Dấu tích văn hóa Sa Huỳnh ở Hiệp Đức

TRẦN VŨ 08/08/2021 06:09

Hiện nay, nhiều địa điểm phát hiện có dấu tích văn hóa Sa Huỳnh đã và đang bị xâm hại bởi con người và tự nhiên. Với những địa điểm chưa bị xâm hại, có khả năng khai quật để tiếp tục nghiên cứu làm rõ hơn văn hóa Sa Huỳnh ở vùng núi Quảng Nam. Hiệp Đức là một ví dụ.

Bàn mài phát hiện trong thời gian khảo sát tại hố Bà Đằng.
Bàn mài phát hiện trong thời gian khảo sát tại hố Bà Đằng.

Năm 2018, khảo sát 13 địa điểm thuộc các xã Hiệp Hòa, Hiệp Thuận, Quế Bình (thị trấn Tân Bình mới), Sông Trà, Phước Gia và thị trấn Tân An chúng tôi đều phát hiện có dấu tích văn hóa Sa Huỳnh cách ngày nay 2.000 - 2.500 năm.

Nhiều di chỉ ở Hiệp Thuận

Tại xã Hiệp Thuận, nhiều cổ vật thuộc văn hóa Sa Huỳnh được người dân phát hiện trong quá trình sản xuất nông nghiệp, xây dựng nhà ở. Địa điểm Gò Xoài nằm ở hữu ngạn sông Tranh, thuộc thôn 3 (cũ).

Theo người dân địa phương, khu vực tìm thấy dấu vết văn hóa Sa Huỳnh kéo dài hơn 1km từ Thổ Lớn đến Gò Cầu, Nà Đạo thuộc địa phận làng Gò Xoài (nay gọi là làng Thuận Nhơn). Mỗi địa điểm là một gò/doi đất cao, cách nhau qua một khe nước. Khu vực này đã bị đào phá nhiều, người dân tìm thấy nhiều mộ chum, bên trong có các đồ trang sức, đồ gốm nhỏ. Khảo sát khu vực Nà Đạo cho thấy vẫn chịu sự bồi lở hàng năm, hiện nay trên khu vực này người dân trồng cây cao su.

Đồ trang sức do ông Phán phát hiện tại địa điểm Bình An hiện còn đang lưu giữ.
Đồ trang sức do ông Phán phát hiện tại địa điểm Bình An hiện còn đang lưu giữ.

Địa điểm An Toàn nằm cùng trục với địa điểm Gò Xoài, cách địa điểm Nà Đạo qua khe La Thiêng, thuộc địa phận thôn 4 (cũ). Khu vực này trước đây thuộc làng An Toàn, nay gọi là làng Quảng Nghĩa. Nơi đây là một doi đất dọc bờ hữu ngạn sông Tranh, một phần đã bị sạt lở cũng như được bồi đắp phù sa hàng năm sau các đợt lũ.

Người dân địa phương cho biết, khu vực này đã bị đào phá, tìm được các chum gốm, đồ tùy táng, mã não, khuyên tai hai đầu thú thuộc văn hóa Sa Huỳnh và tìm được cả tiền xu, ấn. Khu vực này ngoài phần đất bằng sát bờ lở, phía bên trong một số chủ đất trồng keo, mía. Dò tìm trên hiện trường chúng tôi nhặt được vài mảnh gốm Sa Huỳnh.

Địa điểm dốc Bạc Lở thuộc xóm Nhà Chò, thôn 1 (cũ) là gò đất cao nằm ngay ngã ba khe Nà Trương và khe Chùa, đổ nước ra sông Bạc Lở. Tại khu vực này đã tìm thấy một mộ chum thuộc văn hóa Sa Huỳnh ở vị trí sườn dốc, trong chum có nhiều hạt mã não, sau đó lấp lại và ngày nay đường bê tông chèn lên.

Khu vực này chưa bị đào phá nhiều do kết cấu đất ở đây khá cứng, có nhiều sỏi. Quan sát hiện trường cho thấy con đường bê tông xuống khe Nà Trương xẻ gò đất ra làm đôi, phần diện tích đất gần khe nước người dân trồng keo, khu vực gần vị trí phát hiện chum gốm đất bằng, không canh tác.

Trống đồng phát hiện tại khe Lành Anh (Phước Trà) hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam.
Trống đồng phát hiện tại khe Lành Anh (Phước Trà) hiện đang trưng bày tại Bảo tàng Quảng Nam.

Địa điểm Bến Đình nằm ở hữu ngạn sông Tranh, thuộc thôn 2 (cũ), là doi đất cao dọc bờ sông, trước đây có một con đường xuống bến, nên khu vực này còn được gọi là Dốc Đình. Những người tham gia đào cổ vật cho biết, tại khu vực gò bên trái đường đi của Bến Đình, họ tìm thấy nhiều chum gốm thuộc văn hóa Sa Huỳnh, bên trong có chôn theo các đồ tùy táng như đồ gốm, trang sức mã não…

Nguy cơ bị xói lở

Địa điểm Gò Búp thuộc khu vực xóm Vạn Ghe, thị trấn Tân An. Đó là một gò đất dài khoảng 600m dọc theo bờ hữu ngạn sông Tranh. Theo lời kể của người dân địa phương, khu vực này tìm thấy dấu vết mộ chum Sa Huỳnh khá dày đặc, đặc biệt khu vực vườn nhà ông Phạm Sửu và ông Lê Lan. Khu vưc Gò Búp từng bị xói lở nhưng cũng được bồi đắp hàng năm và cũng từng bị đào phá.

Theo lời ông Lê Lan, khu vực đất cách bờ sông khoảng 5m của nhà ông từng tìm thấy các mộ chum, trong có các hạt chuỗi như hạt thủy tinh màu xanh. Cách đây vài năm khi gia đình ông đào móng xây dựng các công trình dân sinh cũng thấy xuất lộ mộ chum. Ngay khu vực đất trống phía sau nhà khi trời mưa, bị xói lở cũng lộ ra các vành miệng chum, nay đã bị bồi lấp. Khảo sát khu vực vườn nhà ông Sửu, chúng tôi cũng nhặt được vài mảnh gốm Sa Huỳnh.

Ở tả ngạn sông Tranh, thuộc thôn 5 (cũ), xã Phước Gia, trên các gò đất dọc bờ sông kéo dài khoảng 1km như hố Bà Đằng, cồn Bàu đều tìm thấy dấu vết mộ chum của văn hóa Sa Huỳnh. Khu vực này đã bị sạt lở nghiêm trọng cũng như từng bị đào phá bởi những người đào trộm cổ vật.

Địa điểm này đã được Trung tâm Khảo cổ học (Viện Khoa học Xã hội tại TP.Hồ Chí Minh) điều tra khảo sát và năm 2016 Bảo tàng Quảng Nam tiến hành khai quật thu được chum hình trụ không vai, nắp hình nón cụt, các loại nồi, bát, chậu, bình… Đồ sắt chủ yếu là các loại đục, rựa, rìu, giáo… Đồ trang sức gồm các loại khuyên tai có mấu, khuyên tai vành khăn bằng đá nephit, hạt chuỗi đá mã não, agate, nephrit, amethyst, cườm tấm thủy tinh. Một số đồ đá như rìu, bàn mài. Các nhà khảo cổ học cho rằng đây là khu mộ táng thuộc văn hóa Sa Huỳnh với hai loại hình mộ chum và mộ đất, niên đại khoảng thế kỷ III-II TCN đến đầu CN.

Trong đợt khảo sát tại khu vực hố Bà Đằng, chúng tôi nhặt được trên bề mặt di tích rất nhiều mảnh vỡ của mộ chum, nắp chum, nồi, tô và bàn mài, công cụ sắt. Thời gian này, người dân sống gần di tích cũng thu nhặt được một số hiện vật nguyên như nồi, tô, khuyên tai vành khăn, rìu đá, mảnh vỡ đồ đồng.   

Những địa chỉ cần tiếp tục khảo sát

Tại địa điểm Bình Kiều thuộc thôn 4 (cũ) xã Hiệp Hòa, khảo sát khu vực Thổ Chùa và Gò Đồn nằm trên gò đất cao bên bờ sông Tranh xuất hiện rải rác cổ vật Sa Huỳnh. Ông Trần Đình Diêu, người dân khu vực này cho biết, trong vạt đất gia đình đang canh tác trước đây đào được nhiều chum gốm, bên trong có nồi gốm, khuyên tai, hạt cườm…; đặc biệt đã đào được trống đồng, bên trong có các nồi, trang sức mã não và cả di cốt người. Gần đây, trong quá trình canh tác ông cũng nhặt được một số mảnh chum gốm. Tại vườn ông Trần Văn Thành cũng tìm thấy dấu vết mộ chum Sa Huỳnh, nơi đây vẫn chưa bị xâm hại nhiều. 

Địa điểm Bình An, dấu tích văn hóa Sa Huỳnh được tìm thấy trong vườn nhà ông Đặng Văn Thường. Khu vực này còn được gọi là thác Ông Xuân, là một doi đất rộng. Theo lời kể của con ông Thường, trước năm 1964 trong quá trình làm vườn gia đình tìm thấy nhiều hũ kích thước lớn (chum gốm). Sau đợt lũ năm 1964, khu vực này bị bồi lấp. Địa điểm này đối diện với địa điểm An Toàn qua bờ sông Tranh, hiện tại một phần đất trồng cỏ, một phần trồng sắn.

Vườn nhà ông Nguyễn Phán theo thông tin người dân cung cấp chỉ thấy dấu vết mộ chum văn hóa Sa Huỳnh. Khu vực này trước đây cũng từng bị đào phá nhiều, các chum phân bố theo từng cụm khoảng 3 - 4 chiếc. Những năm sau đó, trong quá trình đào đất làm vườn, ông Phán tìm thấy một mộ chum. Theo lời ông, trong mộ chum có nồi nhỏ đựng các đồ trang sức. Một phần đồ trang sức này được ông giữ lại gồm: một khuyên tai vành khăn, một khuyên tai 3 mấu đã bị sứt phần mấu và móc, hai hạt chuỗi kim loại và 50 hạt chuỗi đá. Khu vực này hiện tại là đất trống không canh tác, xung quanh bờ đất người dân trồng chuối và một số cây gỗ.

Địa điểm Cù Lao nằm trên gò đất cao dọc bờ tả ngạn sông Tranh, gần khu vực cầu Tân An, thuộc địa phận thôn 1 (cũ), xã Quế Bình. Hiện nay trên khu đất này người dân trồng keo, kế đó có khu nghĩa địa nhỏ. Khu vực này trước đây từng bị đào phá tìm cổ vật, theo lời kể của người dân đó là các rãnh lõm dài - dấu tích các chum mộ bị đào phá.

Địa điểm La Cú nằm trên một gò đất đã bị san phẳng thuộc thị trấn Tân An, cạnh bên suối La Cú. Theo lời kể của ông Lê Đức Hùng, trước đây trong quá trình đào đất đắp nền, gia đình ông phát hiện một mộ chum Sa Huỳnh, bên trong chum có đồ trang sức mã não, nồi gốm. Cả khu vực này chỉ phát hiện được một mộ chum duy nhất. Hiện tại khu vực này đã được san bạt làm nhà ở.

Địa điểm Khe Lành Anh trước đây từng phát hiện trống đồng Đông Sơn (trống đồng phát hiện tại Phước Trà, đang được lưu giữ ở Bảo tàng Quảng Nam). Nơi đây là một gò đất cao, dài, cách bờ tả ngạn sông Trường khoảng 50m, cạnh đó là khe Lành Anh. Theo lời ông Nguyễn Phước Dũng - người sinh sống tại khu vực này cho hay, tại đây đã đào được trống đồng có chứa bên trong các hạt chuỗi mã não, khuyên tai vành khăn, khuyên tai ba mấu. Hiện tại khu vực này được ông Dũng trồng keo và từ lúc phát hiện trống đồng cho đến nay không phát hiện được gì mới.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Dấu tích văn hóa Sa Huỳnh ở Hiệp Đức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO