điện, TP.Đà Nẵng đều găm hàng để chia đều cho các nguồn bỏ sỉ truyền thống và cho chính cửa hàng lớn bán lẻ để thu hút khách hàng vãng lai. Theo anh Vĩnh Tăng (chủ cửa hàng điện máy Vĩnh Tăng, thị xã Vĩnh Điện) thì ba dòng đầu thu kỹ thuật số hút khách hàng nhất hiện nay là HDVTV, Pantesat, KTS T2, mỗi dòng có những ưu khuyết điểm riêng nhưng hai loại chạy hàng nhất vẫn là Pantesat, KTS T2.

Nhiều mẫu mã, loạn chất lượng

Theo Bộ TT- TT, trong khoảng thời gian 3 tháng trước đến 3 tháng sau so với thời điểm ngừng phát sóng truyền hình analog theo kế hoạch số hóa, các hộ nghèo và cận nghèo theo tiêu chuẩn của Chính phủ được hỗ trợ thí điểm đầu thu truyền hình số. Theo đó, tại Đà Nẵng và bắc Quảng Nam có khoảng 64.540 hộ cần được hỗ trợ đầu thu số, trong đó có 21.329 hộ được hỗ trợ từ nguồn Quỹ dịch vụ viễn thông công ích với số tiền 27 tỷ đồng. Riêng tại 4 địa phương Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An có hơn 17 nghìn hộ nghèo, cận nghèo theo chuẩn của Chính phủ năm 2014 cần được hỗ trợ. Tuy nhiên, trao đổi với chúng tôi, bà Phạm Thị Ngọc Quyên, Phó Giám đốc Sở TT- TT cho hay, tỉnh đang chờ thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính và Bộ TT-TT để có cơ sở tiến hành hỗ trợ cho các đối tượng theo quy định.

Mới đây, đoàn Thanh tra Sở TT-TT tổ chức kiểm tra đột xuất các tổ chức, cá nhân kinh doanh thiết bị thu truyền hình số mặt đất trên địa bàn các địa phương phía bắc của tỉnh. Theo đánh giá của đoàn kiểm tra, một số ít chủ cửa hàng lẫn người dân gần như không quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng hàng hóa thông qua việc có dán nhãn hàng hóa, dấu hợp quy, dán nhãn biểu trưng số hóa truyền hình. Thậm chí, đầu thu HDVTV có ưu điểm nhỏ, gọn nhưng nếu mất hoặc hư điều khiển thì coi như vứt luôn đầu thu vì không thể nào điều khiển trên chính đầu thu, nhưng rất ít khách hàng được biết thông tin này. Mặt khác, nhiều cửa hàng đã bày bán các loại đầu thu không nằm trong danh mục đầu thu số hóa truyền hình mặt đất đã được Bộ TT-TT công bố hợp quy, được phép lưu thông trên thị trường. Qua kiểm tra, đoàn đã hướng dẫn lẫn khuyến cáo các cửa hàng không nên nhập và bán các thiết bị đầu thu DVB-T2 không đảm bảo yêu cầu về gắn nhãn hàng hóa, gắn dấu hợp quy và biểu trưng số hóa truyền hình.

Theo khuyến cáo của Sở TT-TT, người dân khi mua các thiết bị hỗ trợ thu sóng truyền hình cần chú ý lựa chọn những sản phẩm có dán nhãn hàng hóa, dấu hợp quy và biểu trưng số hóa truyền hình, đồng thời nằm trong danh mục đầu thu truyền hình số mặt đất chuẩn DVB-T2 đã thực hiện công bố và danh mục máy thu hình tích hợp chức năng chuẩn DVB-T2/MEG - 4 đã thực hiện công bố hợp quy của Bộ TT-TT. Người dân có thể xem được 2 danh mục này tại website số hóa truyền dẫn phát sóng truyền hình mặt đất của Bộ TT-TT (sohoatruyenhinh.vn) hoặc website Sở TT-TT dptqnam.gov.vn mục “Truyền hình số mặt đất”. Theo Sở TT-TT, sau đợt thanh tra, sở sẽ có công văn chỉ đạo các phòng văn hóa thông tin tổ chức hướng dẫn cụ thể các đơn vị kinh doanh điện máy trên địa bàn tỉnh nắm và thực hiện quy định của nhà nước về kinh doanh thiết bị thu truyền hình số mặt đất tại địa phương.

CHIÊU THỤC ANH - CHÂU NỮ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu thu số "cháy hàng"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO