Đầu tư cấp nước sạch vùng nông thôn: Chưa hiệu quả, thiếu bền vững

Q.VIỆT - V.SỰ 09/11/2015 09:01

Tại buổi làm việc mới đây với Sở NN&PTNT và bên liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh thống nhất chủ trương đề xuất với HĐND tỉnh không tiếp tục thực hiện cơ chế đầu tư cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Nam trong thời gian đến khi cơ chế này hoạt động không hiệu quả trong giai đoạn 2012 - 2015.

Nước sạch là vấn đề nan giải ở các địa phương miền núi. Ảnh: Q.V
Nước sạch là vấn đề nan giải ở các địa phương miền núi. Ảnh: Q.V

Không mục tiêu nào đạt

Ngày 19.9.2012, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 56/2012/NQ-HĐND về cơ chế đầu tư cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Nam giai đoạn 2012 - 2015. Theo Sở NN&PTNT, dự kiến tất cả mục tiêu sẽ không đạt khi năm 2015 kết thúc. Ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT nêu ý kiến, nước sạch và vệ sinh môi trường là những vấn đề hết sức cấp thiết ở khu vực nông thôn và miền núi, các phương tiện thông tin đại chúng đã vạch ra rất nhiều lỗ hổng quản lý rồi, vậy mà đến nay không được cải thiện mấy. Đây cũng là tiêu chí thứ 17 trong 19 tiêu chí nông thôn mới, rất cần tập trung xây dựng các công trình cho các xã nông thôn mới nhưng nguồn kinh phí quá hạn hẹp nên thực hiện cầm chừng. Công tác quản lý vận hành, duy tu bảo dưỡng công trình cấp nước tập trung chưa được chú trọng nên một số công trình hiện nay xuống cấp, không phát huy hiệu quả sử dụng, thiếu tính bền vững.

Theo nghị quyết của HĐND tỉnh, cơ cấu nguồn vốn đầu tư là nguồn ngân sách nhà nước chiếm 36%, vốn đối ứng của người dân 27% và vốn huy động từ các nguồn khác 37%. Vậy nhưng, thực tế cơ cấu nguồn vốn đầu tư trong giai đoạn 2012 - 2015: nguồn ngân sách nhà nước 21,53%, vốn đối ứng 78,47%, nguồn vốn khác 0%. Trong thời gian qua, nguồn vốn vay của người dân từ Ngân hàng Chính sách - xã hội của tỉnh tập trung vào xây dựng các công trình nước sạch nhỏ lẻ và công trình vệ sinh hộ gia đình. Điều này đã góp phần nâng cao tỷ lệ người dân nông thôn có nước sạch và nhà tiêu hợp vệ sinh. Kinh phí phân bổ cho hoạt động nước sạch và vệ sinh môi trường chủ yếu là từ nguồn kinh phí của Trung ương thông qua chương trình mục tiêu quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường, vốn đối ứng của người dân, còn vốn đối ứng của tỉnh không có.

Việc phân cấp tổ chức thực hiện cơ chế đầu tư cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn Quảng Nam trong gần 4 năm qua không được đồng bộ. Công tác quản lý, điều hành, theo dõi, giám sát, đánh giá các hoạt động của các sở, ban ngành và địa phương chồng chéo lẫn nhau, không thống nhất số liệu. Tại nhiều địa phương, nguồn vốn được giao trực tiếp về UBND xã thực hiện, không giao cho các phòng NN&PTNT trực thuộc ban điều hành chương trình thực hiện nên việc theo dõi giám sát và báo cáo đánh giá kết quả gặp nhiều khó khăn. Đáng chú ý là nhiều địa phương không có số liệu để báo cáo, hoặc báo cáo không kịp thời và thiếu chính xác.

Thay đổi phương cách đầu tư

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nhấn mạnh, nước sạch và vệ sinh môi trường là vấn đề rất “nóng” đối với khu vực nông thôn và miền núi. Chất lượng sống của người dân khu vực nông thôn và miền núi có được nâng lên hay không phụ thuộc vào tỷ lệ sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường, nhất là nước sạch đạt quy chuẩn. Tuy vậy, khi nghe ý kiến của Sở NN&PTNT cùng các ngành các cấp có liên quan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh cho biết sẽ kiến nghị với HĐND tỉnh dừng thực hiện cơ chế nước sạch và vệ sinh môi trường cho nông thôn và miền núi khi thời gian triển khai giai đoạn 2012 - 2015 kết thúc vào cuối năm nay. “Dừng triển khai theo cơ chế của HĐND tỉnh không có nghĩa là tỉnh sẽ bỏ ngỏ khu vực này. Vẫn sẽ  đầu tư nước sạch và vệ sinh môi trường cho nông thôn và miền núi nhưng là kênh khác, trước hết là chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Vấn đề nằm ở chỗ thực hiện không hiệu quả thì phải xem xét lại để triển khai phù hợp hơn, tránh lãng phí” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh nói.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh phân tích, người dân không hưởng ứng, thiếu hợp tác trong việc xây dựng và giữ gìn các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng xây xong là xuống cấp, hư hỏng, bỏ hoang công trình. Bởi vậy, điều cốt yếu là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động người dân, phải làm sao để họ thấy sử dụng nước sạch, đảm bảo vệ sinh môi trường cũng giống như cần… không khí sạch để hít thở vậy. Bổ sung ý kiến này, ông Hồ Thanh Tân - Phó Trưởng ban Dân tộc tỉnh cho rằng, cần tăng cường tần suất tập huấn, tuyên truyền cho người dân khu vực nông thôn, nhất là miền núi. Tập huấn phải nêu bật được vai trò, sự cần thiết của việc sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường đối với đời sống của họ. Cách thức quản lý, vận hành khi công trình được đưa vào sử dụng cũng phải được giải thích thấu đáo để người dân hiểu, hưởng ứng…

Theo Sở NN&PTNT, dự kiến đến cuối năm 2015, các chỉ tiêu đặt ra về nước sạch và vệ sinh môi trường đều không đạt. Cụ thể, tỷ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh chỉ là 84,06% (mục tiêu của nghị quyết là 90%); tỷ lệ các trường học mầm non và phổ thông được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh là 93,10% (mục tiêu là 100%); tỷ lệ trạm y tế xã, chợ và các công trình công cộng khác là 88,60% (mục tiêu là 100%). Đối với nội dung vệ sinh môi trường, tỷ lệ số hộ ở nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh là 71,77% (mục tiêu là 75%); tỷ lệ số hộ nông dân chăn nuôi có chuồng trại hợp vệ sinh là 59,60%, (mục tiêu của là 65%); tỷ lệ các trường học mầm non, phổ thông, nông thôn đủ nhà tiêu hợp vệ sinh là 93,10% (mục tiêu là 100%); tỷ lệ trạm y tế, trụ sở UBND xã, chợ, làng nghề ở nông thôn đủ nhà tiêu hợp vệ sinh là 88,60% (mục tiêu là 100%).

Q.VIỆT - V.SỰ

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư cấp nước sạch vùng nông thôn: Chưa hiệu quả, thiếu bền vững
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO