Đầu tư cánh rừng gỗ lớn: Không thể chậm trễ

HỮU PHÚC 27/07/2018 14:19

Ngành nông nghiệp đang dự thảo, lấy ý kiến đóng góp dự thảo Đề án hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025 (do Sở NN&PTNT soạn thảo). Đây là tín hiệu vui với các vùng có thế mạnh phát triển kinh tế rừng, nhưng thực tiễn cho thấy bước thay đổi tư duy sản xuất lâm nghiệp của tỉnh vẫn còn khá chậm.

Chỉ có trồng rừng gỗ lớn mới đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu. Ảnh: H.P
Chỉ có trồng rừng gỗ lớn mới đáp ứng nhu cầu sản xuất, chế biến gỗ phục vụ xuất khẩu. Ảnh: H.P

Trong vòng luẩn quẩn

Vừa thu hoạch xong 1ha keo sau chu kỳ 5 năm trồng, ông Lê Đình Tựu (trú tại thôn Phú Mỹ, xã Thăng Phước, Hiệp Đức) nhẩm tính, doanh thu hơn 55 triệu đồng, nhưng lãi khoảng 30 - 35 triệu đồng sau khi trừ chi phí đầu tư. Theo ông Tựu, năm nay khai thác hơn 3ha, nhưng vì đất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên vừa qua đã bị chính quyền xã chặn xe chở keo lại, yêu cầu cam kết đủ thứ. Gia đình ông Tựu vay vốn ngân hàng theo diện hộ cận nghèo từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Hai loại cây nguyên liệu được người dân vùng này chọn trồng là keo và bạch đàn. Lâu nay, nông dân trồng keo chỉ bán gỗ nhỏ cho các nhà máy chế biến dăm gỗ. “Về lợi nhuận, sau khoảng 5 năm trồng và chăm sóc, thương lái đến thu mua tận nơi khoảng từ 50 - 70 triệu đồng/ha keo. Nếu để thêm 3 - 4 năm nữa, khi đủ kích thước làm gỗ xẻ, giá trị có thể lên đến hơn 100 triệu/ha, nhưng hầu hết người dân đều bán gỗ làm dăm nguyên liệu. Biết để thêm vài năm nữa thu lợi nhuận cao hơn, nhưng tôi buộc phải bán để kiếm tiền trả lãi ngân hàng, trang trải cuộc sống hàng ngày” – ông Tựu nói.

Bán keo non là tâm lý phổ biến của nông dân các huyện miền núi, trung du. Điều này xuất phát từ nguyên do họ “thủy chung” với tập quán canh tác truyền thống, trồng rừng với mật độ dày 4.000 - 5.000 cây/ha. Thêm vào đó, vì chưa có giống cây trồng mới năng suất cao nên người dân sử dụng giống cũ với đặc điểm tăng trưởng về chiều cao, nhưng không phát triển về đường kính nên dễ bị ngã đổ khi có gió bão. Vì vậy, chu kỳ 5 năm thu hoạch là hợp lý. Thời gian qua, ngoại trừ nông dân trồng rừng theo các chương trình, dự án do nước ngoài tài trợ, Nhà nước hỗ trợ thí điểm theo chứng chỉ rừng quốc tế (FSC) thì hầu hết người dân không mặn mà với cánh rừng gỗ lớn.

Đến nay, diện tích rừng trồng sản xuất tập trung từ các dự án phát triển ngành lâm nghiệp WB3 là 17.078ha, dự án khôi phục và quản lý rừng bền vững KFW6 với diện 979ha. Lực cản lớn nhất mà người dân tiếp cận với cánh rừng gỗ lớn và đạt tiêu chuẩn FSC là ít vốn, thường không có giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính điều này, các ngân hàng rất ngại cho các hộ dân vay vốn trồng rừng; và nếu cho vay thì cũng rất dè dặt với nguồn vốn bởi khách hàng không có tài sản thế chấp. Trong khi đó tỉnh chưa tự nghiên cứu ra giống mới, phụ thuộc từ bên ngoài là chính; các mô hình trồng rừng gỗ lớn mới dừng lại ở khâu thí điểm.

Liên kết để trồng rừng

Theo dự thảo Đề án “Hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đến năm 2025”, phấn đấu đến năm 2025, tổng diện tích xây dựng trồng rừng gỗ lớn là 19.015ha. Trong đó, diện tích chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng gỗ lớn 3.926ha; diện tích trồng mới, trồng lại sau khai thác 15.089ha. Tổng nhu cầu vốn phát triển trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng đến năm 2025 là hơn 822 tỷ đồng (vốn ngân sách nhà nước hỗ trợ theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg là hơn 96,8 tỷ đồng; vốn đóng góp của hộ dân 469 tỷ đồng; vốn doanh nghiệp đầu tư hơn 254 tỷ đồng…).

Điểm lưu ý của dự thảo Đề án “Hỗ trợ trồng rừng gỗ lớn và cấp chứng chỉ rừng trên địa bàn tỉnh đến năm 2025” là ngoài trồng mới, còn đưa ra lộ trình thời gian thích hợp để chuyển hóa rừng trồng gỗ nhỏ sang rừng trồng kinh doanh gỗ lớn. Theo các huyện miền núi, việc vận động khuyến khích người dân bắt đầu chuyển sang trồng rừng gỗ lớn không khó vì Nhà nước đã có cơ chế hỗ trợ cụ thể. Tuy vậy, nếu từ bây giờ cơ quan quản lý và doanh nghiệp không giúp nông dân có được nguồn giống chất lượng, năng suất cao hơn, thì việc khai thác gỗ lớn cho ngành công nghiệp gỗ sẽ không hiệu quả. Giống nào cho chất lượng tốt, lấy ở đâu, giá cả thế nào… vẫn luôn là vấn đề đặt ra với kinh tế rừng của Quảng Nam thời gian qua. Công ty CP Lâm đặc sản xuất khẩu Quảng Nam, Công ty TNHH Innovgreen Chu Lai, hay các dự án trồng rừng WB3, KFW6, chương trình 661... trồng rừng gỗ lớn với diện tích không lớn. Trong khi đó, các doanh nghiệp như Công ty TNHH Hào Hưng, Công ty CP Đầu tư và phát triển lâm nghiệp Quảng Nam, Công ty CP Gỗ công nghiệp Quảng Nam... đang trong giai đoạn khảo sát, liên kết và thuê đất trồng rừng ở một số địa phương miền núi.

Nhận diện bất cập về cây giống, GS-TS.Nguyễn Ngọc Lung - Viện trưởng Viện Quản lý rừng bền vững và chứng chỉ rừng cho rằng, vì Việt Nam có quá nhiều giống cây, nên rất khó chọn. Một số loài có thể trồng để lấy gỗ nguyên liệu thì lại được nước ngoài sang mua giống, như cây chò chỉ, xoan đào, giổi… Giống tốt đầu tư phải có kỹ thuật và vốn lớn, đây là những yếu tố mà nông dân đang thiếu. Do vậy, mô hình liên kết doanh nghiệp và hộ gia đình để phát triển rừng có chứng chỉ là phù hợp với giai đoạn hiện nay. Trong dự thảo đề án của Sở NN&PTNT, ngoài các giải pháp quản lý nguồn cây giống, hỗ trợ của Nhà nước, còn đặc biệt quan tâm đến mô hình liên kết các hộ gia đình trồng rừng, liên kết các doanh nghiệp để đầu tư trồng rừng; giữa hội chủ rừng với doanh nghiệp gỗ lớn.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư cánh rừng gỗ lớn: Không thể chậm trễ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO