Chủ đầu tư xác nhận không thể giải ngân hết vốn 2 dự án đầu tư 5 trung tâm y tế và 76 trạm y tế xã (theo Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ) trong năm 2023. Họ kiến nghị cho kéo dài dự án sang năm 2024. Liệu điều này có được chấp thuận?
“Sai” ngay từ đầu
“Sự vội vã” cho kịp thời gian phê duyệt chủ trương đầu tư 2 dự án đầu tư 5 trung tâm y tế tuyến huyện và 76 trạm y tế xã để thụ hưởng gần 300 tỷ đồng từ Chương trình phục hồi kinh tế - xã hội của Chính phủ đã bộc lộ quá nhiều khó khăn khi triển khai trên thực tế! Dự án “Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 5 trung tâm y tế tuyến huyện (92 tỷ đồng)” không gặp nhiều vướng mắc.
Còn dự án “Đầu tư xây mới, nâng cấp, cải tạo 76 trạm y tế tuyến xã (phê duyệt tổng vốn đầu tư 196,9 tỷ đồng)” không dễ dàng thực hiện. Nếu nâng cấp, cải tạo 38 trạm, đầu tư trang thiết bị cho 64 trạm y tế không mấy khó khăn thì hạng mục xây mới 15 trạm y tế trong dự án này đã gặp bất trắc.
Cuộc khảo sát của lãnh đạo tỉnh nhằm kiểm tra hiện trạng 8 trạm y tế, gồm Bình An, Bình Trị (Thăng Bình), Quế Xuân 2 (Quế Sơn), Điện Phong, Điện Trung, Điện Hòa, Điện Thọ (Điện Bàn) và Đại Nghĩa (Đại Lộc) vào ngày 5/8/2023 cho thấy, các trạm y tế này, dù ít nhiều hư hỏng, vẫn đáp ứng cho việc khai thác, sử dụng, không thể đập đi, xây mới, theo như chủ trương đầu tư hay dự án đã được phê duyệt.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn nói, xây mới chưa chắc đẹp hay chắc chắn bằng các trạm hiện có. Nếu nói không đảm bảo chất lượng thì phải có máy đo, khoan bê tông, đánh giá... mới có thể xác định được. Sai ngay từ ban đầu khi đưa danh mục xây mới xin chủ trương đầu tư.
Chủ đầu tư cần rà soát cụ thể, tổng hợp, xác định kỹ việc sửa chữa, xây lắp các mái che hay xây thêm phòng, thay vì phá toàn bộ xây mới..., thống nhất trình xin điều chỉnh chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án cùng một lần, trước khi tiến hành dự án.
Trạm Y tế Tân An (Hiệp Đức), Tam Anh Bắc, Tam Mỹ Tây (Núi Thành) chưa có thông tin. Cuộc khảo sát các Trạm Y tế Thanh Hà (Hội An), Bình Minh, Bình Hải, Bình Nguyên (Thăng Bình) trước đây cũng đã “xác nhận” các trạm y tế này vẫn đủ công năng sử dụng, không cần xây mới.
UBND tỉnh đã trình Thường trực HĐND xem xét, thống nhất điều chỉnh từ đầu tư xây dựng mới các trạm y tế này sang nâng cấp, cải tạo (22/6/2023). Cho đến giờ, Thường trực HĐND tỉnh vẫn chưa hồi đáp.
Ông Huỳnh Xuân Sơn - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh cho biết, dự án 5 trung tâm y tế đang trình kế hoạch phê duyệt lựa chọn nhà thầu, dự án 76 trạm y tế đang triển khai thiết kế, chuẩn bị trình phê duyệt thiết kế bản vẽ thi công - dự toán.
Tiến độ ì ạch do dự án cấp bách nhưng không được phép chỉ định thầu, nên vẫn phải tổ chức lựa chọn nhà thầu theo hình thức đấu thầu qua mạng. Thủ tục về môi trường mới thay đổi nên chủ đầu tư lẫn cơ quan thẩm định đều lúng túng.
Nhiều văn bản gửi đi vẫn không được Bộ TN-MT trả lời nên không biết áp dụng thế nào cho đúng. Dự án trải qua 13 huyện, việc khảo sát lại/xin thông tin quy hoạch địa phương khó, nhiều đơn vị sử dụng nên có rất nhiều nhu cầu phải đáp ứng. Tất cả hồ sơ, thủ tục này mất rất nhiều thời gian.
Liệu có kịp hạn cuối cùng?
Chủ đầu tư (Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh) công bố đầu tháng 9/2023 sẽ bắt đầu tổ chức lựa chọn nhà thầu xây dựng, tháng 10 thi công, theo hướng sẽ thực hiện trước những trạm y tế nào đủ điều kiện, không phụ thuộc những trạm đang điều chỉnh. Các dự án sẽ được phân thành nhiều gói thầu (vẫn đấu thầu qua mạng).
Theo nhóm cải tạo, xây mới hoặc theo huyện/vùng để có thể huy động nhiều nguồn lực cùng thực hiện. Dự kiến, các trạm y tế thuộc diện sửa chữa, cải tạo sẽ cơ bản bàn giao, sử dụng từng phần. Các trạm y tế xây mới sẽ hoàn thành hết phần thân công trình.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Tuấn yêu cầu chủ đầu tư xây dựng bản đồ công việc, kế hoạch thời gian cụ thể cho việc thực hiện dự án. Bằng mọi giá phải hoàn tất các hồ sơ, thủ tục, triển khai thi công dự án, không thể để mất nguồn vốn.
Tuy nhiên, trước hàng loạt khó khăn chưa thể được gỡ bỏ, chủ đầu tư vẫn đang loay hoay tính chuyện điều chỉnh dự án. Chưa có công trình nào khởi công xây dựng thì dù có lạc quan đến bao nhiêu cũng dễ dàng thấy không thể hoàn thành dự án đúng kế hoạch, khi chỉ còn 4 tháng nữa là kết thúc dự án.
Dự án đầu tư 5 trung tâm y tế tuyến huyện 92 tỷ đồng, nhưng đến 31/7/2023 chỉ mới giải ngân được 1,443 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2023 chỉ có thể giải ngân khoảng 37 tỷ đồng. Còn dự án đầu tư 76 trạm y tế xã đã có 49/53 trạm y tế hoàn thiện hồ sơ, bản vẽ, gửi thẩm tra chỉ đủ “khả năng” giải ngân khoảng 40/196,9 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Xuân Sơn - Giám đốc Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng thừa nhận, kế hoạch vốn đã được bố trí đủ bằng tổng mức đầu tư của 2 dự án được duyệt, nên khó hoàn thành công tác xây lắp và giải ngân hết kế hoạch vốn trong năm 2023.
Cơ quan này đề nghị UBND tỉnh, HĐND tỉnh kiến nghị các cơ quan trung ương xem xét cho phép kéo dài thời gian thực hiện dự án sang năm 2024. Lời đề nghị này có được chấp thuận hay không thì không ai có thể đoan chắc được.
Chiếu theo quyết định phân bổ vốn ban đầu là dự án sẽ kết thúc vào 31/12/2023 thì chuyện mất vốn, buộc phải trả về Trung ương (hơn 210 tỷ đồng) là điều đã được báo trước. Tuy nhiên, đổ lỗi cho chủ đầu tư hay các cơ quan liên quan của địa phương không thể giúp Quảng Nam thụ hưởng hết số vốn được cấp. Có thể thấy ngay được sự khó khăn của việc thực hiện dự án này khi thời hạn cho phép quá ngắn.
Theo quy định Luật Đầu tư công, một dự án nhóm B sẽ được bố trí vốn, thực hiện không quá 4 năm (48 tháng). Nhưng 2 dự án này chỉ được thực hiện trong 2 năm (thực chất chưa quá 18 tháng, từ tháng 8/2022 đến 12/2023), thì dù chủ đầu tư, địa phương thụ hưởng có cam kết, cũng không tài nào thực hiện được, khi hàng loạt khó khăn từ hồ sơ, thủ tục... Không có gì biệt đãi cho các dự án đầu tư cấp bách. Kiểu “cho tiền mà không muốn người thụ hưởng kịp sử dụng” là điều nên hay không?