Mặc dù đã dành đến 39,41% tổng vốn đầu tư của toàn tỉnh cho khu vực miền núi (hơn 7.753 tỷ đồng) trong giai đoạn 2016 - 2019, nhưng công tác giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới ở khu vực này chưa đạt mục tiêu đề ra.
Kết quả chưa như mong đợi
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Lê Văn Dũng cho biết, sau khi Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết số 05-NQ/TU ngày 17.8.2016 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - xã hội miền núi gắn với định hướng thực hiện một số dự án lớn tại vùng tây tỉnh Quảng Nam, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thành lập Ban Chỉ đạo và Tổ giúp việc về xây dựng và phát triển vùng tây của tỉnh. Tiếp đó, HĐND tỉnh ban hành các nghị quyết để trên cơ sở đó chính quyền các cấp, sở, ban ngành triển khai thực hiện.
Theo báo cáo, trong các chỉ tiêu của Nghị quyết số 05-NQ/TU đề ra đến năm 2020, có 2 chỉ tiêu đã vượt là thu nhập bình quân đầu người/năm (24,64 triệu đồng/20 triệu đồng) và độ che phủ rừng (66,45%/60%); có 1 chỉ tiêu đến năm 2020 có khả năng đạt là tỷ lệ lao động nông nghiệp (65,42%/65%), tỷ lệ lao động qua đào tạo (38,15%/38,5%). Ngoài ra, có 2 chỉ tiêu quan trọng khả năng không đạt là giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi xuống dưới 7% (cuối năm 2018 còn 25,38%) và có 30 xã đạt chuẩn nông thôn mới (hiện mới có 13 xã).
Về nguồn lực giảm nghèo, 3 năm qua, đã có hơn 770 tỷ đồng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được phân bổ để hỗ trợ cho 9 huyện miền núi triển khai thực hiện 5 dự án hợp phần thuộc chương trình. Dù dự kiến không đạt mục tiêu đến năm 2020 giảm tỷ lệ hộ nghèo khu vực miền núi xuống dưới 7%; tuy nhiên so với năm 2015, đến nay số hộ nghèo khu vực miền núi đã giảm hơn 15,4%, bình quân mỗi năm giảm 5,16%. Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Trí Thanh, thông qua đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ từ các chương trình, dự án chính sách giảm nghèo, đời sống của người dân nói chung, của người nghèo, cận nghèo khu vực miền núi đã được cải thiện rõ rệt, nhất là về y tế, giáo dục và nhà ở. Hầu hết xã nghèo đặc biệt khó khăn đều có đường giao thông đến trung tâm xã, có điện thắp sáng và phục vụ sản xuất kinh doanh, trường học, trạm y tế đáp ứng nhu cầu học tập, khám chữa bệnh cho nhân dân…
Đi tìm lời giải
Nghiên cứu mô hình trồng cây xoan để khai thác gỗ làm nhà
Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Phan Việt Cường cho biết, trong phương hướng, nhiệm vụ thực hiện Nghị quyết 05/NQ-TU từ nay đến 2021 cần tích hợp các giải pháp về đầu tư hạ tầng, khai thác sản phẩm dưới tán rừng, hỗ trợ sản xuất, phát triển chăn nuôi, du lịch, dịch vụ, sản phẩm làng nghề… nhằm giúp khu vực này giảm tỷ lệ hộ nghèo. Trong đó, liên quan đến vấn đề sắp xếp dân cư khu vực miền núi gặp khó khăn vì người dân không được khai thác gỗ làm nhà, đồng chí Phan Việt Cường nêu ý tưởng về việc vận động dân trồng cây xoan (cây sầu đông - thầu đâu) để lấy gỗ như cách làm của một địa phương phía Bắc. Đồng thời chỉ đạo UBND tỉnh lưu ý về giải pháp này để nghiên cứu, có thể xây dựng một đề án riêng về phát triển cây xoan. Trong đó, lấy Tây Giang hoặc Nam Giang làm điểm trồng thử nghiệm để nhân rộng. V.ANH (ghi)
Liên quan đến vấn đề giảm nghèo khu vực miền núi, báo cáo sơ kết 3 năm thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TU đề nghị, cần phải rà soát xem xét cụ thể và có giải pháp thiết thực về chỉ tiêu giảm nghèo với điều kiện, khả năng thực thi để có điều chỉnh cho phù hợp. Theo đó, đề nghị điều chỉnh chỉ tiêu giảm nghèo đến năm 2020 tại điểm 2.2, khoản 2, Mục II Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy từ dưới 7% lên còn khoảng 17%; tiếp tục nghiên cứu, đánh giá thực trạng, nguyên nhân nghèo của nhóm hộ nghèo dân tộc thiểu số tại các huyện miền núi, đặc biệt là hộ nghèo dân tộc thiểu số thuộc chính sách người có công cách mạng để có giải pháp hỗ trợ thoát nghèo bền vững thời gian đến. Ông Huỳnh Tấn Triều - Giám đốc Sở LĐTB&XH cho biết, hiện nay hộ nghèo của tỉnh tập trung chủ yếu ở khu vực miền núi. Trong số hơn 31.537 hộ nghèo toàn tỉnh thì miền núi chiếm đến 20.895 hộ (chiếm 66,2%), trong đó số hộ nghèo người dân tộc thiểu số đến 77,9%. Điều kiện ở miền núi còn rất khó khăn, nhất là về cơ sở hạ tầng, nguồn lực đầu tư hạn chế, trong khi tâm lý người dân ngại đi xa, ngại học nghề, xuất khẩu lao động… để nâng cao thu nhập, là những rào cản khiến vấn đề giảm nghèo khu vực này khó khăn.
Tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 17 vừa qua, nhiều đại biểu đã có những đánh giá sát thực về tình hình kinh tế - xã hội khu vực miền núi, đồng thời kiến nghị Tỉnh ủy, HĐND và UBND tỉnh có những giải pháp căn cơ nhằm phát huy các nguồn lực đầu tư dành cho khu vực này trong những năm đến. Trong đó có đại biểu đề xuất: đối với miền núi, tỉnh nên tập trung phát triển hạ tầng về giao thông, giáo dục, y tế..., hạn chế hình thức hỗ trực tiếp cho hộ dân, có như vậy mới mang lại hiệu quả lâu dài, bền vững hơn. Là người đứng đầu một huyện miền núi còn nhiều hộ nghèo, ông Đỗ Tài - Bí thư Huyện ủy Đông Giang nhìn nhận, khu vực miền núi có nhiều thay đổi, nhưng thu nhập của người dân còn thấp, đời sống khó khăn, hạ tầng xã hội yếu kém, nhất là hạ tầng giao thông, kết nối vùng… Miền núi vẫn loay quay với chuyện “làm gì để bán có tiền” và khâu tiêu thụ sản phẩm.
Bí thư Huyện ủy Đông Giang - Đỗ Tài kiến nghị: “Với vị thế của tỉnh, khu vực miền núi trong giai đoạn mới đang xuất hiện nhiều thời cơ mới để phát triển. Do đó mong tỉnh tiếp tục đầu tư về giao thông, kết nối vùng, bảo đảm thông suốt để lưu thông hàng hóa. Thứ hai, các cơ quan của tỉnh nên nghiên cứu đầy đủ về biện pháp quản lý bảo vệ rừng trong kinh tế thị trường và phù hợp với tập quán văn hóa miền núi theo hướng nâng mức tiền bảo vệ rừng và tiền trồng rừng cho người dân. Nếu làm được sẽ giải quyết được nhiều vấn đề căn cơ đặt ra. Thứ ba, khi Công ty ô tô Trường Hải xây dựng khu chế biến nông sản, mong tỉnh định hướng cho các địa phương sản xuất những cái gì mà công ty cần và cách sản xuất như thế nào để địa phương hướng dẫn, định hướng cho bà con. Thứ bốn, tỉnh cần đầu tư và quan tâm nhiều hơn nhằm phát triển du lịch cộng đồng ở miền núi”.