Đấu tranh đòi thi hành hiệp định Paris, giải phóng hoàn toàn quê hương

LÊ AN ĐÔNG 30/07/2020 04:13

Hiệp định Paris được ký kết (ngày 27.1.1973), nhưng Mỹ và ngụy quyền Sài Gòn tiến hành phá hoại việc thi hành hiệp định. Được sự hỗ trợ tối đa về phương tiện chiến tranh của Mỹ, Nguyễn Văn Thiệu tiến hành thực hiện âm mưu “tràn ngập lãnh thổ”, đưa quân lấn chiếm vùng giải phóng, xóa thế da beo và “đẩy cộng sản lên biên giới”... Nguyễn Văn Thiệu còn tuyên bố “Tất cả mọi việc của ta, luật lệ của ta, hành chính của ta y như trước không có gì thay đổi”.

Ban Thường vụ Đặc Khu ủy bàn kế hoạch giành dân giữ đất sau Hiệp định Paris 1973.
Ban Thường vụ Đặc Khu ủy bàn kế hoạch giành dân giữ đất sau Hiệp định Paris 1973.

Khắc phục tư tưởng bi quan, dao động

Hiệp định ký chưa ráo mực, chỉ trong một thời gian ngắn, từ ngày 28.1 đến cuối tháng 6.1973, tại Quảng Đà, địch chiếm hầu hết các lõm du kích mới mở ra của ta tại vùng A và vùng B huyện Điện Bàn, vùng giải phóng tây Duy Xuyên, vùng B Đại Lộc... Ở Quảng Nam, chúng chiếm một số lượng lớn các thôn, xã Kỳ Thịnh, Kỳ Long, Kỳ Quý (Tam Kỳ); Phú Thọ, Đồng Thành, Phú Diên, Phú Hiệp, Sơn Lãnh, Lãnh An, Lãnh Thượng (Quế Sơn); Phước Tiên (Tiên Phước), khu đồi 59, Gia Hội, Bình Phú, thôn 4, thôn 5 Bình Dương và Bình Lãnh (Thăng Bình)... Chúng thực hiện kế hoạch “đại hồi canh, hồi cư”, lập thêm hàng loạt khu đồn mới. Tính đến đầu tháng 2.1974, địch đóng thêm 91 cứ điểm mới ở Quảng Đà và 73 cứ điểm ở Quảng Nam.

Trước tình hình đó, cán bộ, đảng viên và nhân dân nảy sinh tư tưởng bi quan, dao động, thiếu tin tưởng đường lối chủ trương của Đảng, giảm sút ý chí chiến đấu, giảm chiến trường, thiếu quyết tâm trụ bám. Đặc biệt diễn ra hai luồng tư tưởng, một bên là kiên quyết tiến công địch, một bên là co thủ, không dám đánh vì sợ địch cho ta vi phạm hiệp định; nhiều trận đánh của du kích, bộ đội không dám báo cáo về trên vì sợ phê bình. Trong khi đó, công tác tư tưởng của ta lại nặng tuyên truyền một chiều về pháp lý hiệp định, gây hy vọng vào khả năng thi hành hiệp định, khả năng hòa giải, hòa hợp dân tộc... mà không đề cao cảnh giác, thiếu chuẩn bị kế hoạch đánh địch. Do đó, dẫn đến việc mất đất, mất dân, phong trào cách mạng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Cán bộ thông tin - tuyên truyền Quảng Nam phổ biến chính sách của chính phủ sau ngày giải phóng. (Ảnh tư liệu)
Cán bộ thông tin - tuyên truyền Quảng Nam phổ biến chính sách của chính phủ sau ngày giải phóng. (Ảnh tư liệu)

Để khắc phục những tư tưởng lệch lạc trong cán bộ, nhân dân và quán triệt chủ trương của Đảng, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Đặc Khu ủy Quảng Đà chỉ đạo ngành Tuyên huấn tập trung hướng dẫn và liên tục mở những đợt học tập nghị quyết, chỉnh huấn, sinh hoạt chính trị, mở hội nghị chuyên đề chống “bình định”, chống chiến tranh tâm lý chiến của địch. Nhờ đó, các ngành các cấp đã kịp thời uốn nắn những lệch lạc về tư tưởng, làm cho cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy rõ bản chất hiếu chiến, ngoan cố và âm mưu thủ đoạn của địch, hiểu địch, hiểu ta một cách đúng đắn hơn, thấy rõ thế và lực của ta ngày càng phát triển và lớn mạnh, đồng thời thấy những khó khăn yếu kém để khắc phục, tạo ra cục diện mới chống lấn đất, giành dân...

Nhân Tết Nguyên đán, Ban Tuyên huấn Quảng Nam và Quảng Đà mở đợt tuyên truyền rầm rộ, nhất là ở những điểm đón tết của huyện và tỉnh. Ở Quế Sơn có đến 1.580 lượt người dự, Nam Tam Kỳ cũng có hàng ngàn lượt người xem. Các đoàn văn công, điện ảnh phục vụ ngay sát vùng địch kiểm soát nên quần chúng rất phấn khởi, đồng bào còn mang quà tết ra cho cán bộ, bộ đội ta.

Tháng 7.1973, Hội nghị lần thứ XXI của Ban Chấp hành Trung ương Đảng phê phán những biểu hiện “lừng chừng”, “hữu khuynh” trong việc đối phó với địch; đồng thời khẳng định con đường cách mạng miền Nam là con đường bạo lực cách mạng, đánh địch phá hoại hiệp định, phản công địch, tấn công cả vào căn cứ và sào huyệt của chúng. Sau khi có nghị quyết của Trung ương, Khu ủy 5 họp và xác định chuyển hướng lãnh đạo nhằm đưa phong trào cách mạng trong khu tiến lên.

Bước chuyển quyết định

Trước bước chuyển của phong trào cách mạng, Đảng bộ Quảng Nam và Đảng bộ Quảng Đà đã tiến hành đại hội đại biểu, đề ra phương hướng nhiệm vụ mới. Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam họp từ ngày 10 đến 20.3.1973, đề ra nhiệm vụ của đảng bộ trong giai đoạn tới: “Ra sức khắc phục khó khăn, đẩy mạnh tấn công, đánh bại mọi âm mưu mới của địch; đấu tranh đòi địch thi hành hiệp định, giữ gìn hòa bình; ra sức xây dựng thực lực mọi mặt, đẩy lên một cao trào chính trị mạnh mẽ ở vùng địch, khẩn trương xây dựng căn cứ địa (cả miền núi và đồng bằng) một cách toàn diện thành hậu phương vững chắc”. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gồm 20 ủy viên, do đồng chí Hoàng Minh Thắng làm Bí thư.

Đại hội Đảng bộ Đặc khu Quảng Đà họp từ ngày 4 đến 10.9.1973, đề ra nhiệm vụ: “Ra sức đánh bại lấn chiếm bình định của địch, giành dân, giữ dân, mở rộng quyền làm chủ, phát triển thực lực của ta. Hướng tấn công chủ yếu là nhằm vào vùng tranh chấp và vùng địch. Phương châm đấu tranh là đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh quân sự, đấu tranh ngoại giao”. Về công tác xây dựng Đảng, chú trọng xây dựng đảng bộ, chi bộ ở cơ sở vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Công tác tư tưởng phải làm cho cán bộ, đảng viên thấy rõ tình hình với những diễn biến khó khăn, phức tạp và bản chất ngoan cố, hiếu chiến của địch nhằm phá hoại Hiệp định Paris, kéo dài “Việt Nam hóa chiến tranh”. Quán triệt quan điểm, phương hướng, phương châm, tình hình nhiệm vụ mới; phát huy cao độ tinh thần cách mạng tiến công, nêu cao lòng yêu nước. Đại hội bầu Ban Chấp hành Đảng bộ gồm 29 ủy viên, do đồng chí Trần Thận làm Bí thư.

Đại hội Đảng bộ Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà đã tổng kết một cách toàn diện các mặt hoạt động của hai đảng bộ suốt trong những năm dài chống Mỹ, đề ra phương hướng và nhiệm vụ mới cho giai đoạn có tính chất bước ngoặt của sự nghiệp giải phóng hoàn toàn quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng. Sau đại hội, công tác tuyên truyền tập trung vào các vấn đề: ý nghĩa thắng lợi của cuộc chống Mỹ cứu nước, ý nghĩa thắng lợi và nội dung Hiệp định Paris, tố cáo tội ác và vi phạm hiệp định của Mỹ - Thiệu; đẩy mạnh tuyên truyền về chính sách “hòa bình, hòa hợp dân tộc”, chống chiến tranh tâm lý, chiêu hồi, chiêu hàng, tuyên truyền ý nghĩa nội dung những ngày lễ lớn 3.2, 19.5, 2.9, 20.12; phát huy gương người tốt việc tốt, gương điển hình xã, thôn... Tất cả nhằm vào mục tiêu “chống lấn chiếm bình định”, giữ vững vùng ta, xây dựng lực lượng ta mạnh về mọi mặt, đưa cách mạng tiến lên.

Đại hội đã thổi một luồng sinh khí mới vào phong trào cách mạng trong tỉnh, làm dấy lên phong trào thi đua đánh giặc lập công trong cán bộ, đảng viên trên cả ba mặt trận quân sự, chính trị, binh vận. Từ đó đưa phong trào cách mạng Quảng Nam, Quảng Đà từng bước phát triển mạnh mẽ và tiến đến tổng tấn công giải phóng thị xã Tam Kỳ ngày 24.3.1975 và giải phóng Đà Nẵng ngày 29.3.1975, góp phần giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước.

Sau ngày quê hương hoàn toàn giải phóng, với tinh thần giải phóng đến đâu, tổ chức bộ máy tuyên huấn đến đó, nên chỉ mấy ngày sau khi được giải phóng, bộ máy tuyên huấn đã được thành lập đến cấp xã, mỗi xã có từ 3 - 4 phụ trách thông tin tuyên truyền, ở thôn có từ 2 - 3 người. Với khí thế mới, với sự tin tưởng, phấn khởi trong tình hình mới, ngành Tuyên huấn đã tập trung phục vụ các nhiệm vụ chính trị của Đảng, có nhiều nội dung, hình thức thiết thực, góp phần không nhỏ vào việc động viên và phát động được tư tưởng cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong quá trình ổn định tình hình, khắc phục hậu quả chiến tranh.

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đấu tranh đòi thi hành hiệp định Paris, giải phóng hoàn toàn quê hương
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO