Dấu tích tiền hiền Quảng Nam trong bia đá

NGUYỄN DỊ CỔ 30/01/2016 12:22

Quảng Nam là vùng đất “Việt Nam thiên” (chữ dùng của vua Lê Thánh Tông), nên có rất nhiều cư dân trên đất Bắc đã lần lượt đến đây với nhiều lý do khác nhau trong suốt hành trình lịch sử. Về vấn đề Nam tiến hay công cuộc khai khẩn lập làng của lưu dân ở vùng đất Quảng nói riêng và miền Nam nói chung, thường trong các bộ gia phả ghi chép đầy đủ và phổ biến hơn. Tuy nhiên, một số văn bia Quảng Nam cũng góp thêm tư liệu cho vấn đề này.

Văn bia Chăm bên cạnh lăng thờ Bà Thu Bồn tại xã Duy Tân (Duy Xuyên).
Văn bia Chăm bên cạnh lăng thờ Bà Thu Bồn tại xã Duy Tân (Duy Xuyên).

Bia mộ thủy tổ tộc Trần Văn (Thanh Châu - Hội An) đã chép: “Vào thời Lê Hồng Đức có chiếu trưng binh, ông Cao tổ dắt vợ con theo đoàn quân đánh Chiêm Thành, lập nhiều công trạng, sau đó ở lại Quảng Nam cùng các bạn nghề chài lưới khai phá đất bồi trưng tập dân cư biệt lập xứ Võng Nhi” (Nguyễn Bội Liên dịch). Bia ở đình Bất Nhị (Điện Bàn) chép: “Xưa xã ta vốn có 9 tộc họ cùng xây dựng địa phận làm thành xã Bất Nhị, đất đai mở rộng, dân đinh thêm đông, làm nên 3 thôn Thai La, Đan Điền, Bình Trị trong xã Bất Nhị”. Bia Trùng tu Thánh tự bi cũng ghi: “Chư quý công tiền hiền làng ta (xã Lỗ Giản - TG chú) [là] 5 tộc họ: Dương, Hồ, Lê, Nguyễn, Phạm [vốn] từ phương Bắc theo nhà vua đến phương Nam lập nên làng xã”.

“Khi đức Gia Dũ hoàng đế vào mở mang đất Thuận Quảng, Công từ Bắc kỳ theo vào cùng với các ngài họ Trần, Huỳnh và Nguyễn đến khai khẩn đất này, ruộng được mấy trăm mẫu hơn; bên đông, bên tây có sa thủy quanh bọc nghiễm nhiên nên một làng gấm vóc vậy”, lời văn được ghi từ bia mộ chí Lê công - Tiền hiền xã Cẩm Phô. Hay tấm bia tộc Trần ở Cẩm Phô, Hội An có đoạn: “Ông thủy tổ thụy là Cần Thận công, trước đây giữ chức Phó đề lãnh Thiêm Lộc hầu, phát tích từ vùng Thanh Hóa vào Nam tìm chọn đất này. Người con trai là Trần Trung Lễ tiếp nối truyền thống tốt đẹp. Vào khoảng thời gian niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Hiển Tông Hoàng đế triều Lê, các tiên hiền Cẩm Phô là tộc họ Hoàng, Lê, Nguyễn đồng thời khai khẩn đất đai, khống ngự sông Trường Giang mà lập nên địa giới, treo rèm châu để đề tên (xã). Đến nay cơ hồ đã 200 năm, truyền được 14 đời”.

Bia mộ họ Trương Đức (Duy Xuyên) ghi: “Ngài Trương quý công [vốn] trước [là] người miền Bắc di cư vào Nam [vào] thời Trần, khai thác đất này lập [nên] xã hiệu, tụ họp dân đến ở đây, tên là thôn Nam Cương. Tụ cư sinh sống, giáo huấn được vài năm đổi tên là thôn Lang Châu”. Hay bia ghi công đức họ Lê cùng địa bàn với tấm bia vừa nêu cũng ghi: “Họ Lê người đầu tiên sang sinh cơ lập nghiệp ở Lang Châu, thuộc tỉnh Quảng Nam nước ta. Ông đến sinh sống trên đất phương Nam được Trương quý công người lập làng đầu tiên tận tình giúp đỡ như anh em ruột”. Và còn khắc cả một bài thơ Đường luật thất ngôn bát cú, do nhóm tác giả Văn khắc Hán Nôm Việt Nam dịch, người viết bài này thay đổi 1 từ “nước Nam” thành “đất Nam”: Ngã Lê gia ấm triệu Nam Cương/ Bắc hạt di biên đệ nhị lang/ Duy thủy uyên nguyên giai hải khoát/ Lang đình Bàn trĩ cộng thiên trường/ Kim lan Trương trọng lai hiền hữu/ Cư vũ Lê tần hợp thục khương/ Bá dẫn tiền công ứng bất hủ/ Thiên thu bi kiệt biểu di phương. Tạm dịch: Họ Lê ta nối truyền dựng nghiệp ở đất Nam/ Từ vùng Bắc đến đây có hai họ/ Dòng Duy thủy nguồn sâu đều rộng rãi/ Nơi Lang đình sừng sững cũng ngang trời/ Nào Kim lan nào Trương trọng đều là bạn hiền/ Đây Chân ngọc đây Lê gia hợp lại một đoàn/ Công lao xưa vang lừng thật bất hủ/ Bia đá ngàn thu để tiếng thơm.

Cùng với việc khai làng, thì lập bạ chính là ý niệm về tộc họ tiền hiền của địa phương. Trong lịch sử làng xã Việt Nam, tộc họ tiền hiền có địa vị và thanh thế quan trọng trong làng mạc. Cho nên, những tấm bia mộ, đặc biệt là bia mộ tổ, mộ tiền hiền ở vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng trở nên hết sức có giá trị. Như bia miếu mộ tộc Lê đã ghi: “Vào thời Gia Long, ông bà tộc ta đã đứng vào hàng tiền nhân được ghi tên tại Châu bộ 5 người có công khai khẩn kiện canh 5 xứ đất (Thanh Châu)” (Nguyễn Bội Liên dịch).

Quá trình di cư của các lưu dân đến tụ cư ở vùng đất Quảng Nam - Đà Nẵng không chỉ có người Việt ở miền Bắc như đã nêu mà còn có thêm người Hoa tỵ nạn, tạo nên sự đa dạng về tộc người trong công cuộc khai khẩn, lập làng ở Quảng Nam xưa.

Từ tư liệu bia đá này, ta thấy đoàn người Nam tiến trên vùng đất Quảng Nam xưa trải dài qua các thời kỳ, tương ứng với những đợt di dân mang tính chất quy mô của chính sách nhà nước phong kiến dưới thời nhà Trần, thời vua Lê Thánh Tông, thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng. Tư liệu văn bia còn cho biết gốc gác bản quán của các dòng họ như từ Thanh Hóa, Nghệ An, Hoan Châu (Hà Tĩnh), Hải Dương…

Sau khi tiền nhân đặt chân đến, tiến hành khai khẩn khai canh, trải qua cuộc sống ổn định vài thế hệ, là việc xác lập và tôn thờ tiền hiền và hậu hiền. Tiền hiền là những người có công khai phá đất đai, lập nên làng ấp; Hậu hiền là những người có công tiếp tục khai phá và phát triển làng xã. Tộc họ Tiền hiền rất được dân làng trọng nể, tộc họ hậu hiền cũng được như vậy nhưng có phần kém hơn. Vấn đề tiền hiền và hậu hiền trong văn bia Quảng Nam được ghi lại rất cụ thể. Như văn bia tiền hiền hậu hiền của Đông giáp xã Bàn Thạch (nay thuộc huyện Duy Xuyên, Quảng Nam) ghi rõ: Tiền hiền của làng gồm: 5 phái tộc Nguyễn Tấn, 3 phái tộc Võ Đức, 4 phái tộc Lê Công, 3 phái tộc Phan Viết; Hậu hiền gồm 10 tộc họ Võ, 4 tộc họ Đỗ, 5 tộc họ Trần, 7 tộc họ Nguyễn, 1 tộc họ Vương, 2 tộc họ Huỳnh, 1 tộc họ Lê, 1 tộc họ Lương, 1 tộc họ Mai, 1 tộc họ Diệp, 1 tộc họ Phan; hay như 6 tộc tiền hiền: Nguyễn, Thân, Đỗ, Thái, Trần, Ngô trong văn bia Trùng tu từ đường bi. Thứ tự ghi chép tên các tộc họ trên văn bia cũng theo trật tự cố định, nhất thành bất biến. Tiền hiền của làng còn được triều Nguyễn ban sắc phong. Một số văn bia khác cũng đề cập vấn đề này là Cải cấu từ đường bi, Đế Võng xã bi, Thần từ bi ký, Quế Trạch xã bi, Hương Quế xã Phạm từ phả ký, bia mộ tiền hiền tộc Lê (Cẩm Phô), bia mộ Tiền hiền tộc Lê (Thanh Châu) 1, bia mộ Tiền hiền tộc Lê (Thanh Châu) 2, bia mộ tiền hiền ở Hòa Mỹ, v.v.

NGUYỄN DỊ CỔ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu tích tiền hiền Quảng Nam trong bia đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO