Đầu tư cho gia đình

LÊ QUÂN (thực hiện) 16/09/2013 08:03

Ngày mai 17.9, Sở VH-TT&DL tổ chức hội nghị Tuyên dương Gia đình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc 5 năm (2007 - 2012). Trao đổi với phóng viên Báo Quảng Nam trước thềm hội nghị, ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL khẳng định: “Đầu tư cho gia đình chính là đầu tư cho phát triển bền vững”.

- Với quan điểm trên, thời gian qua công tác xây dựng gia đình văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm thực hiện như thế nào, thưa ông?

Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL.
Ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL.

Trước tiên phải nhìn nhận xuất phát điểm của công tác xây dựng gia đình văn hóa là phát huy truyền thống văn hóa Việt Nam. Văn hóa làng xã và văn hóa gia đình là những yếu tố rất quan trọng, làm cơ sở phát huy truyền thống văn hóa Việt. Đây là yếu tố gốc hình thành nhân cách và nuôi dưỡng tính cách con người. Đối với Quảng Nam, công tác xây dựng gia đình văn hóa trở thành nhiệm vụ chính trị quan trọng của các cấp ngành, địa phương. Thời gian qua, việc đăng ký, bình xét, công nhận gia đình văn hóa được tổ chức công khai, dân chủ, đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn, nâng cao chất lượng gia đình văn hóa. Do đó, được công nhận gia đình văn hóa là niềm tự hào, vinh dự của mỗi cá nhân, gia đình. Thông qua phong trào xây dựng gia đình văn hóa đã góp phần khơi dậy và phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, truyền thống uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ kẻ trồng cây, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau phát triển kinh tế... Những thành tựu đạt được là kết quả của sự nỗ lực vượt khó, sáng tạo, thi đua yêu nước từ hơn 307 nghìn gia đình văn hóa trong toàn tỉnh thời gian qua.

- Ông có thể điểm qua những tiêu chuẩn cơ bản của một “gia đình văn hóa”?

Gia đình văn hóa là gia đình gương mẫu đi đầu trong việc chấp hành đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tích cực tham gia các phong trào thi đua ở địa phương. Trong các mối quan hệ gia đình, vợ chồng, ông bà, cha mẹ, con cái, anh chị em yêu thương đùm bọc lẫn nhau, có ý thức cao trong việc thực hiện trách nhiệm, bổn phận của mình. Trong sinh hoạt, các giá trị đạo đức truyền thống tốt đẹp của gia đình như hiếu nghĩa, thủy chung, kính trên nhường dưới được duy trì và phát huy. Trong ứng xử, vai trò của người phụ nữ được đề cao, người già, người tàn tật được chăm sóc, trẻ em được tạo mọi điều kiện để vui chơi, học tập và phát triển. Trong quan hệ cộng đồng, có ý thức, trách nhiệm với hàng xóm láng giềng; sẵn sàng quan tâm giúp đỡ người gặp khó khăn, hoạn nạn...

- Phong trào xây dựng gia đình văn hóa giữa đồng bằng và miền núi vẫn có sự chênh lệch khá lớn, nhiều địa phương còn bình xét danh hiệu theo kiểu hình thức, thưa ông?

Bên cạnh những mặt tích cực, công tác xây dựng gia đình văn hóa vẫn còn những tồn tại, hạn chế. Ban chỉ đạo một số địa phương hoạt động chưa hiệu quả, chưa sâu sát trong công tác chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc, kịp thời phát hiện những vấn đề tồn tại, vướng mắc, nảy sinh trong thực tiễn hoạt động của phong trào để có biện pháp khắc phục nâng cao chất lượng phong trào. Một số nơi còn khoán trắng công tác này cho ngành VH-TT&DL và Mặt trận.

Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức giao lưu các gia đình tiêu biểu nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm 2013.Ảnh: D.LỆ
Công đoàn Viên chức tỉnh tổ chức giao lưu các gia đình tiêu biểu nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm 2013.Ảnh: D.LỆ

Ở địa bàn miền núi, nhiều địa phương triển khai phong trào còn chậm, chỉ mới dừng lại ở việc phổ biến, quán triệt văn bản của cấp trên, nhưng đến cuối năm vẫn tiến hành bình xét, công nhận danh hiệu. Những địa phương đã triển khai thì còn lúng túng trong việc cụ thể hóa nội dung, tiêu chí xây dựng gia đình văn hóa phù hợp với đặc thù của khu vực, vùng miền, dẫn đến việc công nhận danh hiệu gia đình văn hóa chưa thực chất, thiếu thuyết phục.

- Thưa ông, sẽ phải tháo gỡ những vướng mắc trên như thế nào để phong trào xây dựng gia đình văn hóa thật sự đi vào chiều sâu?

Để khắc phục tình trạng trên, trước hết cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền vận động, đề ra tiêu chí thiết thực phù hợp đặc điểm từng vùng miền, truyền thống văn hóa, những nhu cầu bức thiết của mỗi gia đình, địa phương. Đó là những yếu tố quan trọng thúc đẩy phong trào phát triển bền vững. Tiếp tục phát huy nội lực, dựa vào truyền thống tốt đẹp của từng gia đình, dòng tộc, sức mạnh của cộng đồng; đề cao vai trò gương mẫu của người cao tuổi, ông bà cha mẹ mẫu mực... để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng phong trào. Gắn kết việc xây dựng gia đình văn hóa với phong trào xây dựng thôn - khu phố, tộc họ văn hóa và các phong trào thi đua, chương trình hành động của các ngành, địa phương, hội, đoàn thể các cấp nhằm tạo sức mạnh tổng hợp thúc đẩy phong trào phát triển. Tổ chức tốt công tác bình xét, công nhận gia đình văn hóa đúng đối tượng, quy trình, dân chủ; tuyên dương, khen thưởng kịp thời để động viên, khuyến khích phong trào đi lên.

- Xin cám ơn ông về cuộc trao đổi này!

LÊ QUÂN (thực hiện)

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Đầu tư cho gia đình
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO